Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

09:07, 07/07/2015

Theo thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, từ năm 2004 đến 2014, chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con đã cứu hơn 10 ngàn trẻ không bị lây nhiễm HIV. Tại Đồng Nai, đã có hàng chục trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ có HIV do được điều trị dự phòng tại các phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) cho người có HIV/AIDS trong tỉnh.

Theo thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, từ năm 2004 đến 2014, chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con đã cứu hơn 10 ngàn trẻ không bị lây nhiễm HIV. Tại Đồng Nai, đã có hàng chục trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ có HIV do được điều trị dự phòng tại các phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) cho người có HIV/AIDS trong tỉnh.

Một phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang được nhân viên y tế Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm sang con. Ảnh: Ngọc Thư
Một phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang được nhân viên y tế Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm sang con. Ảnh: Ngọc Thư

Chị H.P., ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết khi đi khám thai, chị làm xét nghiệm HIV và biết mình nhiễm. Chị cũng không quá bất ngờ vì bản thân đã có gần 10 năm chích ma túy, nhưng chị rất hoang mang khi nghĩ đến tương lai của con mình. Rất may, nhờ tư vấn của các bác sĩ tại bệnh viện, chị tham gia chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Nhờ vậy, con của chị khi sinh ra đã không nhiễm HIV.

* Tìm được phao cứu sinh

Chị P. chia sẻ, chỉ cách đây 1 năm, chị từng sống những tháng ngày cô độc, bị người thân xa lánh do những cơn vật vã khi nghiện ma túy. Dù chị đã được cai nghiện nhiều lần nhưng khi ra khỏi trại cai nghiện thì đâu lại vào đấy. Gia đình của chị cũng vì vậy mà tan nát. Nhưng từ khi biết mình có thai và biết sẽ có phương pháp điều trị để không lây nhiễm HIV sang con, chị như tìm được phao cứu sinh cho cuộc đời mình.

Chị P. đã tích cực đến điều trị dự phòng tại OPC thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai với hy vọng con sẽ không bị nhiễm HIV từ mẹ. Và chị là một trong hàng chục bà mẹ nhiễm HIV đang điều trị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con tại các OPC trong tỉnh đã có được may mắn khi sinh ra con khỏe mạnh, bình thường. Hiện nay, chị đang điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone và đã không còn sử dụng ma túy. “Tôi quyết tâm cai nghiện ma túy để sống khỏe mà nuôi con” - chị P. chia sẻ.

 Theo thông tin từ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai, trong năm 2014, 27/29 bà mẹ có kết quả xét nghiệm nhiễm HIV tham gia chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con của tỉnh đã sinh con không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Riêng trong quý I-2015, trong 5 trường hợp mẹ nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng thì có 3 trẻ được sinh ra không nhiễm HIV, còn 2 trẻ chưa có kết quả do phải làm thêm một số xét nghiệm để khẳng định có nhiễm HIV hay không.  

* Điều trị dự phòng càng sớm càng tốt

Hiện nay, chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con của tỉnh được triển khai tại 13 điểm nhằm tư vấn và xét nghiệm, tầm soát HIV cho tất cả các phụ nữ mang thai với mục tiêu là điều trị dự phòng nhiễm HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt. Riêng việc điều trị dự phòng cho cả mẹ và bé bằng phác đồ B+ và thuốc ARV đang được triển khai tại 6 phòng khám OPC của tỉnh đặt tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện đa khoa Biên Hòa, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai và Bệnh viện da liễu Đồng Nai.

Mục tiêu của chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (giai đoạn 2011-2015) là 80% phụ nữ mang thai được xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm. 95% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được dùng thuốc ARV cho dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. 90% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ vẫn được chăm sóc và điều trị tiếp tục.

Th.S Cao Kim Thoa, Phó trưởng phòng Truyền thông, Cục Phòng, chống HIV/AIDS khuyến cáo, tình hình dịch HIV hiện nay đang có xu hướng gia tăng số phụ nữ nhiễm HIV, từ đó gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khi không có điều trị dự phòng rất cao, chiếm từ 15-45%. Do đó, phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở bất cứ giai đoạn nào phải điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, hiện nay chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đang đối diện với nhiều khó khăn. Theo đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tiếp cận với các biện pháp điều trị dự phòng còn thấp; phụ nữ nhiễm HIV tiếp cận với các biện pháp điều trị dự phòng còn chậm. Do đó, trong năm 2015, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông, nhất là các hoạt động truyền thông trực tiếp tại các bệnh viện, cơ sở y tế; qua các đợt thăm hỏi các gia đình có phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đồng thời, tại các OPC sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ họ.    ..

 Ngọc Thư

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều