9 chỉ tiêu y tế chủ yếu của tỉnh trong năm 2012 đều thực hiện đạt và vượt. Trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng, như: bác sĩ định biên tại các trạm y tế, giường bệnh/vạn dân, bác sĩ/vạn dân, trẻ tiêm chủng đầy đủ… nhiều năm không đạt nay đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
9 chỉ tiêu y tế chủ yếu của tỉnh trong năm 2012 đều thực hiện đạt và vượt. Trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng, như: bác sĩ định biên tại các trạm y tế, giường bệnh/vạn dân, bác sĩ/vạn dân, trẻ tiêm chủng đầy đủ… nhiều năm không đạt nay đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Phẫu thuật nội soi một cổng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P. Liễu |
Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn đã được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả đáng khích lệ, như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, sốt rét, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, phòng chống dịch bệnh... Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tại cộng đồng đã và đang thu hút người dân vào cuộc chủ động hơn.
* Làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại
Trong năm 2012, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã có 35 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới được triển khai. Giám đốc bệnh viện Phạm Văn Dũng cho hay, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật mới trong năm 2013 này, như kỹ thuật siêu lọc máu và thành lập trung tâm tim mạch can thiệp. ”Đây chính là cơ hội điều trị tốt cho người bệnh trên địa bàn vì các kỹ thuật được thực hiện tại chỗ và được bảo hiểm y tế chi trả” - bác sĩ Dũng cho biết.
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong năm qua đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt hệ thống và kỹ thuật điều trị ung thư tại bệnh viện đang từng bước tạo được niềm tin của người dân trên địa bàn. Hay ở những bệnh viện tuyến khu vực, tuyến huyện, nhờ được chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 cũng đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Trong đó, một số kỹ thuật khó, như: mổ sọ não, phẫu thuật nội soi, ghép vi phẫu, khâu lỗ thủng dạ dày... đã được các bệnh viện đa khoa khu vực: Long Khánh, Long Thành và Định Quán triển khai khá thành công.
* Xã hội hóa Y tế: Hiệu quả
Sau một thời gian dài ”im ắng”, chỉ trong 2 năm (2011-2012), tại Đồng Nai đã có 3 bệnh viện tư nhân chính thức đi vào hoạt động, gồm: Bệnh viện Tâm Hồng Phước (120 giường), Bệnh viện răng hàm mặt Việt Anh Đức, Bệnh viện quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - Đồng Nai (160 giường). Riêng Bệnh viện quốc tế Đồng Nai (220 giường) đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Đặc biệt, dự án giai đoạn 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới, thiết kế 700 giường từ nguồn xã hội hóa đã chính thức khởi công xây dựng. Năm 2015, khi hoàn thành và đi vào hoạt động, bệnh viện có tầm vóc ngang tầm với các bệnh viện khu vực Đông Nam Á, với tổng nguồn vốn lên đến 1.260 tỷ đồng. Theo đánh giá của TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đây là công trình bệnh viện xã hội hóa lớn nhất trong cả nước.
Trong năm 2012, ngành y tế Đồng Nai tập trung thực hiện đạt và vượt 9 chỉ tiêu chủ yếu, gồm: - Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã: 40%. - Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân: 6,5 bác sĩ /vạn dân. - Tỷ lệ xã, phường có bác sĩ trong định biên: 96%. - Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân: 23,5 giường/vạn dân (trong đó y tế công lập đạt 22 giường/vạn dân và y tế ngoài công lập đạt 1,5 giường/vạn dân). - Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ: 98%. - Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em theo cân nặng: 11% ; theo chiều cao: 27%. - Giảm tỷ suất sinh thô so với năm 2012: 0,2‰. - Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: <1,09%. - Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải y tế: 100%. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách dành cho y tế còn hạn chế, việc các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư các công trình an sinh xã hội như xây dựng bệnh viện là một việc rất đáng biểu dương. Ông khẳng định: ”Chính sự ”vào cuộc” của các bệnh viện tư nhân này, không chỉ chia sẻ trách nhiệm nặng nề với ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn, giảm tải cho bệnh viện công, mà còn nâng cao tỷ lệ giường bệnh/vạn dân, đem đến nhiều dịch vụ y tế cao cấp và tạo điều kiện cho người dân quyền được lựa chọn dịch vụ chẩn đoán, điều trị theo nhu cầu của mình”.
Phương Liễu