Báo Đồng Nai điện tử
En

Xăng dỏm là tác nhân chính gây cháy xe máy

08:05, 18/05/2012

Kết quả nghiên cứu xác định các nguyên nhân gây cháy xe gắn máy được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.HCM công bố vào chiều 17-5 khẳng định xăng dỏm là tác nhân chính gây cháy xe. Đồng thời, Sở KH-CN cũng kiến nghị ngưng lưu hành xăng A83 và siết chặc nhập khẩu, kinh doanh methanol để “chặn đầu” xăng dỏm.

Kết quả nghiên cứu xác định các nguyên nhân gây cháy xe gắn máy được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.HCM công bố vào chiều 17-5 khẳng định xăng dỏm là tác nhân chính gây cháy xe. Đồng thời, Sở KH-CN cũng kiến nghị ngưng lưu hành xăng A83 và siết chặc nhập khẩu, kinh doanh methanol để “chặn đầu” xăng dỏm.

Nghiên cứu này được Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Lọc Hóa dầu (RPTC) và Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Động cơ đốt trong của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thực hiện.

Xăng dỏm gây cháy xe

Nhóm nghiên cứu trình bày tác hại của xăng dỏm trong việc phá hủy hệ thống ống dẫn làm rò rỉ nhiên liệu
Nhóm nghiên cứu trình bày tác hại của xăng dỏm trong việc phá hủy hệ thống ống dẫn làm rò rỉ nhiên liệu

Các nhà khoa học kết luận xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật phá hủy hệ thống ống dẫn nhiên liệu, làm tăng áp suất hơi trong bình xăng, gây rò rỉ nhiên liệu. Nhiên liệu bị rò rỉ gặp nguồn nhiệt đủ nóng (sinh ra từ hoạt động của động cơ, hoặc ma sát hệ thống hãm, tia lửa điện từ quá trình chập mạch của hệ thống điện phương tiện) sẽ gây cháy.

Đặc biệt, việc sử dụng xăng có chỉ số RON thấp như xăng A83, xăng pha methanol, ethanol kém chất lượng, không tương thích với yêu cầu động cơ sẽ gây ra các vùng nóng cục bộ và nguy cơ gây cháy cao.

Trong khi đó, phó giáo sư - tiến sĩ Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết qua kiểm tra các mẫu xăng dầu trong năm 2011, có 35/154 mẫu có methanol.

Methanol là yếu tố chính để những người kinh doanh gian lận chất lượng xăng, biến xăng A83 thành A92. Cách “phù phép” xăng A83 thành A92 lại vô cùng đơn giản. Chỉ cần pha methanol 15% vào xăng A83 là đã có xăng A92. Trong khi xăng A92 có giá là 23.300 đồng/lít thì giá methanol chỉ chưa đến 10.000 đồng/lít.

Mặt khác, việc mua methanol trên thị trường hiện nay cũng rất dễ dàng.

“Vì lợi ích kinh tế khổng lồ, không ít đơn vị đã không ngần ngại pha chế, kinh doanh xăng dầu dỏm”, ông Tân nhìn nhận.

“Chặn đầu” xăng dỏm

Trước công bố nguyên nhân cháy xe và thực trạng xăng dỏm hiện nay, Sở KH-CN TP.HCM đã có kiến nghị với Bộ KH-CN ngừng lưu hành xăng A83 và siết chặt việc nhập khẩu và kinh doanh methanol trên thị trường, coi methanol là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Tân, xăng A83 có thể chỉ được lưu hành đến cuối năm 2012.

Để đề phòng cháy xe, nhóm nhà khoa học nghiên cứu xác định các nguyên nhân gây cháy xe gắn máy cũng khuyến cáo với người tiêu dùng:

- Nên sử dụng nhiên liệu xăng phù hợp với tiêu chuẩn của động cơ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Không sử dụng xăng bất hợp pháp hay loại phụ gia nào chưa được cơ quan chức năng cho phép sử dụng trên thị trường.

- Kiểm tra định kỳ phương tiện đang sử dụng, đặc biệt là hệ thống truyền dẫn nhiên liệu trên động cơ, hệ thống điện.

- Thay thế thiết bị nên đến các trung tâm bảo dưỡng của nhà sản xuất, các chi tiết thay thế phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và nguồn gốc xuất xứ.

- Không được lắp thêm các thiết bị phụ trợ khác khi chưa được phép của nhà cung cấp phương tiện.

- Không được chứa các vật dễ gây cháy nổ trong thùng đựng mũ bảo hiểm (nước hoa, hộp quẹt,…).

- Kiểm tra xe thường xuyên để tránh hiện tượng các vật dễ cháy vướng vào hệ thống xả của động cơ.

Đồng thời, theo ý kiến các nhà khoa học, cần đưa ra những quy định bắt buộc về tiêu chuẩn chất lượng xăng, cụ thể là quy định nồng độ methanol trong xăng.

“Việc đảm bảo chất lượng xăng dầu trước hết là trách nhiệm của người kinh doanh xăng dầu và các công ty, đơn vị đầu mối sản xuất, nhập khẩu và phân phối xăng dầu. Đây đều là các doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao kinh doanh mặt hàng này. Vì vậy, các doanh nghiệp không thể thoái thác trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trên thị trường”, ông Tân nói.

Hiện nay, TP.HCM vẫn tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Tuy nhiên, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết phân phối và bán lẻ là hai khâu khó quản lý chất lượng xăng nhất.

Sở KH-CN TP.HCM yêu cầu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng trong hệ thống phân phối, kinh doanh xăng dầu. Đầu mối phân phối phải chịu trách nhiệm liên đới với cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng có chất lượng kém.

“Người tiêu dùng, ngay cả tôi, mắt thường cũng không thể phân biệt được xăng dỏm. Vì vậy, chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trước tiên là của đơn vị kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Tân khẳng định.

Dự kiến, Sở KH-CN TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu nguyên nhân gây cháy đối với xe ô tô.

Theo TNO

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích