Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần lắm những “lá chắn” tình thương

09:04, 11/04/2012

Đồng Nai hiện có 5.500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Con số này đang ở mức cao so với nhiều tỉnh, thành khác.

Đồng Nai hiện có 5.500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Con số này đang ở mức cao so với nhiều tỉnh, thành khác.

Dù các em đã cơ bản nhận được sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước, cộng đồng và xã hội, nhưng cuộc sống của nhiều trẻ vẫn còn đó những gian nan.

* Gia tăng đối tượng nguy cơ

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho biết, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Đồng Nai đang gia tăng. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh  có 4.660 trẻ vi phạm pháp luật, trong đó có 1.117 em được đưa vào trường giáo dưỡng; 105 em sử dụng ma túy; 124 trẻ nhiễm HIV và 3.124 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 367 em bị xâm hại tình dục; 105 trẻ lang thang tại một số tỉnh, thành…

Được quan tâm đầu tư học hành đầy đủ, trẻ sẽ trở thành những công dân tốt trong tương lai. Ảnh: P.Liễu
Được quan tâm đầu tư học hành đầy đủ, trẻ sẽ trở thành những công dân tốt trong tương lai. Ảnh: P.Liễu

Có nhiều nguyên nhân đưa trẻ vào hoàn cảnh đặc biệt, song nhiều nhất vẫn là trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ bị bạo hành, trẻ trong các gia đình ly hôn phải sống thiếu cha hoặc mẹ, trẻ có cha mẹ vi phạm pháp luật, nhiễm HIV và tử vong do AIDS... Không ít trẻ trong số này khi ở hoàn cảnh đặc biệt, với sự non nớt, nhiều em đã sớm sa vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, bị lạm dụng thân thể và sức lao động…

* Cần lắm sự vào cuộc của cộng đồng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí : “Trẻ em là đối tượng cần sự quan tâm đặc biệt của cả gia đình và xã hội. Với  trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, sự quan tâm này còn cần nhiều  hơn nữa, bởi đây là đối tượng rất nhạy cảm. Nhiều em trong số này đang đứng giữa lằn ranh cái tốt - xấu, nếu chúng ta không tích cực “kéo” các em lại bên cái tốt, lập tức các em bị “nghiêng” về phía cái xấu. Khi điều đó xảy ra, không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình mà còn là nỗi đau của xã hội”.

Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động- thương binh và xã hội, trong giai đoạn 1 của chương trình hành động bảo vệ trẻ em, tỉnh đã đầu tư và huy động từ nhiều nguồn kinh phí được 51 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chăm sóc trẻ em. Trong đó, tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho trên 11 ngàn lượt trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ bị nhiễm chất độc hóa học; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 13 ngàn em. Hầu hết các trẻ có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hộ nghèo đều được hưởng các chính sách miễn giảm học phí; trên 4 ngàn lượt em học sinh thuộc diện mồ côi, khuyết tật, dân tộc thiểu số được hỗ trợ học tập và 10 ngàn lượt em được cấp học bổng với tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng.

Vui chơi lành mạnh là một trong những yếu tố giúp trẻ tránh được cái xấu.      Ảnh: P.Liễu
Vui chơi lành mạnh là một trong những yếu tố giúp trẻ tránh được cái xấu. Ảnh: P.Liễu

 Đặc biệt, các hoạt động chăm sóc sức khỏe các em đã rất được quan tâm. Trong 10 năm, đã có 469 em được mổ tim, 674 em được phẫu thuật hở hàm ếch, 1.153 em được chữa các bệnh về mắt và hơn 1.073 em được chỉnh chi, niệu, sẹo bỏng. Ngoài ra, để trẻ được sống ổn định và có sự chăm sóc đầy đủ của gia đình, tỉnh đã vận động xây tặng nhà tình thương cho 100 hộ có trẻ mồ côi, khuyết tật thuộc gia đình khó khăn với tổng số tiền trị giá 700 triệu đồng; tham gia hỗ trợ vốn, dạy nghề cho các em và những thành viên trong gia đình các em để gia đình phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Không chỉ quan tâm chăm sóc về đời sống vật chất, sức khỏe của trẻ, các ngành, các cấp, đoàn thể cũng đã chung tay tạo những “lá chắn” để hỗ trợ các em về tinh thần, tạo cho các em môi trường sống an toàn, lành mạnh. Nhiều mô hình dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, như: “Quản lý, giáo dục trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư” trước hết là ở các phường, xã, thị trấn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Nhà trường không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình”... Đặc biệt, mục tiêu mỗi xã, phường được có một trung tâm văn hóa để trẻ em có điều kiện  vui chơi, giải trí, sinh hoạt lành mạnh cũng đang được tỉnh xem xét đầu tư.

Chương trình hành động bảo vệ trẻ em giai đoạn 2 (2011-2020), tỉnh sẽ tập trung thực hiện 4 dự án nhằm bảo vệ và chăm sóc toàn diện đối với trẻ em. Đó là: Dự án truyền thông giáo dục, vận động xã hội; dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và dự án xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng.

 

 

 

 

 

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều