Khu vực trước cổng các đình, chùa, khu vui chơi giải trí hay dọc theo nhiều tuyến đường dễ dàng gặp những điểm bán đồ chơi thiếu nhi là đao, kiếm bằng kim loại có kích thước nhỏ, súng bắn đạn nhựa…
Trong dịp tết này, dạo một vòng quanh khu vực trước cổng các đình, chùa, khu vui chơi giải trí hay dọc theo nhiều tuyến đường dễ dàng bắt gặp những điểm bán đồ chơi thiếu nhi là đao kiếm bằng kim loại với kích thước nhỏ, súng bắn đạn nhựa, ná thun…
Tuy là đồ chơi nhưng những viên đạn nhựa cứng được bắn ra từ các loại súng đồ chơi cũng có khả năng gây thương tích và đau đớn cho người bị bắn trúng. Còn các loại đao, kiếm bằng kim loại dù có kích thước nhỏ (chỉ từ 5- 8cm) nhưng với những cạnh sắc và mũi nhọn, nguy cơ làm bị thương là rất lớn.
* Đồ chơi bạo lực đắt hàng
Theo ông Hồ Nhật Nam, chủ của một điểm bán đồ chơi trẻ em tại khu vực phía trước Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh, trong dịp tết này các loại súng bắn đạn nhựa, ná thun, đao kiếm bằng kim loại được trẻ em tìm mua rất nhiều. Những mặt hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, giá tùy thuộc vào lực bắn ra mạnh hay yếu. Rẻ nhất là cây súng ngắn với hình dáng như một cây súng thật với giá 80 ngàn đồng, lực bắn ra của loại súng này tương đối nhẹ. Giá cao nhất là cây súng có hình dáng như một khẩu súng AK thật với lực bắn rất mạnh có thể gây bầm tím nếu bị bắn trúng, giá 550 ngàn đồng. Còn mỗi cây đao, kiếm nhỏ bằng kim loại có giá từ 30-50 ngàn đồng/cái.
Một nhóm trẻ ở ấp Thuận An (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) vô tư đùa nghịch với súng bắn đạn nhựa. |
“Tuy giá cao, nhưng do những ngày tết trẻ em có tiền lì xì nên những loại đồ chơi này vẫn được tìm mua rất nhiều” - bà Trần Thanh Thủy, người bán đồ chơi trẻ em tại địa điểm trước cổng chùa Quan Âm (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom), cho hay.
Để tìm hiểu việc nhiều trẻ em tìm mua và sử dụng các loại súng bắn đạn nhựa, đao kiếm bằng kim loại với kích thước nhỏ mà những người bán hàng chia sẻ, chúng tôi tìm đến một số khu dân cư tại các ấp của huyện Trảng Bom, Thống Nhất và TX.Long Khánh. Tại đây, hình ảnh trẻ em cầm súng nhựa chơi trò bắn nhau hay cả đám xúm lại mân mê cây súng “khủng” hoặc trầm trồ trước hình dáng lạ mắt của cây đao, kiếm nhỏ bằng kim loại khá phổ biến. Em Vòng Cún Sầu (10 tuổi, ngụ ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom), vô tư nói: “Chơi súng vui lắm. Ai có cây súng càng to, lực bắn càng mạnh thì càng oách”.
* Nguy hiểm chực chờ
Trong khi sử dụng những cây súng nhựa để đùa giỡn bằng các trò chia phe bắn nhau hay dùng súng bắn đạn vào những người khác để trêu chọc, người sử dụng là trẻ em đều không thể lường hết được tác hại mà những trò chơi này gây ra.
Súng bắn đạn nhựa được trẻ em tìm mua và sử dụng nhiều trong dịp tết này. |
Ông Lê Văn Hải, ấp Hưng Phát, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho biết: “Từ tết đến nay, trẻ con trong xóm đứa nào cũng cầm súng bắn đạn nhựa tụ tập lại rồi chia phe bắn nhau, có đứa ngồi khóc nức nở vì bị đạn bắn trúng vào mặt, cổ, tay. Vào sáng mùng 2 tết, có trẻ khi đang chơi, bắn súng với nhau thì bị đạn nhựa bay trúng mắt, nhưng rất may chỉ trúng vào phần mí mắt nên mắt chỉ bị sưng húp”.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết cùng với việc ra quân chấn chỉnh tình trạng buôn bán văn hóa phẩm độc hại, mê tín dị đoan, tệ nạn ăn xin chèo kéo du khách... thì hoạt động mua bán đồ chơi bạo lực cũng là một trong những nội dung được Đội Thanh tra liên ngành 814 tiến hành thanh, kiểm tra trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Hoạt động thanh kiểm tra này diễn ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, khu vực xung quanh các di tích, đền, chùa trong tỉnh. Quá trình thanh, kiểm tra Đội Thanh tra liên ngành 814 đã tiến hành vận động nhiều trường hợp không tiếp tục tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, đồng thời cũng đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Thời gian tới, Đội Thanh tra liên ngành 814 sẽ tiếp tục thực hiện công tác thanh kiểm tra các hoạt động này trên địa bàn tỉnh. |
Để bảo vệ con em, nhiều phụ huynh đã nghiêm cấm các em tiếp cận với loại đồ chơi này. “Thấy trẻ em trong xóm bắn súng vào người nhau mà tôi cứ sợ. Tôi cấm ngặt các con không được mua súng chơi, hay thấy chỗ nào có bắn súng thì tránh xa ra” - ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Cáp Rang, xã Suối Tre, TX.Long Khánh), cho hay.
Tuy nhiên, việc ngăn cấm cũng không phải là cách giải quyết tốt, bởi với độ tuổi hiếu động của trẻ em thì những gì người lớn càng ngăn cấm càng tạo ra sự tò mò và lén lút tìm hiểu bằng nhiều hình thức. Vậy nên, cách tốt nhất để giúp trẻ tránh xa và không sử dụng các loại đồ chơi bạo lực này chính là phụ huynh cần phân tích những tác hại mà các đồ chơi bạo lực có thể gây ra, đồng thời kiểm soát tiền lì xì của trẻ. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần có chế tài xử phạt và thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng mua bán những đồ chơi bạo lực và nguy hại này.
Văn Truyên