Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi mong sao có được đội ngũ thầy thuốc "mát tay"

07:02, 28/02/2015

Ở cương vị Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hơn 8 năm nay, điều TS.BS Phan Huy Anh Vũ lo lắng nhiều nhất vẫn là tay nghề của người thầy thuốc. Bởi, theo ông, trang thiết bị có hiện đại đến đâu, thì chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điều tiên quyết...

Sinh năm 1967, tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa của Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, về Đồng Nai làm việc từ năm 1991. Năm 2001 thi đậu nghiên cứu sinh tại Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 2015, TS.BS Phan Huy Anh Vũ sẽ cùng các đồng nghiệp “dọn” về nơi làm việc mới - Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới với cơ sở vật chất hiện đại nhất miền Nam, điều mà hàng trăm y bác sĩ và hàng ngàn bệnh nhân mong mỏi suốt nhiều năm.

Ở cương vị là giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hơn 8 năm nay, điều ông lo lắng và tâm tư nhiều nhất vẫn là tay nghề của người thầy thuốc với bệnh nhân. Dù trang thiết bị có hiện đại đến đâu, thì chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điều tiên quyết.

Lo nhất là tay nghề bác sĩ

Có gì khác nhau giữa áp lực của một bác sĩ và một người lãnh đạo bệnh viện, thưa ông?

- Tôi may mắn trải qua nhiều vị trí cả trong công tác chuyên môn lẫn quản lý. Nhưng đến giờ này, điều mà tôi tự rút ra cho mình là làm một người quản lý khó hơn một người làm chuyên môn bình thường trên nhiều phương diện. Một bác sĩ chỉ cần quan tâm đến sức khỏe của bệnh nhân mà mình điều trị trực tiếp và điều chỉnh hành vi, thái độ của mình dựa trên trách nhiệm đó. Nhưng quản lý thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của nhiều người, đặc biệt là ở lĩnh vực nhạy cảm như ngành y. Ngoài ra, còn phải lo lắng đến chuyện cơm áo gạo tiền của cả bệnh viện. Đôi khi, quan điểm của bác sĩ và người quản lý mâu thuẫn nhau và tôi phải tìm ra cách dung hòa tốt nhất.

Ai cũng vui mừng về việc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chuyển về cơ sở mới với trang thiết bị rất hiện đại, tâm tư ông thế nào?

- Mỗi thời điểm, bệnh viện có những khó khăn khác nhau. Ví dụ, giai đoạn 2005-2010 thì bệnh viện thiếu thốn trầm trọng về cơ sở vật chất, thiếu thốn đội ngũ y bác sĩ. Giai đoạn 2010-2015 thì những chính sách về bảo hiểm siết chặt, các bệnh viện phải xoay xở để tìm nguồn tài chính nhằm thu hút nhân lực. Ở giai đoạn này, 2 mục tiêu của chúng tôi là: tập trung xây dựng hoàn thành bệnh viện mới và thu hút, đào tạo nguồn nhân lực của bệnh viện.

Nếu giai đoạn 2005-2010, xã hội hóa ào ạt để có nguồn thiết bị tốt, nay thiết bị tương đối ổn định thì nhân lực, cụ thể là cần một đội ngũ y bác sĩ có tay nghề tốt, và đó là điều làm tôi tâm tư nhất.

Không còn lo lắng về cơ sở vật chất, nhưng điều người dân quan tâm nhất vẫn là tay nghề bác sĩ? Ông đánh giá vấn đề đó ra sao đối với đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hiện tại?

- Hiện tại, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có 250 bác sĩ, trong đó có 71 bác sĩ sau đại học (khoảng 30%). Nói về bằng cấp thì gần như nguồn lực của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khá dồi dào. Tuy nhiên, với ngành y, bằng cấp đôi khi không nói lên được tay nghề, trong khi đó chính là điều người dân quan tâm nhất. Thực tế, người dân chỉ quan tâm đến ông bác sĩ đó có “mát tay” hay không, chứ không quan tâm đến việc người bác sĩ đó có bằng cấp gì, có phải là tiến sĩ hay không.

Một thực tế gần đây là nhiều bác sĩ có bằng cấp khá “lung linh”, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thậm chí tiến sĩ, nhưng lại không được đánh giá cao về mặt tay nghề, và ngược lại. Chẳng hạn, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có bác sĩ Ngô Đức Đễ, chỉ là bác sĩ chuyên khoa 1 thôi, song về tay nghề thì các giáo sư cũng phải công nhận. Theo tôi, có 2 người có khả năng đánh giá tay nghề của người thầy thuốc: một là bệnh nhân, hai là người thầy đã dạy họ.

Chọn nghề y không phải để kiếm tiền, làm giàu

Làm thế nào để cạnh tranh thu hút bác sĩ giỏi khi Đồng Nai chỉ cách TP.Hồ chí Minh gần 30km và hầu hết các sinh viên y khoa đều muốn bám trụ lại TP.Hồ chí Minh sau khi tốt nghiệp?

- Thiếu bác sĩ là tình hình chung của nhiều tỉnh, thành, vùng trong cả nước. Chẳng hạn, đồng bằng sông Cửu Long thiếu gần 30 ngàn bác sĩ, Đồng Nai cũng thiếu cả ngàn bác sĩ. Do đó, toàn ngành y đang tức tốc đào tạo, và tôi lo ngại chỉ 3-4 năm nữa, bác sĩ sẽ phải vác đơn đi xin việc và tôi nghĩ lúc đó sự thanh lọc tay nghề sẽ diễn ra.

Còn bây giờ, chúng tôi buộc phải thích nghi với điều này vì không có cách nào khác. Nước chảy chỗ trũng, hầu hết sinh viên các ngành, không chỉ ngành y, khi ra trường đều muốn làm việc tại TP.Hồ Chí Minh để có nơi làm việc tốt nhất, thu nhập tốt và cơ hội học hỏi nhiều nhất. Không một mệnh lệnh hành chính nào điều khiển được điều này. Vậy nên chúng tôi phải tìm cách thích nghi và xử lý, chẳng hạn tìm cách thu hút người giỏi, đào tạo nâng cao tay nghề... Bệnh viện ngày nào cũng đầy ắp bệnh nhân và họ không thể chờ, dù chỉ một ngày.

Ông nói đến tình trạng tức tốc đào tạo bác sĩ để đáp ứng nhu cầu. Ông có thấy lo ngại không khi ngành nghề va chạm đến sinh mạng con người lại được đào tạo một cách tức tốc?

- Nếu ở cương vị là người đứng đầu ngành y, có lẽ tôi cũng phải chọn phương án này bởi những năm qua nhân sự ngành y quá thiếu. Cho phép nhiều trường mở thêm ngành y dược có lẽ cũng là phương pháp tạm thời để giải quyết tình hình trước mắt.

Tuy nhiên, nhiều trường y dược đang đối diện với cả 2 khía cạnh khó khăn: khủng hoảng về mặt nhân lực, nhiều giáo sư giỏi nghề về hưu nhưng đội ngũ kế cận chưa trưởng thành và thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm... Như đã nói, dù vậy vẫn phải tức tốc đào tạo vì nhu cầu. Có thể tay nghề chưa cao, nhưng phải chấp nhận vì “có còn hơn không”.

Tôi luôn dặn các bác sĩ trẻ là không bao giờ được chủ quan hay xem bệnh nhân phải chịu ơn mình, trái lại phải cảm ơn bệnh nhân vì họ đã cho phép người thầy thuốc học hỏi, nâng cao tay nghề, thử nghiệm trên chính thân thể họ, nếu nhìn ở góc độ nâng cao chuyên môn của bác sĩ. Nếu có cơ hội, người nào cũng muốn chọn ông bác sĩ 30 năm kinh nghiệm chứ không ai muốn chọn người mới chỉ tốt nghiệp 3 năm. Và với nhiều lý do, người bác sĩ trẻ có dịp chữa bệnh với họ là một điều may mắn.

Trong quan niệm của ông, y đức là gì? Ông có khi nào băn khoăn về y đức trong đội ngũ của mình khi đó đây vẫn còn những dư luận về thái độ ứng xử của bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với người bệnh?

- Y đức với tôi, ngoài tình cảm và sự tinh tế của người thầy thuốc với bệnh nhân thì ở góc độ người quản lý, tôi còn cho rằng y đức còn là việc sẵn sàng chia sẻ, chỉ dạy, truyền nghề… cho thế hệ đi sau. Một người bác sĩ mát tay nhưng chỉ giữ kiến thức riêng cho mình, không muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau, thì với tôi cũng không phải là người thầy thuốc tốt.

Không phải bác sĩ nào cũng chăm chăm đến việc nhận phong bì “đền ơn đáp nghĩa” của bệnh nhân. Số đó rất ít. Theo tôi, đã chọn ngành y thì đa phần bác sĩ đều xác định là nghề chữa bệnh cứu người, không phải nghề để kiếm tiền làm giàu và không ai chờ mong nhận tiền từ những bệnh nhân. Vì đây là một nghề đặc biệt nên dù rất ít bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, của các hãng dược... song số ít đó cũng khiến ngành y mang tiếng. Hàng ngàn người vượt đèn đỏ, nhưng ai bị bắt thì phải phạt thật nặng để làm gương. Ở góc độ lãnh đạo, tôi chỉ có thể đề ra nguyên tắc, thường xuyên quán xuyến sát sao quá trình khám chữa bệnh, nhưng tôi không thể “xử lý” dựa theo tin đồn. Với những vi phạm có bằng chứng, tôi phạt rất nặng để làm gương.

Ông muốn chia sẻ gì với chính đội ngũ những người bác sĩ trẻ của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong ngày Thầy thuốc Việt Nam?

- Tôi muốn kể một câu chuyện để chia sẻ với họ, trong ngành y, chuyện học là chuyện suốt đời. Trong suốt 24 năm làm ngành y của mình, đến giờ tôi vẫn day dứt về một bệnh nhân. Cách đây mười mấy năm, khi còn làm trưởng phòng cấp cứu, trong ca trực của mình tôi tiếp nhận một bệnh nhân lớn tuổi. Hôm đó bác nhập viện trong tình trạng bình thường, chỉ hơi mệt. Tôi tiến hành đo điện tim, thấy điện tim bình thường nên có nói với người nhà là “không sao đâu”. Nhưng vừa quay lưng đi thì bệnh nhân ngưng tim tại chỗ và mọi biện pháp cấp cứu đều vô hiệu. Tôi hoang mang, không ăn không ngủ nổi. Tôi mang kết quả điện tim lên gặp các giáo sư của mình ở Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh. Thầy cô cũng trầm ngâm, ngồi soi xét kết quả điện tim rất lâu rồi nói với tôi, trong y khoa, chuyện gì cũng có thể xảy ra! Từ đó về sau này, tôi luôn dặn các bác sĩ trẻ đừng vội vàng đưa ra bất cứ kết luận nào về bệnh tình của bệnh nhân, vì những gì người bác sĩ học được ở trường chỉ là một phần rất, rất nhỏ so với thực tế.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

Tin xem nhiều