Vài năm nay, tại các trường mầm non (MN) trên địa bàn Đồng Nai, tình trạng 60 -70 em chen chúc nhau trong một lớp học đã trở thành nỗi bức xúc của phụ huynh và trăn trở của ngành GD-ĐT.
Vài năm nay, tại các trường mầm non (MN) trên địa bàn Đồng Nai, tình trạng 60 -70 em chen chúc nhau trong một lớp học đã trở thành nỗi bức xúc của phụ huynh và trăn trở của ngành GD-ĐT.
Quá tải ở Trường MN Ngọc Lan 1. Ảnh: T.Thúy |
Bước vào năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 119.117 trẻ nhập học ở bậc học MN. Dù chỉ đạt tỷ lệ khoảng 48,3% so với số cháu ở độ tuổi đi học, thế nhưng nơi nào cũng “xất bất xang bang” với yêu cầu đáp ứng trường, lớp cho các cháu, nhất là ở các địa phương có khu công nghiệp, khu nhà trọ tập trung đông công nhân lao động.
* Chấp nhận “vỡ chuẩn”
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường MN Họa Mi (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, năm 2004 sau khi được xây mới, trường có khoảng 180 em với 8 phòng học, bình quân mỗi lớp chỉ 22-23 em nên trường được công nhận là đạt chuẩn quốc gia. Từ lúc Công ty Chang Shin đi vào hoạt động, số con em công nhân ngày càng tăng nên trường ngày càng quá tải. Trường được thiết kế với công năng dành cho 240 em, nhưng mấy năm nay luôn phải “gánh” từ 400-450 em. Sĩ số các lớp, nhất là ở khối lớp lá luôn dao động ở mức 50-60 em/lớp dù nhà trường đã tận dụng luôn cả phòng âm nhạc thành lớp học. Theo thống kê, trường hiện có 57,2% em thuộc diện hộ khẩu thường trú, số còn lại đều là tạm trú. “Biết là nhận học sinh đông sẽ vỡ chuẩn quốc gia vì sĩ số học sinh vượt quá quy định (quy định chuẩn là 35 cháu/lớp), nhưng nếu không nhận thì số cháu còn lại sẽ học ở đâu vì các trường xung quanh cũng đều quá tải như thế, trong khi cơ sở vật chất trường này là khang trang nhất? Có vỡ chuẩn thì cũng đành phải chịu thôi. Chỉ mong được xây dựng thêm khoảng 6 phòng học nữa để các cháu được học hành thoải mái hơn, chứ chen chúc như thế này thì tội quá”, cô Thành than thở.
Trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa Lê Văn Hùng cho biết, trong 30 phường, xã trên địa bàn, hiện vẫn còn 2 phường “trắng” chưa có trường MN do Nhà nước đầu tư, đó là phường Thống Nhất và phường Long Bình. Theo thống kê, phường Long Bình hiện có khoảng 90 cơ sở tư nhân, nhóm trẻ, trong đó có 10 điểm chưa được cấp phép vì không đủ điều kiện hoạt động, nhưng cũng không thể dẹp vì nhu cầu gởi con của công nhân. Tương tự, trong 26 nhóm trẻ chưa được cấp phép trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, phần lớn tập trung ở xã Thạnh Phú, nơi có đông công nhân lao động. |
Nhưng tình trạng chen chúc nhau để học ở Trường MN Họa Mi vẫn chưa bằng Trường MN Phong Lan ở ngay trung tâm thị trấn Vĩnh An, nơi được công nhận chuẩn quốc gia từ năm 2009. Cô Hiệu phó Phạm Thị Hương “cười như mếu” khi cho biết, năm học này trường có đến 756 em trong khi chỉ có 12 phòng học, tính bình quân mỗi lớp có khoảng 63 em. Tuy nhiên, do quy định về phổ cập giáo dục MN, trẻ 5 tuổi phải được ra lớp nên hiện nay khối lớp lá quá tải nghiêm trọng, có lớp lên đến 73 em. Để ứng phó với tình trạng này, các giáo viên phải chia lớp làm 2 nhóm, cứ nhóm này học nặn đất sét thì nhóm kia vẽ tranh, giờ đi vệ sinh cũng phải xếp lệch nhau vì không đủ chỗ…
* Không đủ trường cho học sinh
So với các huyện, tình trạng trường lớp ở TP. Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh còn căng thẳng hơn, bởi đây là khu vực tập trung dân số đông, tỷ lệ tăng dân cơ học cao nhất trong tỉnh. Ở trường MN Hoa Sen, cô Hiệu trưởng Lưu Thị Bích Nụ cho biết, do thực hiện quy định phổ cập MN, sĩ số các lớp khối lá tăng vọt, hiện nay lên đến từ 65-69 em/lớp. Các lớp cũng phải “chia ca” để dạy vì quá tải.
Thiếu sân chơi, các cháu phải vận động ngay trong lớp học. Ảnh: T.Thúy |
Nhưng với các trường có cơ sở vật chất rộng rãi như Hoa Sen, Phong Lan, Họa Mi, học sinh dù chịu cảnh quá tải vẫn còn có không gian rộng rãi để học tập, vui chơi vận động. Còn Trường MN Quang Vinh (phường Quang Vinh), 51 cháu lớp lá phải chen chúc nhau trong căn phòng cấp 4 lụp xụp, rộng hơn 50m2, chỉ có duy nhất một cửa ra vào, không hề có cửa sổ nên khá ngột ngạt và tối. Đây là nơi vừa học, vừa ăn uống, ngủ nghỉ của các cháu. Trường chỉ có một khoảng sân hẹp, nhưng thường ngày dùng làm nơi để xe cho giáo viên, các cháu bé không có sân chơi, giờ vận động cũng phải thực hiện ngay trong lớp. Theo Trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa Lê Văn Hùng, trên địa bàn hiện tồn tại nhiều trường MN quá tải, chật hẹp, thiếu sân chơi như thế, như: Tân Biên, Tân Tiến, Thanh Bình, Long Bình Tân…
Giữ chuẩn quốc gia, trẻ phải gửi ở nhóm trẻ gia đình Cô Nguyễn Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường MN Phước Thái (huyện Long Thành) cho biết, do trường nằm gần khu công nghiệp nên đầu năm phụ huynh đăng ký xin học cho con rất đông, nếu nhận hết theo nhu cầu, sĩ số học sinh phải lên đến 70-80 em/lớp. Do trường đang được công nhận đạt chuẩn quốc gia nên chỉ nhận hạn chế khoảng 40 em/lớp, số còn lại, phụ huynh buộc phải gửi vào các nhóm trẻ gia đình. Trên địa bàn xã Bình Sơn (huyện Long Thành), Trường MN Bình Sơn chỉ nhận 38-40 em/lớp dù nhu cầu của công nhân Nông trường cao su Bình Sơn là rất lớn. |
Trường MN công lập đã thế, các cơ sở, nhóm trẻ ngoài công lập còn “nhiều vấn đề” hơn. Ở Trường MN Ngọc Lan 1 (phường Long Bình), bà chủ trường Nguyễn Thị Hồng thú thật, nơi đây trước từng là… trại chăn nuôi heo, sau khi TP. Biên Hòa có quy định cấm chăn nuôi, trại đã được cải tạo, sửa chữa lại thành… trường MN. Hiện, trường có 2 cơ sở nuôi dạy 750 em từ 18 tháng đến 5 tuổi, chia thành 19 nhóm lớp. Chủ trường cũng có nhiều cố gắng để các phòng học, bếp ăn được khang trang sạch sẽ, tuy nhiên vì là cơ sở cải tạo lại nên vẫn chắp vá, tạm bợ, nhiều bất tiện.…
Thanh Thúy