Với quyết tâm sẽ xóa sạch nạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu, chỉ trong thời gian ngắn Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN) Đồng Nai đã chỉ đạo các cán bộ trẻ thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng vạch mặt 61 trạm xăng dầu gian lận, phạt hành chính với số tiền "khủng" lên đến trên 6 tỷ đồng.
Với quyết tâm sẽ xóa sạch nạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu, chỉ trong thời gian ngắn Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN) Đồng Nai đã chỉ đạo các cán bộ trẻ thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng vạch mặt 61 trạm xăng dầu gian lận, phạt hành chính với số tiền “khủng” lên đến trên 6 tỷ đồng.
Chị Đỗ Ngọc Thanh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường -chất lượng hóa trang đi mua xăng dầu về kiểm tra số lượng và chất lượng. (Ảnh do Sở KH- CN cung cấp) |
Theo PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN: “Chúng tôi không vui mừng vì số tiền phạt qua những vụ phát hiện trạm xăng dầu gian lận, điều quan trọng nhất là chúng tôi đã “điểm trúng huyệt” nạn gian lận xăng dầu gây nhức nhối nhiều năm nay. Không dừng lại ở đó chúng tôi còn tìm ra phương thuốc đặc trị cho nạn gian lận này, giúp cho người tiêu dùng an tâm mỗi lần mua xăng dầu”.
* Đủ mánh khóe
Người được giao nhiệm vụ đi vạch mặt các trạm xăng dầu gian lận là chị Đỗ Ngọc Thanh Phương, một cán bộ trẻ (35 tuổi) đảm nhiệm chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng từ tháng 3-2015. Chị Phương cho biết, gian lận xăng dầu có 2 dạng chính là gian lận về số lượng và chất lượng, nhưng lại có vô số chiêu thức để vừa móc được túi người tiêu dùng, vừa qua mắt các cơ quản lý. Vấn nạn gian lận xăng dầu càng đặc biệt tinh vi, khó phát hiện hơn khi chủ trạm xăng dầu dùng công nghệ cao để gian lận, khiến việc ngăn chặn của các cơ quan chức năng càng khó khăn.
Để gian lận về số lượng, mánh khóe phổ biến hiện nay là cài đặt song hành hai chương trình đo lường chuẩn và đo lường gian lận vào IC (chíp) gắn trên bo mạch đo đếm của trụ bơm. Khi “có biến” nhân viên chỉ cần bấm nút điều khiển là chương trình đo lường gian lận bị xóa ngay, đồng thời chương trình đo lường chuẩn sẽ khởi động ngay lập tức. Trong khi đó muốn gian lận về chất lượng, trạm xăng dầu thường dùng bồn chìm hoặc nổi có hai ngăn chứa, gồm một ngăn chứa xăng dầu chuẩn, ngăn còn lại chứa xăng dầu kém chất lượng. Bồn chứa được nối ngầm với trụ bơm bằng hai đường ống có van khóa vặn. Khi có cơ quan kiểm tra, nhân viên sẽ vặn van ở đường ống dẫn xăng dầu chuẩn bán cho khách, còn bình thường sẽ vận hành van đường ống xăng dầu kém chất lượng để bán cho khách.
Nhiều thiết bị công nghệ cao dùng để lập trình điều khiển từ xa để gian lận số lượng xăng dầu. (Đồ họa: Công Nghĩa) |
Bồn chứa xăng dầu được thiết kế 2 ngăn và 2 đường ống song song dẫn đến trụ bơm. Chỉ khi có đoàn kiểm tra sẽ vận hành đường ống chất lượng để bơm cho khách. (Đồ họa: Công Nghĩa) |
Nói về lợi nhuận của những chiêu trò gian lận xăng dầu, anh Đoàn Minh Hải, Phó phòng Quản lý đo lường (thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng), cho hay khi chủ trạm xăng dầu cài đặt chương trình gian lận vào chíp đo đếm thì số lượng gian lận muốn bao nhiêu tùy ý. Thực tế, mức gian lận thường cài đặt là từ 8 đến 10%, thậm chí là 15% lượng xăng dầu mỗi lần bán cho khách. Với tỉ lệ gian lận như trên, khách càng mua số lượng càng nhiều thì càng bị móc túi với số tiền lớn. Anh Hải cho biết thêm: “Với một trạm xăng dầu lớn có 8 trụ bơm thì số tiền gian lận của khách có thể lên tới vài chục tới cả trăm triệu đồng mỗi ngày, thậm chí còn cao hơn cả lợi nhuận mà các công ty chiết khấu cho trạm xăng dựa trên số lượng xăng dầu bán được”.
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng lập biên bản vi phạm về hành vi gian lận của một trạm xăng dầu. (Ảnh do Sở KH-CN cung cấp) |
Nạn gian lận xăng dầu cả về số lượng lẫn chất lượng khiến khách hàng bị thiệt đơn thiệt kép. Cụ thể, khách hàng không chỉ chịu thiệt về tiền bạc khi bị trạm xăng dầu đóng thiếu số lượng mà phương tiện, máy móc của khách khi sử dụng xăng dầu kém chất lượng dễ bị hỏng hóc, kém năng suất. Nguy hiểm hơn cả là khi mua phải xăng dầu chất lượng kém, các phương tiện như xe gắn máy, xe ôtô có thể bốc cháy khi đang chạy trên đường. Theo các cán bộ thuộc Chi cục tiêu chuẩn đo lường - chất lượng, thời gian qua có rất nhiều vụ xe gắn máy và ôtô bị cháy có thể xuất phát từ nguyên nhân mua phải xăng dầu kém chất lượng.
Với sự gian lận ngày càng chuyên nghiệp của các trạm xăng dầu thì phương pháp kiểm tra hành chính “cổ điển” là mặc đồng phục ngành, đi xe biển số xanh công vụ đến kiểm tra các cây xăng sẽ không còn nhiều tác dụng, thậm chí còn làm trò cười cho các trạm xăng dầu gian. Anh Nguyễn Minh Thăng, Phó phòng Tổng hợp thuộc Chi cục tiêu chuẩn đo lường - chất lượng, cho biết: “Các trạm xăng dầu gian lận luôn trong tư thế cảnh giác cao độ, nếu có dấu hiệu bị kiểm tra thì chỉ cần 3 giây là xóa được dữ liệu chương trình đo lường gian lận và khởi động chương trình đo lường chuẩn để đối phó. Thậm chí chủ trạm xăng dầu có thể dùng một chiếc điện thoại iPhone cài phần mền gian lận ngồi xa cả cây số vẫn điều khiển được lượng đo lường của tất cả các trụ bơm theo ý muốn”.
* Những cuộc vạch mặt bất ngờ
Các trạm xăng dầu gian lận thường có thủ đoạn rất tinh vi, do đó các cán bộ của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng đã phải áp dụng hình thức kiểm tra đặc thù đã được Bộ KH-CN cho phép. Chị Phương cho biết: “Trước khi đến kiểm tra bất ngờ các trạm xăng tôi đều là người thân chinh hóa trang thành người đi buôn xăng lẻ để mang về đo kiểm xem lượng và chất của cây xăng đó có đủ không”. Trong quá trình mua xăng, chị Phương thậm chí còn tranh thủ giả vờ xin đi nhờ nhà vệ sinh để có dịp vào sâu phía sau cây xăng quan sát, nắm được sơ đồ bố trí của bồn chứa, đường ống dẫn xăng dầu ra trụ bơm, cầu dao điện để về vạch kế hoạch tác chiến cho mọi người dễ hình dung những vị trí cần quan trọng khi kiểm tra.
Xăng dầu của một doanh nghiệp được mua về, sau đó được cán bộ tiến hành đo kiểm (Ảnh: Công Nghĩa) |
Chị Phương chia sẻ, bí mật, bất ngờ, tập trung cao độ là những yếu tố đảm bảo 95% cơ hội vạch mặt thành công trạm xăng gian lận ngay trong lần đầu ra quân mà không phải tốn công kiểm tra lại lần hai. Khi các thông tin trinh sát đầy đủ, kế hoạch chu đáo, chị Phương sẽ chọn thời điểm phù hợp để triệu tập các cán bộ trong chi cục lên xe đi làm nhiệm vụ. Thời gian đi kiểm tra có thể không phải giờ hành chính, có khi đang giữa buổi trưa nắng gắt hay sáng sớm tinh mơ. Thay vì đi xe công vụ, các cuộc kiểm tra của đoàn đều sử dụng xe biển trắng thuê bên ngoài. Khi mọi người có mặt đầy đủ trên xe cùng với công cụ đo lường cần thiết, tắt và giao nộp toàn bộ điện thoại cho trưởng đoàn, chị Phương mới chính thức tiết lộ danh tính cây xăng sẽ đến kiểm tra. Chính nhờ trinh sát kĩ, chuẩn bị kế hoạch tỉ mỉ và kiểm tra bất ngờ nên phần lớn các trụ cây xăng khi bị kiểm tra đều không kịp trở tay, lộ nguyên hình mánh khóe làm ăn bất chính.
Chỉ trong thời gian 4 tháng đầu năm 2015, Chi cục Tiêu chuẩn đo lương - chất lượng thuộc Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai đã bắt quả tang 61 cây xăng vi phạm quy định về đo lường và chất lượng, lập biên bản xử phạt trên 6 tỷ đồng. Số tiền phạt gian lận các trạm kinh doanh xăng dầu 4 tháng đầu năm 2015 đã tăng đột biến, gấp 10 lần so với năm 2014, tăng hơn 7 lần so với giai đoạn 2010-2014. |
Tuy vậy không phải trăm trận xuất quân đều trăm trận thắng. Chị Phương cho hay, có trạm xăng dầu các cán bộ của chi cục phải kiểm tra tới 4 lần mới buộc chủ trạm tâm phục khẩu phục. Chị Phương kể lần cuối kiểm tra cây xăng dưới chân cầu Hóa An: “Khi bất ngờ bị kiểm tra nhân viên vội quăng cần bơm xuống đất để chạy vào ngắt cầu dao điện hòng xóa chương trình gian lận, nhưng nhanh như cắt tôi liền chộp tay nhân viên trạm xăng”. Hay tại một trạm xăng tại xã Tam An (huyện Long Thành), do trạm xăng này liên tục thay đổi vị trí đặt cầu dao điện so với vị trí đoàn trinh sát được ban đầu nên tới lần thứ 5 đoàn mới bắt được quả tang hành vi gian dối.
Chủ các trạm xăng dầu thường là những người có địa vị, có điều kiện kinh tế, có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Do vậy khi đoàn kiểm tra bắt quả tang chủ các trạm xăng đã dùng đủ mọi cách, từ mềm mỏng tới hù dọa. Có chủ trạm không ngần ngại dùng nhiều tiền để đoàn bỏ qua cho hành vi vi phạm, thậm chí khi đã bị lập biên bản chủ trạm vẫn tìm mọi cách “chạy vạy” để không bị phạt và bị mất uy tín với khách hàng. Chị Phương chia sẻ: “Quá trình kiểm tra và bắt quả tang trạm xăng dầu vi phạm chúng tôi chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên lãnh đạo sở đã quán triệt nhất quán là không có “vùng cấm” nên chúng tôi cương quyết làm cho tới cùng”.
Theo tiết lộ của PGS.TS Phạm Văn Sáng, sau việc một loạt các trạm xăng dầu gian lận bị vạch mặt đã gây rúng động cho nhiều trạm xăng dầu khác trong và ngoài tỉnh có hành vị tương tự nhưng chưa bị phát hiện. Đây là việc làm được người tiêu dùng rất hoan nghênh, đặc biệt là với các trạm xăng lâu nay làm ăn chân chính càng vui mừng vì sở đã góp phần tạo môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch và công bằng. Tuy nhiên thời gian qua Sở KH-CN cũng đã nhận được rất nhiều thư, tin nhắn các một số cây xăng phản đối việc làm này của sở. Thậm chí có thư và tin nhắn gửi đến còn ngang ngược cho rằng, gian lận xăng dầu tỉnh nào chẳng có, tỉnh Đồng Nai đi tiên phong làm vậy chẳng khác nào tự “bôi xấu” mình với cả nước...
Công Nghĩa