Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm “lối ra” cho dạy thêm, học thêm

09:11, 09/11/2012

Làm sao đáp ứng được nhu cầu xã hội nhưng vẫn hạn chế được tiêu cực trong vấn đề dạy thêm, học thêm? Đó vẫn là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục...

Làm sao đáp ứng được nhu cầu xã hội nhưng vẫn hạn chế được tiêu cực trong vấn đề dạy thêm, học thêm? Đó vẫn là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục...

Theo số liệu tổng hợp của Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa, trong 44/51 trường tiểu học trên địa bàn, số giáo viên (GV) có đăng ký giữ học sinh tại nhà là 1.278 GV (74,3%), số lượng học sinh đã đăng ký ở lại nhà GV là 23.988 em (37,4%). Ở bậc THCS, có 867 GV đăng ký dạy thêm (52,1%), 18.753 lượt học sinh đăng ký học thêm (gần 50%). Toàn TP. Biên Hòa, chỉ có các trường thuộc 4 xã vừa mới sáp nhập là không có GV đăng ký giữ trẻ, dạy thêm.

* Đề nghị giáo viên tiểu học được giữ trẻ

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa cho biết, sau khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT được phổ biến trong toàn ngành, từ ngày 1-11, tất cả các GV tiểu học trên địa bàn đã đồng loạt ngừng giữ trẻ khiến phụ huynh không có chỗ gửi con, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn mạnh. Vì thế, rất nhiều phụ huynh đã kiến nghị phòng xem xét, giải quyết cho GV được tiếp tục giữ trẻ, kết hợp bồi dưỡng thêm về văn hóa.

Nhiều trường học đang quá tải về sĩ số, hạn chế về điều kiện vật chất. Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường tiểu học Trảng Dài (TP. Biên Hòa).       Ảnh: T.THÚY
Nhiều trường học đang quá tải về sĩ số, hạn chế về điều kiện vật chất. Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường tiểu học Trảng Dài (TP. Biên Hòa). Ảnh: T.THÚY

Theo ông Cao Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP. Biên Hòa), việc giữ trẻ bậc tiểu học khác với bậc mầm non. Về tâm sinh lý, trẻ ở độ tuổi này cần được giao nhiệm vụ (ở đây là học tập), nếu không sẽ dễ sinh quậy phá. Vì vậy, trong thời gian được gửi nhà cô, nếu học sinh được GV ôn tập, củng cố lại bài vở đã học trong trường, hướng dẫn làm thêm bài tập, nâng cao thêm kiến thức thì rất tốt. “Với thực trạng về cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu như hiện nay, chưa thể tổ chức các loại hình bán trú, học 2 buổi ở bậc tiểu học, Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa kiến nghị bộ xem xét cho các GV trên địa bàn được tổ chức giữ trẻ tại nhà, kèm theo phụ đạo về văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Phòng sẽ phối hợp với sở và các trường cùng bàn bạc tìm ra giải pháp để quản lý tốt, hạn chế các tiêu cực phát sinh”, ông Lê Văn Hùng đề nghị.

* Khuyến khích tổ chức dạy thêm trong nhà trường

Về dạy thêm ở  bậc học THCS và THPT, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong Võ Tá Tấn cho biết, việc tổ chức học thêm trong trường được phân loại theo từng nhu cầu: phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi đại học, cao đẳng. Tùy theo mục tiêu, mỗi lớp dạy thêm có kế hoạch, nội dung giảng dạy riêng cho phù hợp, được Ban giám hiệu tổ chức thẩm định, đánh giá định kỳ. GV, học sinh tham gia dạy thêm, học thêm cũng được sàng lọc, đánh giá trình độ để đảm bảo hiệu quả. Vì thế, từ một trường bán công chuyển sang công lập, trường đã từng bước vươn lên khẳng định chất lượng, 2 năm nay liên tục có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%.

Sở GD-ĐT Đồng Nai kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh lại Điều 9 Thông tư 17, trong đó cho phép người “có trình độ đào tạo tối thiểu tương ứng với GV” được tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Bởi với “kẽ hở” này, sẽ càng làm cho việc tổ chức dạy thêm, học thêm khó quản lý. Quy định không được dạy thêm “đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập” tại Điều 4 cũng được kiến nghị xem xét.

 Ở Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn, học sinh cũng tránh được tình trạng “chạy sô học thêm” nhờ tổ chức tốt các lớp phụ đạo ngay trong trường. Tuy nhiên, để thực hiện được việc dạy thêm trong nhà trường, yếu tố quan trọng vẫn là phải có cơ sở vật chất, đội ngũ GV đạt yêu cầu. Vì vậy, ở chừng mực nào đó, với những trường không thể tổ chức dạy thêm trong nhà trường, nên linh động cấp phép cho GV dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ quy định hạn chế dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà GV đang dạy chính khóa. “Tinh thần của sở là kiên quyết chấn chỉnh, hạn chế xảy ra tiêu cực, không để tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan”, ông Nguyễn Thiệp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

* Ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Phải giới thiệu được những mô hình hay cho xã hội

Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT là cần, nhưng chưa đủ. Mục tiêu của Thông tư là nhằm “triệt” những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, như phân biệt đối xử, bắt ép học sinh phải đi học thêm... nhưng nếu áp dụng không khéo sẽ “tiêu” luôn nhu cầu chính đáng của các GV và một bộ phận người dân trong xã hội. Chuyện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm là có, nhưng đó chỉ là con số rất ít, rất nhỏ so với những đóng góp của các thầy cô trong vấn đề xã hội hóa giáo dục. Lâu nay nói đến xã hội hóa, chúng ta thường máy móc nghĩ đến tiền, đến đóng góp bằng vật chất, trong khi ý nghĩa của xã hội hóa là huy động sự đóng góp của toàn dân trên nhiều mặt, trong đó có sự đóng góp trí tuệ, công sức khi đã tổ chức được nơi dạy thêm để bổ sung kiến thức cho học sinh, giữ trẻ cho cha mẹ yên tâm làm việc.

Vấn đề dạy thêm, học thêm không phải mới. Nhưng thay vì cấm, Bộ GD-ĐT nên tổ chức khảo sát, đánh giá, tổng kết giữa mặt tích cực là những đóng góp cho xã hội của việc dạy thêm, học thêm với những tiêu cực đã xảy ra đây đó trong cuộc sống. Từ đó, rút ra được những kinh nghiệm hay, tìm ra được những mô hình phù hợp, đưa ra được những giải pháp hợp tình hợp lý, chỉ ra cách khắc phục hạn chế để vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa quản lý tốt.

Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp với những đặc thù: phần lớn là lao động trẻ nên số người đi làm việc nhiều, cần có chỗ gửi con; lao động lớn tuổi, nhàn rỗi (ông bà) ít nên nhu cầu này càng cao; dân số cơ học tăng nhanh nên cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp nhu cầu, nhất là ở TP. Biên Hòa. Vì thế phải công bằng mà nói, những năm qua, lực lượng GV tiểu học linh hoạt nhận luôn cả việc giữ trẻ đã góp phần tích cực giải quyết phần nào nhu cầu của các phụ huynh; lực lượng GV dạy thêm các bậc học khác cũng góp phần đưa tỷ lệ học sinh Đồng Nai đậu vào các trường đại học tăng cao. Vậy, chấn chỉnh nhằm hạn chế tiêu cực là cần, nhưng vẫn là chuyện nhỏ so với mục tiêu lớn hơn là làm an lòng dân.

Thanh Thúy

 

 

 

 

Tin xem nhiều