Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26-12: Từng bước nâng cao chất lượng dân số

09:12, 25/12/2012

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dân số và Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), Đồng Nai đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dân số và Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), Đồng Nai đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Hướng dẫn các sản phụ kỹ năng chăm sóc sức khỏe trước và sau sinh. Ảnh: P.Liễu
Hướng dẫn các sản phụ kỹ năng chăm sóc sức khỏe trước và sau sinh. Ảnh: P.Liễu

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm để từng bước nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi vẫn còn cao; chỉ số phát triển con người chỉ ở mức trung bình…

* Chuyển biến đáng kể

So với 10 năm trở về trước, tỷ suất sinh thô hàng năm đều giảm, cụ thể từ 18,72% năm 2001 xuống còn 14,1% năm 2011; tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,38 con xuống còn 2 con/phụ nữ; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cũng giảm từ 12,97% xuống 7,44%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,1%, vượt mục tiêu đề ra. Kết quả giảm sinh làm thay đổi rõ rệt cơ cấu dân số theo tuổi, đưa Đồng Nai bước vào giai đoạn “dân số vàng”, tạo lợi thế về nguồn nhân lực - một điều kiện quan trọng để nền kinh tế địa phương có bước tăng trưởng nhảy vọt và vững chắc.

Mục tiêu công tác dân số  đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

- Phấn đấu tốc độ tăng dân số ở mức 1,05% (năm 2015) và 1% (năm 2020), chỉ số phát triển con người cao hơn trung bình của cả nước vào năm 2020.

- Nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật tử vong ở trẻ em.

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt từ 25% (năm 2015) và 60% (năm 2020).

- Giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, đạt 105 trẻ trai/100 trẻ gái.

- Duy trì mức sinh thấp hợp lý, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ kế hoạch gia đình, tăng khả năng hỗ trợ sinh sản  có chất lượng.

- Giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn.

- Giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây qua đường sinh sản, tập trung đối tượng phụ nữ ở độ tuổi 30-55.

- Nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành chăm sóc SKSS cho người chưa thành niên và thành niên.

- Thúc đẩy phân bố dân số phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, chất lượng dân số được nâng lên. Theo Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tuổi thọ bình quân của người dân trên địa bàn là 70,5 tuổi, tăng lên 3,2 tuổi so với cách đây 10 năm. Điều này cho thấy, điều kiện sống của người dân được nâng lên đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số được triển khai và thực hiện, như: tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa di truyền; can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; SKSS của người dân được cải thiện.

* Vẫn còn nhiều rào cản

Theo ông Lưu Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tuy mức sinh giảm nhưng chưa thực sự bền vững, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh cũng giảm đáng kể (từ 117 trẻ trai/100 trẻ gái xuống còn 111/100), nhưng vẫn ở mức cao so với chuẩn cân bằng là 107/100.  Chất lượng dân số tuy được cải thiện nhưng còn chậm, chỉ số phát triển con người tăng lên so với trước, nhưng vẫn nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số phát triển trung bình; chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế, việc điều phối cung ứng phương tiện tránh thai chưa linh hoạt, chưa chủ động được nguồn cung cấp. 

Dân số tăng nhanh, tạo nhiều áp lực về chất lượng cuộc sống, trong đó có giáo dục.
Dân số tăng nhanh, tạo nhiều áp lực về chất lượng cuộc sống, trong đó có giáo dục.

Đặc biệt, một số chỉ tiêu liên quan đến chất lượng dân số trẻ như là tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tuy đạt chỉ tiêu nhưng vẫn ở mức cao với suy dinh dưỡng theo cân nặng là 11,5% và theo chiều cao 27,2%. Trong khi đó, tình trạng thừa cân béo phì ở  trẻ em thành thị lại đang có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, tình trạng phá thai còn nhiều, trong đó có những trường hợp phá thai nhiều lần.

Ông Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, những hạn chế trên chủ yếu do vấn đề di dân tự do và tăng dân số cơ học trên địa bàn tỉnh trong những năm qua khá lớn, làm ảnh hưởng đến quy mô dân số, phân bổ dân số, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của cộng đồng… Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số không ổn định do giải thể, sáp nhập, luân chuyển, thay đổi diễn ra thường xuyên và mức thù lao của cộng tác viên dân số thấp đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này.

8 vấn đề được quan tâm nhân Ngày Dân số Việt Nam 26-12

Mặc dù nước ta đạt được khá nhiều thành tựu trong chính sách dân số và chăm sóc SKSS, nhưng vẫn còn 8 vấn đề cần được quan tâm:

1. Tốc độ tăng dân số vẫn còn rất cao, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm vẫn còn ở mức 1,3%.

2. Dân số tuyệt đối trung bình năm 2011 của Việt Nam hiện đã đạt trên 87,4 triệu người, đông thứ 13 trên thế giới.

3. Hàng năm, số dân tăng thêm khoảng 1 triệu người, sẽ làm gia tăng các sức ép và những tác động về môi trường, lương thực, giao thông, đất đai giáo dục...

4. Mật độ dân số Việt Nam lên đến 250 người/km2, cao thứ 3 ở Đông Nam Á, gấp khoảng 6 lần mức bình quân chung của thế giới.

5. Phân bố dân số không đều giữa các vùng miền. Khu vực đồng bằng lại quá cao so với khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên.

6. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao, trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ.

7. Dân số vẫn thuộc loại trẻ, nhưng tỷ lệ người già đang tăng nhanh, đã có dấu hiệu dân số già đi.

8. Chất lượng dân số về dinh dưỡng, văn hóa, việc làm... chuyển biến còn chậm.

Phi Trường

 

 

Tin xem nhiều