Từ những người lao động lành lặn, họ đã trở thành nạn nhân của những vụ tai nạn lao động. Bản thân mất khả năng lao động, gia đình mất một lao động chính, kinh tế gia đình đứng trước những khó khăn...
Từ những người lao động lành lặn, họ đã trở thành nạn nhân của những vụ tai nạn lao động. Bản thân mất khả năng lao động, gia đình mất một lao động chính, kinh tế gia đình đứng trước những khó khăn...
Anh Bùi Trường Điện từ khi bị tai nạn chỉ có thể phụ việc nhà. Ảnh: N.Tuyết |
[links(left)]Ngày 6-6-2006 trở thành ngày định mệnh với anh Bùi Trường Điện, công nhân Nhà máy cán thép Biên Hòa (nay là Công ty cổ phần thép Biên Hòa) khi anh bị tai nạn lao động, gãy hoàn toàn xương chậu, chịu thương tật 81%. Anh Trường Điện kể: “Hôm ấy tôi làm ca 3, mọi người phải thay nhau ăn cơm. Khi còn mình tôi ở lại thì đột nhiên thiết bị mất pha làm cho máy xoay, mâm từ đập vào người khiến tôi ngất tại chỗ. Sau đó, tôi được mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng”.
Từ khi bị nạn, vợ anh phải ở nhà vừa chăm sóc chồng vừa xin giúp việc nhà, trông giữ trẻ… kiếm thu nhập lo thuốc thang cho chồng và nuôi 3 con ăn học. Thương vợ con nhưng vì vết thương thường xuyên đau nhức nên anh chỉ phụ giúp được những việc nhẹ trong nhà. “Mặc dù tai nạn xảy ra là do sự cố về máy móc, nhưng giá như lúc ấy mình thận trọng kiểm tra lại thiết bị thì có lẽ đã không xảy ra chuyện đáng tiếc như thế” - anh Điện trầm ngâm.
Còn anh Ngô Minh Lộc, công nhân đứng máy xay đá Công ty TNHH đá Hóa An I làm việc được mấy năm thì phải nghỉ hẳn vì bị té vào máy xay đá, mất đi một cánh tay. Tai nạn xảy ra khi con còn nhỏ, thu nhập trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ. Anh Minh Lộc tâm sự: “Nếu lường trước được hậu quả nặng nề ngày hôm nay, có lẽ tôi sẽ chú ý hơn trong quá trình làm việc”.
Chỉ tính riêng năm 2011, theo thống kê toàn tỉnh có 1.453 vụ tai nạn lao động làm 1.461 người bị nạn. Trước tình hình đó, vai trò của các cấp công đoàn không chỉ được thể hiện qua việc bảo vệ người lao động khi đang làm việc mà cả khi họ là nạn nhân của những vụ tai nạn lao động. Anh Bùi Trường Điện cho hay: “Từ khi tôi bị nạn, gia đình gặp khó khăn, nhất là kinh phí khám chữa bệnh. Tôi được công đoàn công ty cấp cho thẻ bảo hiểm y tế hàng năm, thường xuyên thăm và tặng quà cho gia đình vào những dịp lễ, tết…”.
Cùng với các chính sách riêng của từng doanh nghiệp, các cấp công đoàn cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ góp phần động viên, giảm bớt khó khăn cho gia đình người bị nạn. Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Trưởng ban Bảo hộ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Các cấp công đoàn ngày càng thể hiện được vai trò của mình, nhất là trong vấn đề chăm lo cho nạn nhân bị tai nạn lao động”.
Nguyễn Tuyết