Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo hiểm thất nghiệp “hạ nhiệt”

10:08, 01/08/2012

Kinh tế khó khăn, cảnh các doanh nghiệp ồ ạt tuyển dụng lao động không còn nữa. Cùng với đó, lượng người lao động xin nghỉ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng bắt đầu giảm dần.

 

Kinh tế khó khăn, cảnh các doanh nghiệp ồ ạt tuyển dụng lao động không còn nữa. Cùng với đó, lượng người lao động xin nghỉ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng bắt đầu giảm dần.

* Từ 300, giảm còn 50 người/ngày

Ông Lê Chí Sinh, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh) cho biết, trước đây lượng người đăng ký BHTN cứ tháng sau tăng hơn tháng trước, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010 - năm đầu tiên thực hiện BHTN có khoảng 14 ngàn người lao động được hưởng BHTN, đến năm 2011 con số này đã là 24.023 người, tăng đến 71,5%. Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ có 13.978 người hưởng BHTN, tăng chỉ khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2011.

Thưa thớt người đến làm hồ sơ tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: H.Lam
Thưa thớt người đến làm hồ sơ tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: H.Lam

Từ đầu tháng 7-2012 đến nay, số người đăng ký hưởng BHTN đang có xu hướng giảm dần. Nếu như trong tháng 6-2012, số người nộp hồ sơ làm thủ tục hưởng BHTN là 3.935 người, thì sang tháng 7-2012 chỉ còn 2.979 người  (giảm 37,3%). Trong số 2.468 người nhận quyết định hưởng trợ cấp BHTN của tháng 7-2012 thì có một số là hồ sơ chuyển từ tháng 6-2012 sang, nếu không con số này còn thấp hơn nữa. Theo ghi nhận của Phòng BHTN, trước đây vào cao điểm, bình quân mỗi ngày có khoảng 300 người đến đăng ký BHTN (cụ thể trong ngày 1-6-2012 có 312 người đến đăng ký) khiến nơi đây lúc nào cũng bị quá tải, nhân viên phải làm thêm giờ mới tiếp nhận hết hồ sơ. Nhưng hiện nay bình quân mỗi ngày chỉ còn khoảng 60-70 người, và mới nhất, trong ngày 31-7-2012 chỉ có 50 hồ sơ đăng ký BHTN.

* Giảm vì khó xin việc

Đi sâu vào phân tích hồ sơ hưởng BHTN của người lao động, theo ông Sinh, cũng có sự thay đổi lớn về thành phần thụ hưởng. Nếu như trước kia, phần lớn hồ sơ BHTN là do người lao động chủ động nghỉ việc, thì hiện nay hầu hết đều rơi vào trường hợp hết hạn hợp đồng lao động nhưng doanh nghiệp không ký tiếp. Số liệu thống kê cho thấy, lượng người lao động không được ký lại hợp đồng lao động đa số rơi vào các doanh nghiệp may mặc, giày da, trong đó nhiều nhất là Công ty T. (KCN Biên Hòa 2). Ngành lao động - thương binh và xã hội cũng đã làm việc với doanh nghiệp về tình hình lao động tại đây, được biết do công ty thu hẹp sản xuất nên tạm thời phải ngưng hợp đồng lao động với những công nhân hết hạn. Những doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Đến làm thủ tục hưởng trợ cấp BHTN, chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa) cho biết, chị làm công nhân ở Công ty Tea Kwang Vina nhưng do công ty chuyển công nhân sang phân xưởng khác, phải đi xa nhà nên chị xin nghỉ. Nhưng hơn tháng nay dù đã nộp đơn mấy nơi, chị Tuyền vẫn chưa tìm được việc làm. “Bây giờ khó tìm việc hơn lúc trước rồi nên tôi cũng rất lo, nếu xài hết tiền BHTN rồi mà vẫn chưa có việc làm, không biết tính sao nữa”, chị Tuyền lo lắng bày tỏ.

Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội nhận xét, có nhiều nguyên nhân khiến lượng người lao động đến làm hồ sơ BHTN giảm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp “co cụm” lại không chú trọng mở rộng sản xuất như trước nên nhu cầu tuyển dụng lao động cũng giảm, vì thế người lao động không còn dễ dàng tìm việc nên cũng hạn chế chuyện “nhảy” việc. Trước đây, một số lao động cũng thường xin nghỉ việc để vừa hưởng BHTN vừa có thể làm ở nơi khác. Nhưng hiện nay do tình trạng khó xin việc làm, cộng thêm thời điểm gần cuối năm nên sẽ là “lợi bất cập hại” nếu như lãnh BHTN mà lại mất đi các khoản thưởng dịp tết. Ngoài ra, hiện nay thu nhập tại các doanh nghiệp đều ổn định và sàn sàn như nhau, người lao động không còn thấy lợi khi chuyển nơi làm việc nên cũng ít “đứng núi này, trông núi nọ”. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, số người đăng ký BHTN còn tiếp tục giảm.

Hà Lam

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích