Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng tới công bằng trong tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ chăm sóc sức khỏe

09:02, 21/02/2015

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lương y như từ mẫu", 60 năm qua (27-2-1955 – 27-2-2015), ngành y tế đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như: Khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccine…

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, 60 năm qua (27-2-1955 – 27-2-2015), ngành y tế đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như: Khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccine…

Để hiểu rõ thêm những kết quả cũng như những khó khăn, thách thức của ngành y tế trong thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về những vấn đề này. 

* Phóng viên: Bộ trưởng có thể cho biết những kết quả đạt được của ngành y tế trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2014? 

* Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: 60 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lương y như từ mẫu", dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, năm 2014, ngành y tế đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao, đặc biệt là chỉ tiêu thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, góp phần quan trọng cùng các bộ, ngành thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2016. 

Kết quả quan trọng đầu tiên cần được nhắc tới chính là việc giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Sau 2 năm thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện, hệ thống bệnh viện trong cả nước đã tăng thêm 38.913 giường bệnh thực kê (tăng 17,5% so với năm 2012), tăng 5.102 bàn khám (nâng tổng số bàn khám lên 10.830, gần gấp đôi so với năm 2012), tỷ lệ giường bệnh/vạn dân thực kê đã đạt 28,1 giường, tăng được 3,4 giường so với năm 2012. Nhờ quyết liệt thực hiện cải cách, đổi mới quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh ở tất cả các bệnh viện, đến nay đã giảm thời gian chờ đợi trung bình được 48,5 phút/lượt khám; tiết kiệm được khoảng 27,2 triệu ngày công lao động/năm; 37,5% bệnh viện vệ tinh đã giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên; 25% bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh… 

Bên cạnh đó, kỷ cương trong các cơ sở khám chữa bệnh đã được chấn chỉnh và kiểm soát thông qua việc phát huy hiệu quả đường dây nóng ngành y tế theo 3 cấp. Việc thiết lập trở lại và tổ chức hoàn chỉnh hệ thống tổng đài trực đường dây nóng ngành y tế trên toàn quốc để tiếp nhận các ý kiến bức xúc của người dân liên quan đến khám chữa bệnh đã giúp ngành nắm bắt được nguyện vọng của người dân, kịp thời biểu dương các cá nhân và tập thể y bác sĩ hết lòng vì người bệnh, đồng thời xử lý nghiêm những tiêu cực trong các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, ngành y tế đã kiểm soát và ngăn ngừa không để các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam, như: dịch Ebola, H7N9, H5N6; MERS-CoV, dịch hạch; sản xuất thành công vaccine rota phòng tiêu chảy cho trẻ em; triển khai trên quy mô toàn quốc chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống sởi-rubella… 

Ngành y tế cũng đã tạo được một bước đột phá trong thực hiện bảo hiểm y tế nhằm đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân nhờ việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, bổ sung đối tượng tham gia, quy định các chính sách bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, người trong diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 70,8% (vượt mức đề ra trong Đề án lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là 70% năm 2015)… 

* Phóng viên: Liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người vì vậy công tác y tế luôn chịu sức ép lớn và sự quan tâm của toàn xã hội. Bộ trưởng có thể cho biết về những áp lực và khó khăn mà ngành y phải đối mặt? 

* Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Sự đóng góp của ngành y đối với xã hội là rất lớn nhưng âm thầm nên ít người nhận thấy. Nhìn lại số liệu thống kê cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam vài thập kỷ trước chỉ trên 60 tuổi nhưng nay đã là trên 73 tuổi; tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em đều giảm ngoạn mục trong những năm gần đây. 

Ngành y gắn với mỗi người trong suốt cuộc đời, từ lúc hai hợp tử gặp nhau hình thành bào thai trong bụng mẹ đến lúc từ giã cõi đời; cả lúc khỏe mạnh (cung cấp các dịch vụ bảo vệ sức khỏe) lẫn lúc ốm đau (khám và điều trị bệnh). Đặc thù nghề nghiệp đã khiến ngành y trở thành một ngành đặc biệt luôn phải làm việc trong sự kỳ vọng quá cao của người bệnh với nhiều áp lực, căng thẳng cao độ. 

Trình độ y học của Việt Nam có xuất phát điểm thấp, ngân sách đầu tư cho y tế rất hạn chế mặc dù Nhà nước rất quan tâm và luôn tăng kinh phí nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do những điều kiện khách quan khiến các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân chưa được đảm bảo. Ví dụ như do tình trạng quá đông bệnh nhân nên mỗi ngày các bác sĩ phải khám hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân gây tình trạng mệt mỏi, thái độ không được vui vẻ, không dành được thời gian để tư vấn, hỏi han bệnh nhân. Lương khởi điểm của bác sĩ thấp, thời gian học dài, khó; trong khi mọi người được nghỉ ngơi thì bác sĩ phải trực đêm với nhiều căng thẳng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều tai biến sản khoa là bất khả kháng; ngay cả những nước có nền y học tiên tiến như Mỹ, Nhật, châu Âu, sai sót y khoa vẫn chiếm tỷ lệ cao, gây nên các tai biến và tử vong. 

Ngành y tế Việt Nam còn gặp một phần bất cập trong cơ chế phân cấp, phân quyền quản lý y tế. Theo quy định pháp luật hiện hành, ngành tế được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế, chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách y tế; chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai các chính sách và quản lý cụ thể về con người, cơ sở vật chất ở địa phương cũng như giải quyết những vụ việc xảy ra ở các cơ sở y tế do địa phương quản lý. 

* Phóng viên: Năm 2015 là năm quan trọng thực hiện kế hoạch công tác y tế giai đoạn 2011-2015. Xin Bộ trưởng cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm công tác y tế trong thời gian tới? 

* Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2015 đồng thời với việc thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao, ngành y tế tiếp tục triển khai 7 nội dung công tác trọng tâm đã được đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2011-2015, đặc biệt tập trung triển khai các biện pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện. Bộ Y tế sẽ cùng các bộ, ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng phối hợp, chung tay giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, cải thiện các điều kiện phục vụ người bệnh, nhằm làm hài lòng người bệnh; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; tăng cường y đức, nâng cao sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ y tế. Ngành y tế chủ động dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; mở rộng can thiệp giảm hại, điều trị Methadone, điều trị ARV cho bệnh nhân mắc HIV/AIDS; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, theo dõi và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm về an toàn thực phẩm. 

Đồng thời, Bộ Y tế cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế; tăng cường công tác truyền thông về y tế, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội; tiếp tục thực hiện các giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính hướng tới sự công bằng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ cho người nghèo, các đối tượng chính sách trong khám chữa bệnh; tập trung củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh phổ cập hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân kết hợp với phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao; hiện đại hóa và phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. 

Ngành y tế tiếp tục phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, tập trung vào chất lượng, cơ cấu và phân bố cân đối; bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị hợp lý, an toàn và hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phối hợp liên ngành để đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế trong giai đoạn mới. 

* Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

Thu Phương (thực hiện)

Tin xem nhiều