Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi vào vùng dịch Mers...

11:06, 10/06/2015

Hàn Quốc là quốc gia ngoài Trung Đông đang "nóng" bởi tình hình dịch bệnh Mers-CoV. Tuy nhiên, phần lớn người dân Hàn Quốc không tỏ ra quá lo ngại dịch bệnh này nhờ  được thông tin đầy đủ và chính xác...

Hàn Quốc là quốc gia ngoài Trung Đông đang “nóng” bởi tình hình dịch bệnh Mers-CoV. Tuy nhiên, phần lớn người dân Hàn Quốc không tỏ ra quá lo ngại dịch bệnh này bởi  được thông tin đầy đủ và chính xác về độc lực, đường lây nhiễm cũng như mức độ lây nhiễm của Mers. Điều này được chứng minh trên đường phố Seoul - nơi đã xuất hiện dịch bệnh, nhưng rất ít người dân mang khẩu trang…

Ít người đeo khẩu trang ở Hàn Quốc. Ảnh: P.Liễu
Ít người đeo khẩu trang ở Hàn Quốc. Ảnh: P.Liễu

Sau ca đầu tiên nhiễm Mers-CoV được phát hiện gần 3 tuần qua, diễn biến dịch Mers ở Hàn Quốc đang trở nên nghiêm trọng. Nhiều quốc gia lân cận có thông thương với nước này đã đặt báo động về tình trạng có thể dịch Mers sẽ xâm nhập bởi những người đến từ Hàn Quốc và Trung Đông.

Dân Hàn không sợ Mers?

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không nên đến những quốc gia này và đã lập những chốt kiểm soát dịch bệnh tại những khu vực nhập cảnh. Tuy nhiên, chính người dân Hàn Quốc - ngay cả trong vùng dịch - lại khá bình tĩnh với việc phòng dịch.

Tính đến hết ngày 10-6, Hàn Quốc có 108 người mắc, 9 người tử vong và khoảng 2.300 người đã bị cách ly do có tiếp xúc với bệnh nhân Mers. Gần 2 ngàn trường học tại Hàn Quốc đã tạm đóng cửa.

Có mặt tại Seoul, theo ghi nhận của chúng tôi, trên đường phố cũng như trong các trung tâm thương mại, bến xe, công viên, nhà ga tàu điện… mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Rất ít người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang, nếu có chủ yếu là khách du lịch châu Á. Ngay cả nhóm nhà báo Việt Nam đến Hàn Quốc dự hội nghị các nhà báo khoa học thế giới lần thứ 9 (diễn ra tại Seoul) cũng từng trong tình trạng bất an khi mới đến nên mọi người đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi, nhưng rồi tâm trạng lo âu cũng qua mau. Gần 1,5 ngàn nhà báo, nhà khoa học tham gia hội nghị mà số người đeo khẩu trang đếm chưa đầy một bàn tay. Trung tâm hội nghị nằm trong COEX Plaza tại thủ đô Seoul, người đi mua sắm rất đông đúc, nhưng rất ít người đeo khẩu trang. Trong khi trước đó, chúng tôi được một số chuyên gia y tế Việt Nam khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, dùng thêm nước sát khuẩn tay nhanh, nước sát khuẩn cho miệng và mắt để phòng tránh lây nhiễm Mers.

Trao đổi với Lee Young Ae, nhân viên bán quần áo tại COEX Plaza về dịch Mers, cô cho biết truyền hình có đưa tin về những vùng, những bệnh viện có dịch Mers và bệnh nhân tử vong do dịch, nhưng cô không hoang mang. “Các con tôi vẫn đi học, chồng và tôi vẫn đi làm bình thường. Có điều chúng tôi tránh đi vào những vùng đang có dịch, không đến 24 bệnh viện có bệnh nhân nhiễm Mers đã được Bộ Y tế và phúc lợi công bố tên. Bản thân tôi hàng ngày tiếp xúc với rất đông người đi mua sắm trong plaza, nhưng tôi  không  lo lắng vì đã được các chuyên gia y tế cho biết bệnh Mers không dễ lây lan và đáng sợ như dịch Sars” - Lee Young Ae cho biết.

Ông Jung Hong Park, người bán đồ lưu niệm trên phố ở Seoul nói: “Chúng tôi được các bác sĩ khuyến cáo tránh xa vùng có dịch. Chúng tôi cũng biết rằng virus bệnh Mers không dễ lây qua các tiếp xúc thông thường  trong cộng đồng, trừ phi có tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Những người mắc bệnh có khả năng lây nhiễm cao cũng là những người  bệnh nặng đã được quản lý trong các bệnh viện. Trong thời gian ủ bệnh, Mers không lây cho người khác. Hiểu đúng về dịch bệnh nên tôi không quá lo lắng”.

Chủ động ứng phó với dịch

Hiện nay tại các nhà vệ sinh công cộng, trong các nhà hàng, khách sạn, khu vực tổ chức sự kiện… cũng có xây dựng quy trình ứng phó, có bảng khuyến cáo phòng bệnh, có sẵn xà bông và nước sát khuẩn tay nhanh, nhưng không phải ai cũng sử dụng.

Sáng 9-6, hội nghị các nhà báo khoa học thế giới dường như “nóng” hơn bởi các phiên thảo luận, tranh cãi liên quan đến dịch bệnh Mers-CoV. Ông Kee Jong Hong, Giám đốc Viện Pasteur Hàn Quốc, cho biết: “Do cấu trúc khác với virus Sars nên Mers không lây lan nhiều trong không khí mà ở trong cơ thể con người rất lâu, khi gặp thuận lợi (sức đề kháng cơ thể kém) sẽ phát tác. Và chỉ khi người bệnh ho, các hạt nước bọt văng ra với điều kiện đủ số lượng và virus đủ mạnh mới có thể lây bệnh cho người khác”.

Ông Sung Han Kim, Giám đốc Viện Dịch tễ Hàn Quốc, so sánh virus Sars có cấu trúc lây nhiễm mạnh với 79% khả năng lây, còn cấu trúc của Mers chỉ có 20% khả năng lây và chủ yếu lây nhiễm trong bệnh viện khi người bệnh Mers điều trị nằm chung khoa phòng với người bệnh khác. Các chuyên gia y tế đã dựa vào bệnh án của người bệnh và điều tra từ các bệnh nhân cho thấy không có sự lây lan trong cộng đồng. Song ông khuyến cáo cũng nên mang khẩu trang khi nhiễm cúm, vì đối tượng đang nhiễm cúm thì dễ lây hơn.                 

Bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng nhận định dịch bệnh Mers không giống như dịch Sars, do đó báo chí cần truyền thông đúng, chính xác và khoa học, không nên làm người dân hoang mang như đối với dịch bệnh Ebola vừa qua.

Theo ông Sung Han Kim, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một hệ thống để kiểm soát dịch bệnh, xây dựng những hệ thống cung cấp thông tin khẩn cấp cho từng cá nhân người dân, xây dựng các biện pháp dự phòng trong bệnh viện, đồng thời tiến hành nghiên cứu dịch tễ. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã chuẩn bị công nghệ để chẩn đoán, thuốc chống lại virus và tăng cường hệ thống chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện.

Hiện mỗi ngày Hàn Quốc ghi nhận từ 8-10 bệnh nhân nhiễm Mers mới. Tuy đã có quy trình, chiến dịch ứng phó, song dịch bệnh Mers cũng đang làm xứ sở Kim Chi gặp tổn thất lớn về xếp hạng tín dụng, du lịch cũng như những hình ảnh quốc gia.

Phương Liễu
(viết từ Seoul, Hàn Quốc)

 
 

 

 

Tin xem nhiều