Báo Đồng Nai điện tử
En

Những thành tựu văn hóa - xã hội

10:04, 27/04/2012

37 năm kể từ ngày miền Nam  giải phóng, đất nước thống nhất, từ muôn vàn khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã cùng chung sức, chung lòng xây dựng địa phương thành một tỉnh kinh tế phát triển, an ninh chính trị ổn định, đời sống người dân được quan tâm chăm lo…

37 năm kể từ ngày miền Nam  giải phóng, đất nước thống nhất, từ muôn vàn khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã cùng chung sức, chung lòng xây dựng địa phương thành một tỉnh kinh tế phát triển, an ninh chính trị ổn định, đời sống người dân được quan tâm chăm lo…

Trong thành tựu chung ấy, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận.

* Khoa học công nghệ: Từng bước hội nhập

Sau năm 1975, một thời gian dài ngành khoa học - công nghệ (KH-CN) Đồng Nai trải qua giai đoạn thiếu thốn và lạc hậu. Cùng với việc khôi phục kinh tế, công tác phát triển KH-CN đã dần được nâng lên và đến nay, KH-CN Đồng Nai đang từng bước hội nhập với thị trường quốc tế.

Cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên Trường cao đẳng công nghệ và quản trị  Sonadezi. Ảnh: P.Liễu
Cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi. Ảnh: P.Liễu

Với hướng đi chọn công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ sinh học làm mũi nhọn để phát triển, những năm gần đây, ngành đã tập hợp được một đội ngũ trí thức khá lớn trong và ngoài tỉnh để thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án và những đề tài nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần tạo lập thị trường KH-CN, xây dựng tiền đề cho quan hệ hợp tác và hội nhập KH-CN khu vực và thế giới. Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: “Ngành đã thực hiện đổi mới cơ chế quản lý KH-CN, nghiên cứu gắn với thực tế, đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Đặc biệt là đã thành lập được Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và thực hiện dài hơi, hiệu quả chương trình đưa thông tin KH-CN và kỹ thuật về nông thôn, góp phần rất lớn vào phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà”.

Đến nay, Đồng Nai là một trong những địa phương có hoạt động KH-CN phát triển mạnh với nhiều sản phẩm KH-CN ứng dụng cao; đội ngũ những người làm công tác KH-CN đủ mạnh và trưởng thành để đảm đương những nhiệm vụ KH-CN mà Đảng và Nhà nước giao phó.

* Chất lượng GD-ĐT: Từng bước nâng cao

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng, hệ thống đào tạo của Đồng Nai sau 37 năm đã được phủ khắp, chất lượng giáo dục đang tiếp tục được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 889 cơ sở giáo dục từ mầm non đến cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. So với năm 1976, số lượng cơ sở giáo dục tăng 2,8 lần; số lượng phòng, lớp học tăng từ 4,5-6,2 lần; số lượng học sinh các cấp cũng tăng 3,7 lần, trong đó học sinh THPT tăng 15,4 lần và sinh viên cao đẳng, đại học tăng 35,5 lần; đội ngũ giáo viên cũng ngày càng được đào tạo bài bản và chuẩn hóa. Toàn ngành có 25 ngàn giáo viên từ mầm non đến phổ thông, tăng 6,5 lần so với 1976; số học sinh tốt nghiệp THPT tăng 16,3 lần so với những năm đầu mới giải phóng.

Ông Lê Minh Hoàng cho biết: “Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp trồng người, ngành GD-ĐT Đồng Nai đã có những bước tiến dài. Đặc biệt, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường học tập năng động hơn. Ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để gắn đào tạo lý thuyết với thực hành bởi đó là xu hướng đào tạo ưu việt mà hoạt động GD-ĐT Việt Nam hướng tới”.

* Chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn

Những năm đầu sau giải phóng, hoạt động y tế địa phương gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, song đến nay, hoạt động y tế ở Đồng Nai đã có những bước khởi sắc đáng khích lệ. Hiện trên địa bàn có 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; 5,5 bác sĩ/vạn dân; 20 giường bệnh/vạn dân; 90% trạm y tế có bác sĩ định biên. Đặc biệt trong những năm gần đây, y tế Đồng Nai đã gặt hái được nhiều thành công với việc ứng dụng và phát triển chuyên môn kỹ thuật mới, kỹ thuật cao và chuyên sâu ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Vì thế, nhiều ca phức tạp đã được can thiệp kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân.

 Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết: “Hiện ngành cũng đã hoạch định một chiến lược phát triển toàn diện với những nhiệm vụ cụ thể, trong đó, vấn đề tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu gắn với đào tạo con người được ưu tiên”.

* Nhiều công trình văn hóa được đầu tư

Thời gian qua, nhiều thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như: bảo tàng, thư viện, các tượng đài nghệ thuật, công viên, khu vui chơi giải trí văn hóa, thể thao… đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, đã có 92% xã, phường có trung tâm văn hóa với nhiều hoạt động văn hóa thiết thực, phục vụ việc học tập, vui chơi giải trí của người dân.

Chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Ảnh: P.Liễu
Chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Ảnh: P.Liễu

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Long, để tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nhà, một trong những giải pháp quan trọng mà ngành đang thực hiện là đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đồng thời tổ chức nhiều hình thức phù hợp, sáng tạo, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, như: điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, sản xuất ấn phẩm, tác phẩm văn hóa có chất lượng cao phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho hệ thống văn hóa thông tin cơ sở; đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm phát huy hiệu quả xã hội của hệ thống thiết chế văn hóa và thực hiện công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật về hoạt động văn hóa thông tin cơ sở.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều