Gia đình khó khăn, không có điều kiện để tiếp tục học hết phổ thông như bạn bè, nhưng bằng nghị lực của mình, Nguyễn Xuân Nam (xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) vẫn tự lập thân để vươn tới ước mơ của mình.
Nguyễn Xuân Nam. Ảnh: T.Thúy |
Gia đình khó khăn, không có điều kiện để tiếp tục học hết phổ thông như bạn bè, nhưng bằng nghị lực của mình, Nguyễn Xuân Nam (xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) vẫn tự lập thân để vươn tới ước mơ của mình.
Nam kể, Cẩm Đường đã là một xã nghèo, vậy mà nhà của Nam còn là “nghèo trong nghèo” nữa. Ba làm phụ hồ nhưng công việc không ổn định, bữa đực bữa cái, mẹ quanh năm đầu tắt mặt tối với mảnh đất rẫy cằn cỗi, không chỉ để lo cho 3 anh em của Nam mà còn chăm sóc cho ông bà đã già yếu, gánh nặng đó khiến cho ba mẹ Nam thấy con học lên lớp nào thì vừa mừng lại vừa lo lớp đó. Vì vậy cách đây 3 năm khi vừa học hết lớp 9, Nam đã phải suy tính tìm hướng đi hợp lý cho mình. Nếu đi theo con đường như bạn bè, học hết 3 năm THPT rồi mới lên đại học, con đường ấy quá dài với Nam, gia đình khó mà kham nổi. Trong khi đó nếu học trung cấp nghề, sau 3 năm cũng xong lớp 12 mà lại có thêm cái bằng trung cấp trong tay, có thể đi làm tự lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Hơn nữa, hệ trung cấp nghề vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng rồi đại học, thời gian học vào buổi tối rất phù hợp để ban ngày có thể đi làm, ngoài ra kinh nghiệm tích lũy từ tiếp xúc thực tế trong những năm học nghề sẽ là một thuận lợi khi vào đại học sau này.
Sau khi cân nhắc, Nam quyết tâm chọn học ở Trường trung cấp nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch. Lý do Nam chọn trường này cũng rất đơn giản: gần nhà, có thể đạp xe đi học mỗi ngày. Lúc chọn học nghề điện công nghiệp, Nam cũng nghĩ đơn giản: đó là nghề của “đàn ông”. Vậy mà khi vào lớp ĐN09TC3 của thầy Vũ Hồng Bắc, Nam bị “nhiễm” ngay niềm đam mê môn Tự động hóa của thầy, trở thành “đệ tử ruột” và được thầy tận tình dạy dỗ, truyền đạt kiến thức. Cũng chính thầy là người truyền cho Nam sự tự tin để mạnh dạn bước vào cuộc thi Tay nghề trẻ năm 2012.
Với tâm lý là học sinh “trường huyện”, bước vào sân chơi cấp tỉnh là đã quá sức rồi, vậy mà bất ngờ được chọn vào đội tuyển tham gia cuộc thi cấp quốc gia, Nam cảm thấy áp lực rất lớn. Nhưng nghĩ đến công sức và kỳ vọng của nhà trường và bạn bè, Nam lại tự nhủ mình phải cố gắng. Trong khi các đội tuyển khác luyện tay nghề với những thiết bị đúng chuẩn, có đội còn đi tập huấn tận Trung Quốc, thì Nam ngày nào cũng miệt mài bày đồ nghề tập luyện trên mô hình mô phỏng vì không có giàn máy thực tế để thực hành. Sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của Nam và các thầy Vũ Hồng Bắc, Nguyễn Văn Vụ, Vũ Xuân Hòa đã được đền đáp xứng đáng: Nam đoạt giải nhất cuộc thi Tay nghề trẻ toàn quốc 2012, và được chọn tập huấn để tham dự cuộc thi Tay nghề trẻ ASEAN vào tháng 11 sắp tới.
Chiến thắng ở cuộc thi cấp quốc gia, ngoài sự vinh dự, tự hào đã không phụ công lao dạy dỗ của nhà trường, còn giúp Nam thêm một lần nữa khẳng định sự lựa chọn con đường học nghề của mình là đúng. Ước mơ của Nam giờ càng được định hình rõ rệt hơn: học liên thông cao đẳng, rồi đại học để trở thành lập trình viên tự động hóa ngành điện. “Con đường nào cũng sẽ đến đích nếu có quyết tâm, kiên trì, nỗ lực”, Nam luôn tự nhủ với mình như thế.
Hà Lam