Báo Đồng Nai điện tử
En

An toàn lao động trong khai thác khoáng sản: Chưa được quan tâm

11:02, 29/02/2012

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 20 mỏ đá đã được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, qua kiểm tra, việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ và PCCN) ở không ít doanh nghiệp cần được chấn chỉnh kịp thời.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 20 mỏ đá đã được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, qua kiểm tra, việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ và PCCN) ở không ít doanh nghiệp cần được chấn chỉnh kịp thời.

* Bỏ lơ an toàn vệ sinh lao động

Mỏ đá Phú Thạnh 2 (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) thuộc Công ty cổ phần Hóa An (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) được khai thác với những hố sâu trên dưới 10m. Tại các hố sâu này không hề có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm, những sợi dây điện hạ thế nằm ngổn ngang trên đường dẫn xuống các hố khai thác đá. Mỏ đá cũng không được công ty trang bị đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo về đêm, rào cản giữ khoảng cách an toàn giữa đường vận chuyển với mép hố sâu.

Những hố khai thác đá sâu hun hút nhưng không hề có rào chắn, biển báo.
Những hố khai thác đá sâu hun hút nhưng không hề có rào chắn, biển báo.

Qua kiểm tra, phần lớn các mỏ đá chưa có nội quy vận hành máy móc, biển báo, đèn chiếu sáng, đèn báo hiệu tại các khu vực nguy hiểm như: trạm điện, máy nghiền đá, hố sâu sau khi khai thác đá… và trang bị hệ thống rào chắn đối với các hố sâu nguy hiểm.

Tại khu vực khai thác mỏ đá Núi Nứa (TX.Long Khánh) của Công ty cổ phần đầu tư khai thác khoáng sản Đông Bắc, dưới cái nắng gắt của mùa khô, đoạn đường vận chuyển đá từ trên núi xuống lúc nào cũng bụi mù mịt bởi các xe tải chạy qua lại, trong khi đó nhiều công nhân lại không hề đeo khẩu trang chống bụi. Thế nhưng, dường như cả chủ đầu tư lẫn người lao động đều chẳng ai quan tâm, bởi đây là “chuyện thường ngày ở… mỏ”.

* Cần nâng cao ý thức từ nhiều phía

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Trưởng ban Bảo hộ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh, qua việc kiểm tra về công tác ATVSLĐ và PCCN tại các doanh nghiệp cho thấy, có một thực tế là những năm gần đây dù các cơ quan quản lý, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATVSLĐ nhằm hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhưng ở một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn còn thiếu sự quan tâm thích đáng từ các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp các ngành nghề khai thác đá, xây dựng… công tác ATVSLĐ gần như bị bỏ lơ. Thậm chí, có nơi khoán trắng công tác bảo hộ lao động cho cấp dưới, hoặc có giao việc nhưng không kiểm tra, đôn đốc, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.

Tài xế xe tải vào nhận hàng tại mỏ đá không hề có dụng cụ bảo hộ lao động.  Ảnh: C.NGHĨA
Tài xế xe tải vào nhận hàng tại mỏ đá không hề có dụng cụ bảo hộ lao động. Ảnh: C.NGHĨA

Ông Lê Ngọc Tích, phụ trách Phòng Quản lý kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công thương) cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn, giá cả sản xuất đầu vào tăng cao dẫn đến không ít doanh nghiệp đã cắt giảm các chi phí trong sản xuất, trong đó có cả những chi phí liên quan tới công tác đảm bảo ATVSLĐ và PCCN, gây thiệt thòi cho người lao động. Vì thế, ngoài công tác tuyên truyền vận động cần tăng cường việc thanh, kiểm tra về ATVSLĐ và PCCN, qua đó kịp thời chỉ ra cho các doanh nghiệp biết được những điểm chưa làm được, những việc cần làm ngay để khắc phục những yếu kém trong công tác ATVSLĐ và PCCN, giúp người lao động được bảo vệ tốt hơn trong môi trường làm việc hàng ngày.

Ngoài ra, để góp phần hạn chế tình trạng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra, chính bản thân người lao động cần chủ động để phòng tránh những thiệt thòi mà mình có thể sẽ phải gánh chịu, trong đó có cả việc nâng cao ý thức chấp hành các nội quy về bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất chứ không nên chỉ biết dựa hoàn toàn vào sự nhắc nhở của DN.

Ông TRƯƠNG PHƯỚC ĐÔNG, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, sử dụng điện và hóa chất cần tự giác đầu tư xứng tầm đối với công tác bảo hộ cho người lao động nói chung trong DN của mình, vì đó là tài sản quý giúp DN phát triển, tránh tình trạng DN mải chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ các quy định của Nhà nước. Với những DN cố tình không thực hiện tốt các quy định về đảm bảo ATVSLĐ - PCCN, Sở Công thương sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, xử lý nghiêm nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người lao động.

Công Nghĩa

           

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều