Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần những chế tài đủ mạnh

10:03, 16/03/2012

Có một thực tế cần chấn chỉnh kịp thời để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động là còn nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN).

Có một thực tế cần chấn chỉnh kịp thời để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động là còn nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN).

Từ đầu tháng 3-2012, Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN của tỉnh đã lập 6 đoàn đi kiểm tra 87 doanh nghiệp. Đồng thời, Thanh tra Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng đã vào Đồng Nai để kiểm tra ở 25 doanh nghiệp. Kết quả bước đầu đã ghi nhận được những thuận lợi cũng như khó khăn và bất cập trong triển khai ATVSLĐ-PCCN ở các doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra đảm bảo an toàn PCCN tại Công ty Riches ở KCN Amata (Trong ảnh: Các bình hóa chất chắn ngang lối thoát hiểm và đường di chuyển phương tiện chữa cháy). Ảnh: C.Nghĩa
Đoàn kiểm tra Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra đảm bảo an toàn PCCN tại Công ty Riches ở KCN Amata (Trong ảnh: Các bình hóa chất chắn ngang lối thoát hiểm và đường di chuyển phương tiện chữa cháy). Ảnh: C.Nghĩa

Chưa quan tâm, thiếu trách nhiệm

Là một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu với điều kiện làm việc có độ ồn, bụi cao nhưng Công ty TNHH Poh Huat (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa) lại chưa quan tâm tới việc đảm bảo an toàn và sức khỏe của người lao động. Giữa tháng 12-2011, tại công ty này từng xảy ra hỏa hoạn làm tiêu tan hơn 6.000m2 nhà xưởng.

Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết Sở sẽ đổi mới phương pháp huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN cho chủ sử dụng lao động và người lao động, tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức lao động quốc tế để nâng cao hơn nữa công tác này, đồng thời nghiên cứu các chế tài đủ mạnh trong thanh kiểm tra để kéo giảm số vụ tai nạn lao động chết người, số người bị thương so với năm 2011.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công ty TNHH Poh Huat là một trong những “điển hình” về không thực hiện đo kiểm độ ồn, độ bụi không khí trong khuôn viên nhà máy, đồng thời không khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 2.000 công nhân thường xuyên làm việc trong nhà máy. Lý do chối bỏ các nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe của người lao động được ban giám đốc Công ty Poh Huat đưa ra là, năm vừa rồi công ty này bị cháy nên không có tiền để đăng kiểm môi trường và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân!

[links(left)]Một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu khác là Công ty TNHH Lee Fu (cũng tại KCN Tam Phước) có hơn 1.000 công nhân. Khi đoàn kiểm tra của tỉnh đến, công ty này không xuất trình được chứng nhận đạt các điều kiện về môi trường, như: độ ồn, độ bụi không khí và ánh sáng đảm bảo sức khỏe cho công nhân làm việc. Ông tổng giám đốc người nước ngoài của công ty này cho biết lý do công nhân làm việc cho công ty không được khám sức khỏe định kỳ là vì bộ phận nhân sự không tham mưu nên không biết!

Cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhân viên làm công tác ATVSLĐ – PCCN trong doanh nghiệp.
Cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhân viên làm công tác ATVSLĐ – PCCN trong doanh nghiệp.

Trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn công tác do Sở Công thương làm trưởng đoàn đã buộc phải lập biên bản và hẹn làm việc lại lần hai đối với 3 trong tổng số 18 doanh nghiệp được Ban chỉ đạo tỉnh giao kiểm tra, do doanh nghiệp không cung cấp đủ các hồ sơ giấy tờ cần thiết liên quan tới công tác ATVSLĐ-PCCN. Khi đoàn đi kiểm tra, các doanh nghiệp thường vắng đại diện ban giám đốc, không đủ hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, đo kiểm môi trường. Một số doanh nghiệp có chi nhánh tại Đồng Nai thì toàn bộ hồ sơ liên quan đến bảo hộ lao động, môi trường được cất giữ ở nơi khác nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra.

Mặc dù đã nhận được kế hoạch thông báo về nội dung buổi làm việc từ trước đó hơn 1 tuần của Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN của tỉnh, thế nhưng Công ty khí hóa lỏng Cội Nguồn (KCN Gò Dầu) vẫn không hề có bất kỳ một sự chuẩn bị đáng kể nào về hồ sơ sổ sách liên quan đến việc đảm bảo ATVSLĐ-PCCN để đoàn kiểm tra đến làm việc. Không chỉ dừng lại ở đó, khi đoàn đi kiểm tra thực tế về các điều kiện PCCN thì gần như toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy của công ty không hoạt động vì bình ắc-quy đề nổ khởi động không có!

Thiếu tá Nguyễn Danh Hương (Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy) nhận định, với tình trạng hệ thống PCCN như thế thì lỡ xảy ra cháy chỉ có cách bỏ của chạy lấy người. Điều đáng lưu ý là doanh nghiệp này đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì không đảm bảo an toàn PCCN. 

Cần có biện pháp chế tài đủ sức răn đe

Trang bị bảo hộ lao động, người có người không.
Trang bị bảo hộ lao động, người có người không.

Ông Đỗ Doãn Kim, Phó phòng Lao động thuộc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho rằng, các quy định của Nhà nước về đảm bảo ATVSLĐ-PCCN hiện vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp. Vì vậy, có những doanh nghiệp năm trước đến kiểm tra rồi năm sau đến kiểm tra lại thì tình hình vẫn thế. Nhiều chủ doanh nghiệp không quan tâm tới sức khỏe của người lao động đã đành, nhưng chính người lao động vì thiếu hiểu biết nên cũng chưa ý thức được việc tự bảo vệ sức khỏe của mình.

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Kiên, quyền Giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường tỉnh, thực tế số lao động được trung tâm quản lý hồ sơ khám sức khỏe định kỳ chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra, các đoàn của tỉnh đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không chấp hành việc khám định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp, hoặc khi nhận được thông báo có đoàn kiểm tra đến thì doanh nghiệp mới chạy đôn chạy đáo lo tìm đơn vị đến để khám định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân.

Trong khi đó, nhận thức của người lao động về việc tự bảo vệ sức khỏe của mình trong môi trường lao động độc hại chưa thực sự được cải thiện. Nhiều công nhân cho rằng việc đeo nón, khẩu trang bảo hộ lao động chỉ gây khó chịu, gò bó trong quá trình làm việc! Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Trưởng ban Bảo hộ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Có trường hợp công nhân không muốn được đi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp vì nếu khám mà phát hiện bệnh thì họ phải nghỉ việc hoặc chuyển sang một vị trí làm không có phụ cấp độc hại, thu nhập giảm sút. Nhiều công nhân không muốn nhận chế độ ăn giữa ca bằng hiện vật mà chỉ muốn nhận bằng tiền mặt… Chỉ có nâng cao được trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, nâng cao được nhận thức của người lao động và chủ doanh nghiệp thì mới góp phần cải thiện được tình hình ATVSLĐ hiện nay”.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều