Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ luật tích cực

09:02, 20/02/2012

Hôm rồi, đi học về, con gái học lớp 2 thủ thỉ với mẹ chuyện trên lớp cô phạt một số bạn trong lớp hay quậy phá, viết chữ xấu, làm toán chậm… bằng những hình phạt và lời nói (theo con gái lặp lại nguyên văn) khiến tôi thấy choáng.

Hôm rồi, đi học về, con gái học lớp 2 thủ thỉ với mẹ chuyện trên lớp cô phạt một số bạn trong lớp hay quậy phá, viết chữ xấu, làm toán chậm… bằng những hình phạt và lời nói (theo con gái lặp lại nguyên văn) khiến tôi thấy choáng. Thực tế, chuyện nhiều giáo viên “sỉ vả” học sinh bằng ngôn từ quá quắt đã được nói đến quá nhiều. Nhưng một lần đưa con đến nhà cô giáo học thêm, vừa đến cổng tôi đã nghe cô đang mắng té tát một học sinh bằng những lời lẽ không tiện kể ra đây. Con gái ngồi sau mẹ sợ dúm người, nói nhỏ: “Cô mắng bạn C.D đấy mẹ ạ! Tội nghiệp bạn ấy lắm!”. Tìm hiểu, tôi được biết C.D là một học sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt: gia đình nghèo, bố mẹ bỏ nhau, bản thân cậu bé lại mắc chứng trầm cảm từ sau cú giằng co tại tòa của ba mẹ cậu bé về quyền nuôi con, nên sức học của C.D kém hẳn đi sau cú sốc ấy, trong lớp thường thụ động và hay có biểu hiện tính khí thất thường.

Từ câu chuyện cho thấy, nếu như cô giáo quan  tâm đến hoàn cảnh riêng của cậu bé một chút để hiểu và động viên, khuyến khích em học có lẽ tốt hơn là mắng mỏ. Hiện nay, ngành GD-ĐT đang tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống bằng “phương pháp kỷ luật tích cực”.  Đây là một biện pháp hữu hiệu trong công tác giáo dục toàn diện, đồng thời góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn cho học sinh. So với phương pháp cũ (nhắc nhở, mắng chửi, thậm chí đánh đập, ghi học bạ hay buộc thôi học… là những biện pháp kỷ luật khá khô cứng đối với một số học sinh có biểu hiện đạo đức chưa tốt), thì phương pháp kỷ luật tích cực như: tăng cường giao tiếp, trao đổi, tìm hiểu và phân tích tâm lý của học sinh; khen thưởng, động viên, tăng cường vai trò của học sinh “chưa tốt” trong các hoạt động của lớp, của trường… sẽ giúp các em thấy mình được tôn trọng hơn, ít có những phản ứng tiêu cực đối với bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội. Tâm lý của đối tượng này cũng sẽ có biểu hiện tốt hơn, không còn mặc cảm, tự ti, chủ động trong việc tự thay đổi bản thân, phát huy các giá trị tích cực của mình.

P.Liễu

 

Tin xem nhiều