Hôm nay 15-8, học sinh bậc tiểu học trong tỉnh tựu trường, còn học sinh bậc THCS, THPT bắt đầu ngày học đầu tiên của chương trình học kỳ I năm học 2016-2017.
Hôm nay 15-8, học sinh bậc tiểu học trong tỉnh tựu trường, còn học sinh bậc THCS, THPT bắt đầu ngày học đầu tiên của chương trình học kỳ I năm học 2016-2017.
Học sinh Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) háo hức bắt đầu năm học mới 2016-2017. Ảnh: V.Truyên |
Bên cạnh những công trình trường, lớp học kịp hoàn thành đã được đưa vào sử dụng, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công để học sinh, giáo viên sớm có phòng học, ổn định công tác dạy, học.
* “MẠNH TAY” CHO CƠ SỞ VẬT CHẤT
Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 817 trường, tăng 13 trường so với năm học trước. Tổng số trẻ mầm non, học sinh phổ thông cũng tăng thêm 24,4 ngàn em, nâng tổng số học sinh toàn tỉnh là 653,8 ngàn học sinh. Để đáp ứng nhu cầu học tập, có 49 công trình với 657 phòng học và các hạng mục chức năng khác sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học này với tổng kinh phí đầu tư là 779,3 tỷ đồng.
TP.Biên Hòa là địa phương có số lượng trường lớn nhất với 149 trường. Đây cũng là địa phương duy nhất trong tỉnh còn xảy ra tình trạng học ca ba. Trước tình hình số lượng học sinh tăng quá nhanh và đông (11,6 ngàn học sinh), TP.Biên Hòa đang tập trung xây dựng, hoàn thiện 10 công trình trường học với 210 phòng học để đưa vào sử dụng trong năm học này với tổng số vốn đầu tư hơn 355 tỷ đồng. Những công trình này tập trung ở các xã, phường có số lượng học sinh tăng nhanh và có ca ba, như: Trảng Dài, Phước Tân, Long Bình, Tam Phước, Tân Phong.
Công trình Trường mẫu giáo Anh Đào (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đang gấp rút được hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm học 2016-2017. Ảnh: H.D |
Bà Lương Ngọc Tươi, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Long Khánh, cho biết: “Thị xã có 2 trường mầm non, mẫu giáo và 1 trường THCS được thành lập mới trong năm học này, gồm: mầm non Hoa Mai, mẫu giáo Bình Minh và THCS Ngô Quyền. Ngoài ra, có nhiều trường học được sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhiều hạng mục, như: phòng học, bếp ăn, khu hành chính… Điều đặc biệt, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, thị xã còn vận động được nguồn xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt hơn cho dạy và học”.
Huyện Long Thành cũng rất “mạnh tay” chi gần 121 tỷ đồng để xây mới 6 trường học, mua sắm trang thiết bị cho năm học mới. Huyện Cẩm Mỹ cũng đang nâng cấp, sửa chữa 15 công trình trường học với tổng mức đầu tư hơn 108 tỷ đồng.
Tương tự, huyện Trảng Bom đang gấp rút hoàn thành để đưa vào sử dụng 6 công trình với 73 phòng học và các phòng chức năng, gồm: tiểu học Nguyễn Khuyến, tiểu học Lý Thường Kiệt, tiểu học Kim Đồng, mẫu giáo Anh Đào, mẫu giáo Sao Mai, tiểu học Trần Phú. Phòng
GD-ĐT huyện Trảng Bom đã tham mưu cho UBND huyện sớm xây dựng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Sông Trầu nhằm tránh tình trạng học ca ba vì số học sinh tăng quá nhanh.
Bên cạnh sự đầu tư của các địa phương, trong dịp hè 2016, Sở GD-ĐT đã mua sắm, trang bị 8 phòng máy vi tính cho các trường THPT; cung cấp hơn 290 bộ thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các trường tiểu học, THCS và THPT với tổng kinh phí gần 63 tỷ đồng.
* TÍCH CỰC ĐỔI MỚI
Bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, cho biết: “Năm học này, ngành học mầm non các cấp sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; thực hiện có hiệu quả các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ. Ngoài ra, ngành sẽ đẩy mạnh việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, bảo mẫu, triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường kiểm tra, kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ), một trong những trường thực hiện mô hình trường học mới (VNEN)rất tin tưởng vào những thay đổi tích cực mà mô hình này mang lại cho học sinh, phụ huynh. “Những điều kiện cần như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, năng động, nhiệt tình và sự hưởng ứng của phụ huynh, học sinh chúng tôi đã có. Năm học này, tập thể sư phạm nhà trường sẽ cố gắng, nỗ lực đổi mới phương pháp dạy để học sinh tiếp cận tốt hơn với chương trình học, hăng hái, chủ động hơn trong học bài” - thầy Dũng chia sẻ.
Từ năm học này, trường vùng sâu, vùng xa của huyện Cẩm Mỹ là THPT Xuân Mỹ được chuyển đến cơ sở mới ở trung tâm huyện và được đổi tên thành Trường THPT Cẩm Mỹ. Thầy Đỗ Huy Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, vui mừng chia sẻ: “Trước đây dạy, học trong tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, thầy trò nhà trường luôn mơ ước có được cơ sở vật chất khang trang như bây giờ với 33 phòng học, các phòng chức năng, nhà thi đấu đa năng. Đây là điều kiện tốt để thầy trò nhà trường phát huy hơn nữa năng lực cũng như tiếp cận gần hơn với việc đổi mới thực chất, gắn liền với thực tế”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp yêu cầu trong năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT phải tạo được mối quan hệ gắn kết giữa gia đình, nhà trường, xã hội để tăng cường giáo dục trẻ mầm non, học sinh phát triển toàn diện cả về năng lực lẫn phẩm chất đạo đức; phối hợp với các ngành liên quan phát triển quy mô trường lớp đáp ứng nhu cầu của người học; đổi mới công tác dạy, học, đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục đi vào thực tế và có thực chất; xem trọng và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá năng lực nhà giáo, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của toàn xã hội trong nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. |
Hạnh Dung