Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều khu công nghiệp tập trung. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, đã thu hút hàng trăm ngàn lao động ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều khu công nghiệp tập trung. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, đã thu hút hàng trăm ngàn lao động ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đây là lực lượng lao động đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, đời sống của đội ngũ công nhân lao động đang làm việc và sinh sống tại Đồng Nai gặp không ít khó khăn.
Theo số liệu từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, mức lương bình quân hiện nay của công nhân trong các khu công nghiệp khoảng từ 2,7 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của công nhân khoảng 3,5 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng/tháng; trong đó mức lương chính chiếm 75% đến 80% tổng thu nhập hàng tháng, còn lại là thu nhập khác, như: làm thêm giờ, phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng...
* Thu nhập thấp
Trong khi đó, số liệu từ Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu nhập bình quân chung là 3,319 triệu đồng/người/tháng; trong các công ty cổ phần có vốn của Nhà nước: 4,660 triệu đồng/người/tháng. Riêng đội ngũ lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân có mức thu nhập bình quân chỉ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Từ số liệu này cho thấy, thu nhập bình quân cho một công nhân lao động tại ba loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần nhà nước, doanh nghiệp tư nhân) vào khoảng 2,9 triệu đồng/người/tháng.
Công nhân chọn đồ ăn sáng một cách đạm bạc. |
Tuy nhiên, thực tế đời sống vật giá leo thang, bình quân chi tiêu có thể vượt xa mức thu nhập trên. Chị Nguyễn Thị Gấm, ở trọ tại ấp An Hòa, xã Hóa An (TP. Biên Hòa) cho biết, vợ chồng chị làm công nhân Công ty Pouchen, thu nhập của hai người khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chi phí của hai vợ chồng và một đứa con nhỏ, tiền phòng trọ, điện nước, tiền sinh hoạt hàng ngày của cả nhà, tiền học hành, cộng thêm tiền sữa cho con, tiền ma chay - cưới hỏi, tiền gửi về quê… đều gói gọn trong số tiền 7 triệu đồng này. “Dù xa quê đã bốn năm nay nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa dành dụm đủ tiền để có một lần được về thăm” - chị Gấm nói.
Trường hợp khác, chị Phạm Thị Dung (công nhân may, Công ty Spring Fashion, Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Chị Dung cho biết, chồng chị làm thuê tận Cà Mau, nửa năm mới về gặp vợ một lần. Chị gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Nếu không tăng ca thì mức lương của chị được khoảng trên 2,7 triệu đồng, tăng ca thì được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Trường hợp nếu có làm tăng ca thì một tháng chị mới có dư khoảng 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, tiền điện nước, tiền nhà hết 700 ngàn đồng/tháng; tiền ăn uống, sinh hoạt hết gần 1,5 triệu đồng. Khoảng 2-3 tháng chị gửi về quê từ 3 đến 5 triệu đồng nuôi con ăn học. Tính ra, tháng nào không tăng ca chị Dung chỉ làm đủ ăn.
Anh Nguyễn Văn Cường (Công ty Dona Quế Bằng, huyện Vĩnh Cửu) có thu nhập khoảng trên 2,4 triệu đồng/tháng. Thu nhập của vợ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Gia đình anh Cường gửi về cho ông bà ở quê Đồng Tháp 700 ngàn đồng/tháng. Trừ tiền nhà ở, điện nước, ăn uống, sinh hoạt…, vợ chồng anh tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, những trường hợp công nhân tích lũy được ít tiền như anh Cường không phải ít, tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc họ phải dè sẻn rất nhiều khoản chi tiêu.
* Không đủ sống…
Theo đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho công nhân bữa ăn giữa ca, trợ cấp chi phí đi lại, nhà ở... Trong các dịp lễ tết, ma chay, cưới hỏi, các doanh nghiệp đều tổ chức động viên, thăm hỏi, tặng quà. Trong năm 2011, các doanh nghiệp đã có đến ba lần điều chỉnh mức tiền lương và thu nhập, giúp cải thiện được phần nào trước những biến động của giá cả thị trường.
Bữa cơm của công nhân trong một khu nhà trọ. Ảnh: N.TUYẾT |
Tuy nhiên, theo nhận định từ các cơ quan quản lý lao động tỉnh, thực tế đời sống của công nhân có xu hướng không đáp ứng nổi với mức chi tiêu hiện nay. Không ít công nhân tại các doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp tăng thêm tiền lương, tiền phụ cấp hỗ trợ sinh hoạt, như: nhà ở, đi lại, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca làm việc… nhưng không được các doanh nghiệp sử dụng lao động đáp ứng.
Đó là chưa kể những doanh nghiệp không chịu thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động về tiền lương, phụ cấp độc hại, bảo hiểm xã hội. Hậu quả là có nhiều doanh nghiệp mặc dù tuyển công nhân hàng ngày, thu nhận công nhân nhiều nhưng số lượng tự động bỏ việc cũng nhiều không kém. Từ đây, tình trạng xáo trộn lao động hoặc thiếu lao động, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là chuyện không tránh khỏi.
Đề nghị Quốc hội quan tâm! Trong dịp tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của Đồng Nai, cử tri tại hai phường Tam Hòa và Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) phản ảnh: Tại sao đời sống kinh tế - xã hội phát triển nhưng đội ngũ công nhân lao động hiện nay rất khổ. Đội ngũ công nhân Việt Nam rất cần cù, chịu thương chịu khó, nhưng họ đang chịu áp lực đời sống khó khăn: không nhà phải ở nhà trọ, không có trường học cho con em… Cử tri đề nghị Quốc hội cần sớm có những phương hướng để nâng cao đời sống công nhân. |
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong năm 2011 trên địa bàn tỉnh xảy ra 168 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công tại 159 doanh nghiệp với gần 70 ngàn lao động tham gia. Số vụ tranh chấp và đình công lao động này tăng hơn 21 vụ so với năm 2010. Các vụ đình công lao động xảy ra chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đáng nói, nguyên nhân của hầu hết các vụ đình công là do công nhân yêu cầu được nâng lương, tiền thưởng, phụ cấp tiền nhà ở, đi lại, cải thiện chất lượng bữa ăn... nhưng chủ doanh nghiệp không đáp ứng được.
Theo đánh giá của bà Lê Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, mặc dù trong năm qua, Nhà nước đã có tới 3 lần điều chỉnh mức lương cơ bản nhưng do khó khăn của nền kinh tế nói chung, cộng với giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhà ở, điện, nước thi nhau tăng giá đã và đang trở thành sức ép đối với người lao động, nhất là lao động nhập cư. Trước tình hình trên, bản thân doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực nhằm chăm lo hỗ trợ cho người lao động, ngoài việc thực hiện tăng lương cơ bản cho người lao động theo quy định, các doanh nghiệp còn xây dựng thang bảng lương, các chế độ bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền xe đi lại, phí sinh hoạt, tổ chức bữa ăn giữa ca.
“Một số doanh nghiệp còn xây dựng ký túc xá cho công nhân, xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân. Tuy nhiên, với số lượng đông đảo lao động đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh thì số công nhân lao động được hỗ trợ còn rất nhỏ. Vẫn còn một bộ phận công nhân lao động đang hàng ngày hàng giờ phải vật lộn với cuộc mưu sinh” - bà Lệ nhìn nhận.
Trương Hiệu - Nguyễn Tuyết