Công văn mới đây của Bộ GD-ĐT về việc vẫn giữ ổn định các khối thi như các năm trước và có thể bổ sung khối thi phù hợp với nhu cầu tuyển sinh của từng ngành cụ thể đang khiến thầy và trò của nhiều trường học trong cả nước hoang mang, lo lắng.
Công văn mới đây của Bộ GD-ĐT về việc vẫn giữ ổn định các khối thi như các năm trước và có thể bổ sung khối thi phù hợp với nhu cầu tuyển sinh của từng ngành cụ thể đang khiến thầy và trò của nhiều trường học trong cả nước hoang mang, lo lắng.
Một lớp luyện thi tốt nghiệp năm 2014-2015 của Trường THPT Phú Ngọc (huyện Định Quán). |
Mới chưa đầy nửa tháng trước đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ không còn thi theo khối A, B, C, D. Học sinh phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.
* Quan điểm bất nhất
Ông Phan Thành Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa), băn khoăn: “Hiện tại, các trường đại học chưa công bố các tổ hợp môn thi nên rất khó để giáo viên và học sinh lựa chọn phương thức ôn tập. Theo tôi tìm hiểu, có những trường đại học quan tâm đến kết quả thi của 2/3 môn thi bắt buộc của học sinh để căn cứ tuyển sinh như Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh chú ý đến kết quả thi môn Toán, Tiếng Anh; Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh lại quan tâm đến môn Văn, Toán. Tôi rất ủng hộ điều đó vì phù hợp với ngành nghề, mục đích đào tạo của các trường đại học. Tuy nhiên, như thế lại gây thiệt thòi cho những em học khối A, B, C, hoặc với những em không mạnh về môn nào trong số các môn thi bắt buộc thì cơ hội vào các trường đại học của các em cũng hạn chế”.
Để theo cho kịp với chủ trương của Bộ, từ đầu tuần sau, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh với 3 môn bắt buộc thi và các môn khác do học sinh tự đăng ký. Kết quả đăng ký cho thấy, nhiều học sinh chọn các môn Vật lý, Hóa học, rất ít học sinh chọn môn Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Cả giáo viên và học sinh hiện đang rất lo lắng không biết phương án thi chung của Bộ cuối cùng như thế nào. Việc giản tiện, công bằng chưa thấy đâu nhưng việc đăng ký học ôn, dạy thêm đã thấy phức tạp.
Em Thóng Phước Quyền, lớp 12A1 Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) bày tỏ, Bộ ra chủ trương để học sinh không học lệch nhưng lại bắt buộc thi 3 môn Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn sẽ khiến học sinh chỉ chú tâm vào 3 môn học đó. Những học sinh học khối D sẽ học rất nhẹ nhàng vì bấy lâu nay đã học ôn 3 môn này, còn những học sinh học khối A, B, C thì rất thiệt thòi, phải gồng mình học thêm 2 môn khác để có thể xét tuyển vào các trường đại học. “Bộ thay đổi quyết định quá đột ngột làm những bạn học khối A, B, C trở tay không kịp. Giá mà Bộ triển khai thí điểm hoặc ra chủ trương rồi 2 - 3 năm nữa mới thực hiện thì sẽ tốt hơn” - Quyền bộc bạch.
* Băn khoăn thi theo cụm
Về vấn đề cụm thi, Bộ dự tính trong toàn quốc sẽ có khoảng 20 cụm thi do trường đại học chủ trì. Đây là những trường đáp ứng được các yêu cầu về đội ngũ, chất lượng, cơ sở vật chất... Ngoài ra, Bộ sẽ làm việc với các địa phương để tổ chức cụm thi tại địa phương.
Ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho biết trường sẽ chủ động đề ra phương án tuyển sinh theo chủ trương của Bộ GD-ĐT là vẫn thi theo khối và sớm báo cáo lên Bộ GD-ĐT theo quy định. Sau khi học sinh thi theo cụm xong, trường sẽ tiến hành xét tuyển phù hợp với nhu cầu của từng ngành đào tạo. Bộ GD-ĐT thay đổi đến đâu thì trường chấp hành theo đến đó nhưng vẫn chủ động, khắc phục những khó khăn để tuyển sinh phù hợp, đảm bảo đúng chỉ tiêu, mục đích tuyển sinh đề ra. |
Cô Ngô Thị Hồng, giáo viên dạy Hóa học, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa), bày tỏ lo ngại: Bộ đưa ra chủ trương không nhất quán gây cho giáo viên và học sinh tâm lý hoang mang, lo lắng, không yên tâm để dạy - học. Nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp thì có rất ít học sinh thi ở cụm này. Tại sao Bộ không xét kết quả học lớp 12 của học sinh, vì bấy lâu tỷ lệ đậu tốt nghiệp gần đạt 100%, hay tổ chức thi ngay tại trường cho các em ở vùng sâu, vùng xa đỡ phải đi lại vất vả? Nếu thi theo cụm thi đại học thì phải tổ chức như thế nào, nếu các trường đại học chịu hoàn toàn trách nhiệm trong khâu tổ chức thi thì lực lượng giáo viên THPT có cần phải điều động để coi thi, chấm thi hay không? Việc tách biệt giữa 2 cụm thi có thật sự công bằng cho học sinh hay bên làm chặt, bên làm lỏng?
Bà Lê Thị Thúy Hà, phụ huynh học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch), cho biết: “Bộ cứ thay đổi liên tục, chúng tôi không biết đâu mà lần. Chúng tôi chỉ là công nhân, không có nhiều điều kiện theo dõi việc học của các cháu. Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT sớm chốt phương án cụ thể để các cháu yên tâm học tập, phụ huynh không phải thấp thỏm lo lắng”.
Hạnh Dung