Sau 4 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới tuy chưa thấm nhuần trong tư tưởng của mỗi người dân để nâng dần thành ý thức, góp phần chuyển đổi hành vi, nhưng cơ bản đã có những chuyển biến tích cực...
Sau 4 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới tuy chưa thấm nhuần trong tư tưởng của mỗi người dân để nâng dần thành ý thức, góp phần chuyển đổi hành vi, nhưng cơ bản đã có những chuyển biến tích cực...
* Nữ giới đã được quan tâm hơn
Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 11,76% ở cấp tỉnh; 16,84% cấp huyện và 20,69% cấp xã; tỷ lệ nữ đảng viên trong tổng số đảng viên mới được kết nạp là 45,53%, đạt tỷ lệ 92,29% so với kế hoạch đề ra; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 18,8%; tỷ lệ nữ trong HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015 là 30%; cấp huyện 26,82% và 24,64% cấp xã…Trung bình mỗi năm có khoảng 550 cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận; mức trợ cấp kinh phí học tập cho nữ cao hơn so với nam, ưu đãi trợ cấp thêm 0,7 lần mức lương tối thiểu cho cán bộ công chức nữ cấp xã; đưa cán bộ nữ nghiên cứu khoa học đi đào tạo sau đại học đạt 30-35%.
Phụ nữ ngày nay cũng đã tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh: P. Liễu |
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng làm tốt công tác vận động đưa trẻ em đến trường, nhất là trẻ em gái. Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em gái yên tâm học tập, trung bình hàng năm có từ 96,62 đến 99,63% trẻ em gái từ 11-14 tuổi tốt nghiệp tiểu học và được vào lớp 6; mở rộng các hình thức tiếp cận về giáo dục cho phụ nữ, khuyến khích phụ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ, phối hợp cùng các đoàn thể tham gia xóa mù cho chị em ở các địa phương. Tỷ lệ phụ nữ từ 35-40 tuổi được xóa mù chữ ước đạt 99%.
Công tác lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới được các ngành, các cấp ứng dụng triển khai, công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái được quan tâm hơn. Hiện có hơn 90% phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế, phụ nữ có thai được khám định kỳ; 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ sản và nữ hộ sinh; ban chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình các cấp cũng đã được kiện toàn. Toàn tỉnh đã thành lập được 628 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với 3.140 thành viên.
* Phải tự hoàn thiện bản thân
Trong đợt tập huấn về công tác bình đẳng giới tại Đồng Nai, bà Phạm Thị Thu Trang, cán bộ truyền thông của Trường cán bộ nữ TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Qua khảo sát tại nhiều tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai cho thấy, công tác bình đẳng giới ở nhiều địa phương đã thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn diễn ra”.
Theo bà Thu Trang, một trong những khó khăn khiến công tác này chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn đó là chính người phụ nữ chưa nhận thức đúng vai trò bình đẳng của mình. Tình trạng lệ thuộc kinh tế, sự chịu đựng vì ngại “vạch áo cho người xem lưng”, sợ chồng bỏ, sợ bị đánh đập… nhiều phụ nữ đã không dám mạnh dạn tự bảo vệ mình hoặc nhờ chính quyền, đoàn thể bảo vệ mình. Những người làm công tác quản lý nhà nước cũng chưa nhận thức bình đẳng giới chính là xem phụ nữ như một đối tác có cạnh tranh. Nếu họ giỏi, đáp ứng được yêu cầu công việc thì phải mạnh dạn giao việc, bố trí chức vụ cho tương xứng, không nên coi cơ cấu cán bộ nữ là một hình thức “cho đủ thành phần”, lại càng không nên cơ cấu vì họ là phụ nữ…
Chị Dương Phụng Hiếu, chuyên viên Phòng LĐ-TB và XH Biên Hòa chia sẻ: “Tình trạng chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với cán bộ nữ vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, bản thân nhiều chị em cũng còn cam phận, chưa mạnh dạn dám nghĩ dám làm, nên chưa tạo được niềm tin cho lãnh đạo và xã hội trong việc cân nhắc giao phó trọng trách. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền không chỉ cho phụ nữ mà cho cả nam giới trong gia đình và xã hội để giúp phụ nữ tự tin, phát triển bản thân và vai trò của mình”.
Phương Liễu