Báo Đồng Nai điện tử
En

"Ế" vaccine chương trình, "cháy" vaccine dịch vụ

09:05, 05/05/2014

Trước diễn biến phức tạp của  dịch bệnh, nhiều người sau một thời gian lo ngại với việc tiêm chủng, giờ lại đổ xô đưa con đi chích ngừa. Trong khi nhiều loại vaccine dịch vụ hết hàng thì vaccine của chương trình mục tiêu quốc gia lại  ế ẩm.

Trước diễn biến phức tạp của  dịch bệnh, nhiều người sau một thời gian lo ngại với việc tiêm chủng, giờ lại đổ xô đưa con đi chích ngừa. Trong khi nhiều loại vaccine dịch vụ hết hàng thì vaccine của chương trình mục tiêu quốc gia lại  ế ẩm.

Gần một tháng qua, mỗi ngày Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiếp nhận trên 200 trường hợp tiêm phòng vaccine các loại, tăng khoảng 30% so với thời điểm trước đó.

* Có gì, tiêm nấy

Mới tháng trước, chị Nguyễn Vân Anh ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) đưa con trai 11 tháng tuổi đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tiêm vaccine MMR (phòng 3 bệnh: sởi, quai bị, rubella) với  giá 145 ngàn đồng/mũi. Tháng này chị lại đưa con đến để tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Chị Vân Anh cho biết: “Thấy nhiều trẻ bị bệnh, tôi rất lo. Ở đây có vaccine phòng bệnh gì, nếu cháu đủ tuổi tiêm, tôi đều cho cháu đi tiêm. Bây giờ dịch bệnh nhiều, lây nhiễm lớn, cứ cho con tiêm phòng là chắc ăn nhất”.

Cho trẻ uống vaccine Rota để phòng bệnh tiêu chảy tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.
Cho trẻ uống vaccine Rota để phòng bệnh tiêu chảy tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.

Cũng như chị Vân Anh, chị Ngô Thảo Giang ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cũng đưa con là bé Vinh Khoa, 25 tháng tuổi đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiêm vaccine dịch vụ phòng bệnh cảm cúm. Theo chị Giang, dù kinh tế không khá giả nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng cho con tiêm phòng nhiều loại bệnh, như: viêm não Nhật Bản, uống vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy, tiêm vaccine  ngừa viêm gan C… “Vợ chồng tôi  thấy yên tâm khi con được tiêm chủng mặc dù  thông tin về những tai biến sau tiêm cũng làm mình sợ. Vì vậy,  chúng tôi theo dõi rất sát sức khỏe của con trước và sau khi tiêm, đồng thời lựa chọn nơi tiêm mình cảm thấy an toàn nhất”.

* Quyết chờ vaccine dịch vụ

Một nghịch lý đang diễn ra tại Đồng Nai những ngày qua là trong khi vaccine sởi tiêm dịch vụ đang rất đông người, thậm chí hết hàng, thì việc tiêm miễn phí vaccine  này trong chương trình tiêm chủng mở rộng lại ế ẩm, mặc dù Bộ Y tế đã nhiều lần khẳng định chất lượng vaccine là như nhau.

Trong chiến dịch tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi, có khoảng 36 ngàn trẻ cần tiêm, nhưng tiến độ tiêm vét mới chỉ đạt 90%, nghĩa là còn khoảng gần 4 ngàn trẻ chưa tiêm vaccine sởi. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế Biên Hòa, cho biết Biên Hòa vẫn chưa đạt 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm vét vì còn một số người dân chưa hưởng ứng. “Chúng tôi đã cho cán bộ y tế tại các xã, phường đến tận nhà dân vận động và mời họ đưa con đi tiêm phòng, nhưng họ đều từ chối với lý do chờ vaccine dịch vụ mới tiêm” - bác sĩ Hùng cho biết.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Một số bà mẹ đã đưa con đến tiêm dịch vụ, đó là sự lựa chọn tự nguyện và chúng ta không có lý do gì để trách. Thế nhưng, nếu nói rằng vaccine tiêm dịch vụ ít tai biến hơn vaccine tiêm chủng mở rộng thì không có cơ sở”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh: “Hiện bệnh sởi và một số dịch bệnh khác vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong khi vaccine sởi theo chương trình vẫn đang ế ẩm, chờ người đến tiêm thì việc thụ động ngồi chờ vaccine sởi dịch vụ là một việc nguy hiểm, đánh đu tính mạng con trẻ. Vì chậm tiêm vaccine ngày nào, trẻ có nguy cơ lây nhiễm bệnh ngày ấy”.

Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cho biết cán bộ y tế cố gắng giải thích vaccine dịch vụ hay vaccine chương trình cũng hiệu quả như nhau, song nhiều phụ huynh vẫn một mực đòi tiêm vaccine dịch vụ, dù cho loại vaccine này đang khan hiếm. “Tình trạng “chê” vaccine chương trình dẫn đến quá tải cho những điểm tiêm dịch vụ là điều không hay, bởi khi quá tải chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tư vấn và khám sàng lọc bệnh trước tiêm; chưa kể không gian của của một số điểm tiêm dịch vụ chật hẹp, chưa đủ điều kiện để các bậc phụ huynh lưu lại 30 phút theo dõi sau tiêm” - bác sĩ Ngưỡng cho biết thêm.

Về việc “cháy” một số loại vaccine dịch vụ, trong đó có vaccine sởi, theo bác sĩ Ngưỡng, hiện có 2 dòng vaccine sởi, gồm loại mũi đơn tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng và loại kết hợp “3 trong 1”: sởi - quai bị - rubella tại các cơ sở tiêm dịch vụ. Việc thiếu vaccine sởi chỉ xảy ra đối với loại “3 trong 1” tại một số cơ sở tiêm dịch vụ, do lâu nay loại vaccine này đặt hàng số lượng hạn chế, nay nhiều người tiêm dẫn đến tình trạng “cháy” vaccine. Tương tự, vaccine “6 trong 1” và vaccine phòng bệnh thủy đậu cũng đang hết hàng do nhu cầu của người dân quá cao.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều