83 em thiếu nhi tiêu biểu tham dự diễn đàn “Lắng nghe và chia sẻ” do Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở GD-ĐT, Đài PT-TH, Tỉnh đoàn, Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức mới đây đã bày tỏ nhiều mong muốn về một môi trường an toàn để phát triển.
83 em thiếu nhi tiêu biểu tham dự diễn đàn “Lắng nghe và chia sẻ” do Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở GD-ĐT, Đài PT-TH, Tỉnh đoàn, Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức mới đây đã bày tỏ nhiều mong muốn về một môi trường an toàn để phát triển.
Các em chia sẻ tâm tư, nguyện vọng tại diễn đàn. |
Em V. (huyện Vĩnh Cửu) tỏ ra sợ hãi khi nhắc về quãng thời gian cách đây 2 năm khi mẹ đi lấy chồng khác, em phải ở chung với mẹ và cha dượng. Hôm đó, mẹ em đi bán cá từ sớm, em còn ngủ với đứa em nhỏ thì dượng làm chuyện đồi bại với em. Vì quá sợ hãi bởi lời đe dọa sẽ giết chết cả hai mẹ con nếu nói ra sự thật nên V. âm thầm chịu đựng một mình và để sự việc đó diễn ra nhiều lần. Sau này, ông ta lừa mẹ em bán bè cá, ôm tiền bỏ trốn thì em mới thoát khỏi cảnh bị xâm hại.
Trường hợp của T.T. (huyện Cẩm Mỹ) còn đau lòng hơn bởi em bị chính cha đẻ của mình xâm hại. T.T. kể, bình thường cha rất thương hai chị em. Hôm ấy cha mẹ cãi nhau, mẹ bỏ nhà đi mấy ngày nên trong lúc ngủ em bị cha xâm hại. Em không dám nói ra vì sợ mẹ buồn nhưng cuối cùng mẹ em đã phát hiện ra. Cha vào tù, gia đình mỗi người một ngả…
Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, diễn đàn mong muốn tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội, đặc biệt là cha mẹ, gia đình về việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Đó là quyền học tập, chăm sóc sức khỏe, được nuôi dưỡng, vui chơi giải trí… đặc biệt là quyền được phát biểu, bày tỏ ý kiến. Việc tạo điều kiện và hỗ trợ cho các em trình bày những khó khăn, trăn trở, nguyện vọng của mình trong học tập, vui chơi, các mối quan hệ là trách nhiệm của chính quyền các cấp mà trước hết là cha mẹ của các em. |
Không chỉ xâm hại về thể xác, nhiều em còn bị xâm hại về tinh thần. Em H. (huyện Nhơn Trạch) kể tại diễn đàn rằng, ở cạnh nhà em có một bạn thường xuyên bị cha dượng chửi mắng, thậm chí còn đánh đập. Còn đối với N.T. (huyện Định Quán) thì mặc dù sinh ra trong gia đình có điều kiện nhưng chỉ vì chị gái học giỏi hơn nên em bị cả nhà chỉ trích, gây áp lực khiến em không thoải mái trong học tập. Vì vậy mà kết quả học tập của em không được như mong muốn.
Chia sẻ tại diễn đàn, đa số các em đều bày tỏ mong muốn có được một môi trường an toàn, thoải mái để phát triển.
Với T.T., mặc dù giờ đây gia đình em không còn như trước nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, em vẫn mong muốn gia đình đầm ấm như trước kia và ước như chưa có chuyện gì xảy ra với em.
Còn với N.T.T.T., em không dám mong ba mẹ yêu thương mình như yêu thương chị gái nhưng em cần sự đồng cảm, an ủi, động viên của cha mẹ. Đó sẽ là động lực để em vươn lên trong học tập.
Nga Sơn