Có nhiều bệnh lý liên quan đến đau ngực, đau bụng dữ dội, trong số đó có một loại bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời, đó là bệnh phình động mạch chủ. Phình động mạch chủ xảy ra khi thành một đoạn của động mạch này bị suy yếu dẫn đến giãn lớn hơn 50% đường kính bình thường.
Có nhiều bệnh lý liên quan đến đau ngực, đau bụng dữ dội, trong số đó có một loại bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời, đó là bệnh phình động mạch chủ. Phình động mạch chủ xảy ra khi thành một đoạn của động mạch này bị suy yếu dẫn đến giãn lớn hơn 50% đường kính bình thường. Đoạn nào của động mạch chủ cũng có thể bị phình, tuy nhiên tần suất gặp ở động mạch chủ bụng là nhiều nhất (tương đương 70%). Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh phình động mạch chủ do hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu...
Phình động mạch chủ thường phát triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện sớm. Phần lớn các trường hợp được phát hiện tình cờ qua khám tổng quát hoặc đi khám vì một bệnh khác. Khi khối phình đủ lớn, có thể có các dấu hiệu sau: trường hợp bị phình động mạch chủ ngực sẽ cảm thấy nặng ngực, đau ngực hoặc đau lưng, khàn tiếng kéo dài, khó nuốt, khó thở, ho ra máu. Trường hợp phình động mạch chủ bụng sẽ thấy đau tức bụng âm ỉ, có thể sờ thấy khối ở bụng đập theo nhịp tim.
Vỡ khối phình là biến chứng rất nặng và nguy hiểm nhất. Khối phình vỡ có thể gây tử vong do tình trạng mất máu cấp. Những nguyên nhân có thể làm vỡ khối phình là chấn thương, huyết áp cao không kiểm soát. Các biểu hiện vỡ khối phình bao gồm: đau ngực dữ dội xuất hiện đột ngột, lan ra sau lưng đối với phình động mạch chủ ngực; đau bụng nếu vỡ phình động mạch chủ bụng. Ngoài ra, còn có các triệu chứng: khó thở nhiều, da xanh nhợt, ngất, tụt huyết áp. Khi có những biểu hiện như trên cần đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Tùy thuộc vào kích thước, hình dạng và tốc độ phát triển của khối phình mà bác sĩ quyết định thái độ và phương pháp điều trị là theo dõi và uống thuốc hay phải phẫu thuật cấp cứu. Nếu khối phình động mạch chủ có kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ đề nghị tiếp tục theo dõi và uống thuốc cũng như điều chỉnh lối sống để điều trị các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra định kỳ kích thước khối phình mỗi 6 tháng để đánh giá sự lớn lên của khối phình và nguy cơ vỡ bằng siêu âm hoặc chụp CT scan.
Khi khối phình lớn hơn 5,5 cm trên phim chụp CT, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật để ngăn ngừa nguy cơ vỡ khối phình. Có 2 phương pháp phẫu thuật chính sau: phẫu thuật mở hoặc đặt giá đỡ (stent graft) động mạch chủ. Trường hợp phẫu thuật hở, bệnh nhân được mổ hở để thay đoạn động mạch chủ bị phình bằng mạch máu nhân tạo. Đối với phình động mạch chủ ngực, phẫu thuật cần sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo. Đây là phẫu thuật lớn, tác động tới toàn bộ các cơ quan trong cơ thể nên thời gian hồi phục sau mổ thường kéo dài.
Riêng kỹ thuật đặt stent graft là phẫu thuật mới, ít xâm lấn. Đường mổ nhỏ ở đùi, không cần mổ ngực hay bụng. Người bệnh có thể chỉ cần được gây tê tại chỗ, tỉnh táo hoàn toàn trong khi mổ. Từ đường mổ ở đùi, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào lòng mạch máu lên đến vị trí khối phình. Stent graft sẽ được bung ra để máu không còn lưu thông vào khối phình nữa, từ đó loại bỏ nguy cơ vỡ. Phẫu thuật ít ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, ít đau, ít biến chứng và thời gian hồi phục ngắn hơn.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng
Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai