Báo Đồng Nai điện tử
En

Xung quanh việc cấm dạy thêm, học thêm: Băn khoăn tìm chỗ gửi con!

08:11, 08/11/2012

Thời gian qua, nhiều lớp dạy thêm, giữ trẻ tiểu học trên địa bàn tỉnh đồng loạt đóng cửa sau khi dư luận bàn nhiều về Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Điều này đã gây sự xáo trộn rất lớn trong đời sống sinh hoạt của cả học sinh, phụ huynh và giáo viên (GV)...

Thời gian qua, nhiều lớp dạy thêm, giữ trẻ tiểu học trên địa bàn tỉnh đồng loạt đóng cửa sau khi dư luận bàn nhiều về Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Điều này đã gây sự xáo trộn rất lớn trong đời sống sinh hoạt của cả học sinh, phụ huynh và giáo viên (GV)...

[links(left)]Chị Trần Thanh Đan Châu, công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy cho biết, do vợ chồng chị đều làm việc theo giờ hành chính nên hàng ngày, sau buổi học ở trường, con gái chị được gửi về nhà cô giáo chủ nhiệm để ăn, ngủ, sau đó được cô ôn lại bài vở trước khi cha mẹ đến đón về. Đây là năm thứ hai chị gửi con về nhà cô, nhờ vậy vợ chồng chị đều yên tâm công tác. Cùng về nhà cô như con gái chị có hơn 20 học sinh.

* Tạm ngưng dạy thêm, phụ huynh kêu trời!

Thế nhưng từ lúc cô giáo thông báo tạm thời ngưng nhận đón học sinh về nhà, vợ chồng chị không biết gửi con ở đâu để đi làm. Giải pháp trước mắt là mỗi buổi trưa khi con tan học, chị đón về nhà lo cho ăn uống, sau đó đầu giờ chiều trước khi đi làm thì chở con sang nhà bà ngoại. Nhưng giải pháp này không thể kéo dài vì cháu tan học lúc 11 giờ, trong khi giờ nghỉ của chị là 11 giờ 30, đó là chưa kể nhiều khi phải 12 giờ mới xong công việc. Việc về nhà buổi trưa cũng mất rất nhiều thời gian, cả mẹ và con đều không có thời gian nghỉ ngơi như trước, lại còn phải thêm vụ ôn lại bài vở cho con vào buổi tối. “Tình trạng này kéo dài, chắc chết quá”, chị Đan Châu than thở.

Một lớp dạy thêm ở Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Biên Hòa). ảnh chụp chiều 7-11-2012. Ảnh: T.THÚY
Một lớp dạy thêm ở Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Biên Hòa). ảnh chụp chiều 7-11-2012. Ảnh: T.THÚY

Không tìm được chỗ gửi con như chị Đan Châu, chị Nguyễn Thị Loan (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), làm việc tại Công ty Pouchen (ở xã Hóa An) mấy ngày nay phải xin nghỉ phép để ở nhà trông giữ cậu con trai mới học lớp 1. “Tôi đang năn nỉ cô giáo tìm cách dạy thêm trở lại để tôi có thể an tâm đi làm. Nếu con không được cô trông giữ, chắc tôi phải nghỉ làm, hoặc phải chuyển con sang học trường dân lập bán trú. Nhà quá neo đơn, không có người giữ cháu, cháu lại quá nhỏ nên tôi không thể để ở nhà một mình” - chị Loan băn khoăn. Một số phụ huynh khác thì “chữa cháy” bằng cách đưa con đến cơ quan, nhưng đây cũng không phải giải pháp ổn định lâu dài.

Các giáo viên đang dạy thêm đều là trái phép!

Bà Nguyễn Thị Ngân, Trưởng phòng Thanh tra mầm non - phổ thông - thường xuyên (Thanh tra Bộ GD-ĐT) cho biết: theo quy định, các GV dạy thêm đều phải được cấp phép. Dù 352 GV tại Đồng Nai trước đây đã được cấp phép, nhưng hiện nay đã hết hạn và chưa được cấp phép mới là do các yếu tố khách quan, nhưng vẫn là dạy thêm trái quy định. Vì vậy, nếu các GV này vẫn tiếp tục tổ chức dạy thêm sẽ là vi phạm, phải dừng lại, nếu không qua kiểm tra phát hiện sẽ bị phạt vi phạm hành chính.

Trong thời gian chờ đợi UBND tỉnh ban hành văn bản mới phù hợp với Thông tư 17, Sở GD-ĐT Đồng Nai cần có văn bản báo cáo với bộ về tình hình dạy thêm, học thêm hiện nay của tỉnh.

Nhưng với học sinh bậc THCS, THPT, nhất là các lớp cuối cấp, việc học sinh không được đi học thêm khiến các phụ huynh rất lo lắng. Chị Trần Thị Ánh Nguyệt (ở huyện Nhơn Trạch) có con đang học lớp 12 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) cho biết, con chị dự định thi vào Trường đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh nên có nhu cầu đi học thêm các môn Toán, Lý, Hóa để bổ sung kiến thức. Do đó, gia đình chị vô cùng lo lắng khi các GV mà con chị theo học không được tổ chức dạy thêm theo quy định của bộ.

* Nên xem xét thận trọng

Theo Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Nguyễn Đình Chiến, trong năm học 2011-2012, có 18 trường THPT trên địa bàn tỉnh được sở cấp phép dạy thêm cho GV đơn vị mình. Số GV được cấp phép là 352 người (chiếm tỷ lệ 8,4% so với tổng số GV THPT trên địa bàn). Giấy phép này đã hết hạn từ 30-8-2012, trong khi đó, UBND tỉnh chưa ban hành văn bản mới theo tinh thần của Thông tư 17, vì thế chưa thể thực hiện cấp giấy phép mới về việc dạy thêm cho số GV này.

Sở GD-ĐT cũng vừa có quyết định kỷ luật cô N.T.C., GV Trường THPT Long Khánh với hình thức cảnh cáo và thông báo toàn ngành vì vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, có hành vi ép buộc học sinh phải đi học thêm ở lớp dạy thêm của mình. Cô C. là GV được cấp phép dạy thêm từ năm học 2011-2013.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng cho biết, việc ban hành Thông tư 17 sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống, sinh hoạt, nhu cầu của học sinh và phụ huynh, nhất là trong điều kiện trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội tại các khu đô thị lớn, khu đông công nhân lao động. Như ở TP.Biên Hòa, hiện nay hầu như chưa có được một cơ sở giáo dục công lập bán trú bậc tiểu học nào để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh là cán bộ, công chức. Do đó, trước mắt phụ huynh vẫn phải trông vào giải pháp gửi con về nhà cô, nếu cấm ngay sẽ gây một sự xáo trộn rất lớn. Đối với học sinh các lớp cuối cấp cũng thế. Nhìn chung, dạy thêm - học thêm vẫn là nhu cầu lớn và có thật trong xã hội, vì vậy cần phải có sự cẩn trọng, nghiên cứu kỹ điều kiện và tình hình của địa phương trước khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan.

“Thời gian qua, vấn đề tiêu cực trong dạy thêm, học thêm trên địa bàn không phải là không có, nhưng ngành vẫn chú trọng quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời, cho đến nay vẫn chưa xảy ra bức xúc nghiêm trọng nào. Quản lý chặt việc dạy thêm để tránh tình trạng tiêu cực là điều cần làm, nhưng cũng nên xem xét, thận trọng và phù hợp với tình hình địa phương”-  ông Lê Minh Hoàng nhận xét.        

* Cô Thái Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ): Không phải trường nào cũng có điều kiện tổ chức dạy thêm

Thông tư 17 quy định các GV hưởng lương sự nghiệp nhà nước không được tổ chức dạy thêm ở ngoài nhà trường, nhưng không phải trường nào cũng có đủ cơ sở vật chất để tổ chức dạy thêm trong trường. Trường THCS Xuân Mỹ chúng tôi chỉ có 13 phòng học nhưng có đến 23 lớp học, phải thay phiên nhau học khối buổi sáng, khối buổi chiều, lấy đâu ra phòng để tổ chức cho học sinh học ngày hai buổi, hoặc tổ chức cho GV dạy thêm trong trường theo quy định?

Tôi cho rằng, mục tiêu của Thông tư 17 là nhằm hạn chế tiêu cực trong dạy và học, hạn chế những bức xúc của xã hội trong vấn đề nhạy cảm này. Nhưng bên cạnh đó cần phải xem xét các điều kiện của các địa phương. Cách nào cũng đừng biến người thầy thành mục tiêu soi mói của mọi người, nhất là học sinh, sẽ rất phản giáo dục.

* Một giáo viên tiểu học ở TP.Biên Hòa (xin giấu tên): Sống được bằng lương, sẽ không  dạy thêm

Lâu nay, GV chúng tôi rất nhạy cảm khi nhắc đến vấn đề lương bổng, thu nhập của mình. Với thâm niên mười mấy năm trong nghề, hiện nay thu nhập của tôi chỉ trên 3 triệu đồng/tháng, phải sống giật gấu vá vai mới lo nổi trong gia đình. Tôi có nhận khoảng 17 học sinh về nhà, cả gia đình xúm nhau vào lo nấu nướng, ăn uống, nghỉ ngơi và cả giúp các em ôn tập kiến thức, làm bài tập. Lấy sức lao động ra kiếm sống nhưng lúc nào cũng nơm nớp các nỗi lo: sợ học sinh bị ngộ độc thực phẩm, hay xảy ra sự cố gì khi ở nhà mình trong khi học sinh tiểu học thường nghịch ngợm, hiếu động; sợ mỗi khi phải la rầy các học sinh không học thêm ở nhà mình, kể cả khi các em vi phạm, không ngoan vì có thể phụ huynh hiểu lầm cho rằng con họ bị cô “đì”...

Năm 2010, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có hứa sẽ xem xét cải cách để GV sống được bằng lương, chúng tôi nghe, hy vọng. 2 năm trôi qua, vẫn chưa thấy chuyển biến gì. GV chúng tôi có lòng tự trọng, khi nào sống được bằng lương, chúng tôi sẽ không bao giờ đi dạy thêm.

Nam Hà (ghi)

 

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều