Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự hy sinh thầm lặng

06:02, 21/02/2015

Nếu như ngày tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi và đi chúc tết người thân, họ hàng thì với những cán bộ, nhân viên làm việc tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật tỉnh, ngày tết vẫn phải làm việc như ngày thường, thậm chí là vất vả hơn.

Nếu như ngày tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi và đi chúc tết người thân, họ hàng thì với những cán bộ, nhân viên làm việc tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật tỉnh, ngày tết vẫn phải làm việc như ngày thường, thậm chí là vất vả hơn.

Ông Võ Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật tỉnh, cho biết dịp này trung tâm đang quản lý, chăm sóc 55 em mồ côi, khuyết tật. Trong đó, 80% trẻ bị bệnh bại liệt, bại não, não úng thủy…; 20% trẻ còn lại bị thiểu năng trí tuệ, tật vận động, không có khả năng tự phục vụ.

Tất bật như ngày thường

Ghé lại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật tỉnh trong những ngày tết hẳn ai cũng cảm nhận được không khí làm việc tất bật của cán bộ, nhân viên ở đây. Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian làm việc của nhân viên tổ chăm sóc trẻ lớn, trẻ nhỏ và tổ y tế làm ca ngày bao giờ cũng bắt đầu từ 6 giờ sáng với công việc như đánh răng, lau người cho trẻ, thay quần áo; cho các em ăn uống; đưa các em đi tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, thay tã, dọn dẹp phòng, xếp khăn, giặt giũ…

Nhân viên tổ chăm sóc trẻ lớn đang cho trẻ ăn cháo.
Nhân viên tổ chăm sóc trẻ lớn đang cho trẻ ăn cháo.

Theo như chia sẻ của ông Võ Ngọc Ẩn thì trung tâm có khoảng trên 40 cán bộ, nhân viên được chia thành 5 tổ (gồm: văn phòng, giáo dục, y tế, chăm sóc trẻ lớn và chăm sóc trẻ nhỏ). Trong những ngày tết, ngoài một số chị em nghỉ hậu sản, còn có một vài người xin nghỉ phép về quê nên công việc ngày thường vốn vất vả nay vất vả hơn cho những người ở lại. Ông Võ Ngọc Ẩn chia sẻ, mặc dù ngày tết nhưng chế độ trực của những nhân viên tổ chăm sóc trẻ lớn và chăm sóc trẻ nhỏ vẫn được duy trì 2 ca (từ 6 giờ đến 6 giờ tối và ngược lại) như ngày thường, mỗi người làm việc 2 ca ngày và một ca đêm sẽ được nghỉ một ngày.

Vì vậy, trong những ngày tết cổ truyền, để vừa hoàn thành công việc ở trung tâm, vừa hoàn thành trách nhiệm với gia đình, cán bộ, nhân viên ở trung tâm đều phải cố gắng gấp đôi, gấp ba để sắp xếp công việc. 15 năm gắn bó với trung tâm cũng đồng nghĩa với 15 cái tết bà Đỗ Thị Tươi vừa đón tết ở nhà, vừa đón tết tại trung tâm. Bà Đỗ Thị Tươi cho biết, công việc của bà là giặt giũ quần áo, tã, khăn… cho trẻ, không giặt thì không có đồ thay cho các em nên ngày nào bà cũng phải có mặt ở trung tâm, chia đồ ra 6-7 lần giặt. Công việc xong xuôi là bà tranh thủ chạy về nhà để lo tết cho cả gia đình.

Không chỉ tất bật với công việc thường ngày, khi trẻ bị bệnh phải nhập viện, một số nhân viên phải túc trực, chăm sóc các em tại bệnh viện.

Làm việc bằng cái tâm

Nói về đội ngũ cán bộ, nhân viên đang làm việc tại trung tâm, ông Võ Ngọc Ẩn cho hay, công việc ở trung tâm vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó nên việc tuyển dụng nhân viên cũng gặp không ít khó khăn. Lực lượng cán bộ, nhân viên trẻ vừa tốt nghiệp ra trường việc gắn bó lâu dài với trung tâm rất ít. Bởi, theo lý giải của ông Võ Ngọc Ẩn thì sau khi tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng, người lao động xin vào làm để có kinh nghiệm và có thời gian học liên thông lên cao đẳng, đại học (kinh phí tự túc). Sau khi có bằng tốt nghiệp ở bậc cao hơn, họ có quyền lựa chọn những nơi làm việc phù hợp và có khả năng phát huy năng lực của mình. Chính vì lẽ đó mà việc tuyển dụng bổ sung lao động làm việc tại trung tâm là rất khó khăn. “Những cán bộ, nhân viên gắn bó với trung tâm không phải vì thu nhập (bởi thu nhập của viên chức ở đây cũng không đáng là bao so với các công việc bên ngoài) mà chủ yếu là họ gắn bó và làm việc vì cái tâm” - ông Ẩn nói.

Nhân viên tổ y tế pha thuốc cho trẻ.
Nhân viên tổ y tế pha thuốc cho trẻ.

Tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng Trường trung cấp Quang Trung (tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Thị Thiết (quê Hà Tĩnh) về làm việc tại tổ chăm sóc trẻ nhỏ được 2 năm nay. Với một người chưa từng chăm sóc trẻ nhỏ, công việc ban đầu với chị không dễ dàng gì. Nhớ lại những ngày đầu mới vào trung tâm, chị Thiết cho biết, công việc mà chỉ cảm thấy khó nhất là cho trẻ ăn. Bởi, trẻ ở trung tâm đa số mắc bệnh bại liệt, bại não, não úng thủy… phải nằm một chỗ nên cho ăn khó hơn những trẻ bình thường, nếu không cẩn thận trẻ dễ bị sặc thức ăn. Trẻ ở trung tâm cũng đặc biệt hơn trẻ khác ở chỗ sức đề kháng kém, nên chỉ cần thời tiết thay đổi là trẻ có thể mắc các bệnh về hô hấp. Những lúc như vậy, không chỉ vất vả chăm sóc mà nếu trẻ phải nhập viện, mình cũng có thể là người túc trực, chăm sóc các em tại bệnh viện. Công việc khó khăn và vất vả là vậy nhưng nhờ sự chỉ bảo của các anh chị đi trước và sự nỗ lực của bản thân, chị Thiết dần quen với công việc. Công việc chăm sóc trẻ ngày tết lại tất bật hơn khi một số chị em nghỉ hậu sản, nghỉ phép trước tết nên tết này chị Nguyễn Thị Thiết đành phải hẹn ăn tết với gia đình ở quê Hà Tĩnh vào ngày mồng 4 tết. “Tết là dịp để đoàn tụ với gia đình, nhưng các em ở trung tâm thì chưa một lần có được niềm hạnh phúc ấy. Cho nên chị ở lại phần vì nhường các chị em khác nghỉ trước, phần còn lại cũng vì muốn góp phần an ủi các em trong những ngày tết” - chị Thiết nói.

Công việc giặt giũ vất vả (mỗi ngày từ 6-7 lần giặt), nhưng bà Đỗ Thị Tươi cũng đã gắn bó với trung tâm được 15 năm nay. Bà Đỗ Thị Tươi, chia sẻ bản thân bà là trẻ mồ côi lớn lên tại cô nhi viện nên bà đã từng ấp ủ ước nguyện được chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn giống mình. 15 năm trở về trước, bà là giáo viên dạy học ở Lâm trường Mã Đà. Sau đó bà xin về làm việc ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật tỉnh và gắn bó đến ngày hôm nay. “Chỉ còn vài tháng nữa là tôi về nghỉ hưu, tâm nguyện của tôi lúc này là cố gắng làm tốt công việc của mình, san sẻ tình yêu thương để các em không tủi phận mồ côi” - bà Tươi bộc bạch.

Nga Sơn

 

 

 

 

Tin xem nhiều