Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ phạt tù nếu trốn đóng, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội

09:12, 10/12/2015

Từ ngày 1-7-2016, khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì những hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được xem là tội hình sự và sẽ bị xử phạt khá nặng.

Từ ngày 1-7-2016, khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì những hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được xem là tội hình sự và sẽ bị xử phạt khá nặng.

 Cán bộ Phòng Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi doanh nghiệp giải thể.
Cán bộ Phòng Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi doanh nghiệp giải thể.

Theo BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 11-2015, toàn tỉnh có 600 đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng. Đáng chú ý có 61 doanh nghiệp nợ 6,3 tỷ đồng tiền BHXH, sau đó chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

* Nợ bảo hiểm xã hội - nợ khó đòi

Thời gian gần đây, BHXH Đồng Nai đã phát đơn khởi kiện 3 doanh nghiệp còn nợ BHXH của người lao động. Ngoài ra, cơ quan này tiếp tục hoàn tất hồ sơ để kiện 100 doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ đọng BHXH ra tòa. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ tiền BHXH, BHYT, BHTN vào lương của người lao động, nhưng “ém” lại không đóng các khoản này như quy định. Chính vì vậy, khi công ty phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, mục tiêu đến cuối năm 2015 đơn vị sẽ có những giải pháp để kéo số nợ BHXH của các công ty, đơn vị sử dụng lao động với số tiền trên 443 tỷ đồng xuống còn dưới 300 tỷ đồng. Việc làm này được xem là khá nan giải khi mà nhiều doanh nghiệp đang là “con nợ” bảo hiểm lâu năm với hàng chục tỷ đồng; không ít đơn vị chưa thanh toán công nợ BHXH cũ lại tiếp tục chất chồng nợ mới. Trong danh sách nợ BHXH thời gian qua có gần 400 doanh nghiệp ngoài quốc doanh; 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là các đơn vị Nhà nước hoặc ngoài công lập.

Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thông qua, quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi này mà còn tái phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm.

Thống kê mới đây cho thấy từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã kiểm tra hơn 200 doanh nghiệp trong tổng số trên 2.400 doanh nghiệp có nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Hiện có 21 đơn vị nợ BHXH đã bị kiện ra tòa nhưng tiếp tục phát sinh nợ mới với tổng số tiền nợ trên 125 tỷ đồng. Trước tình hình doanh nghiệp không thực hiện nộp BHXH, ông Nguyễn Văn Chuông, Phó trưởng phòng hành chính (BHXH tỉnh), cho rằng Đồng Nai là tỉnh có đông doanh nghiệp, do tình hình nợ BHXH quá nhiều đã ảnh hưởng rất lớn tới an sinh xã hội cũng như an ninh trật tự. Theo ông Chuông, thời gian qua việc phối hợp giải quyết giữa cơ quan chức năng với các doanh nghiệp nợ ngày càng khó khăn khi chủ doanh nghiệp cố tình lẩn tránh. Biện pháp cuối cùng là kiện ra tòa và đơn vị nợ BHXH đều bị buộc thực hiện trả nợ BHXH theo phán quyết của tòa án, song nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình không trả nợ BHXH. Do đó, biện pháp cần thiết là phải có một chế tài nghiêm ngặt hơn.

* Không còn là quan hệ dân sự

Lâu nay, khái niệm về quan hệ BHXH là “quan hệ dân sự 3 bên”. Vì thế, nhận thức đối với chủ trương về BHXH được hiểu: “không đóng không hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít” nên không phù hợp với xã hội tiến bộ. Thực ra, mục đích đóng BHXH là sự san sẻ giữa số đông người có thu nhập cho số ít người gặp rủi ro. Đối với BHXH, Nhà nước quy định người sử dụng lao động phải chủ động trích 6% tiền lương tháng của người lao động. Do đó, tình trạng chủ doanh nghiệp tự ý “bỏ túi” tiền BHXH thì không thể cho là “nợ” BHXH, mà phải quy trách nhiệm là “trốn” hoặc “chiếm đoạt”. Vì vậy, hành vi này đã được Quốc hội thống nhất quy vào là hành vi hình sự.

Cụ thể, các hành vi dẫn đến phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm các hành vi sau: trốn đóng BHXH từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng BHXH cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, gồm: phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng BHXH từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng BHXH cho từ 50 người đến dưới 200 người.

Cũng theo lãnh đạo BHXH tỉnh, việc đưa hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN vào luật để xử lý hình sự là một tiến bộ rất lớn, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với những trường hợp xâm hại quyền lợi người lao động.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều