Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt quản lý các nhóm trẻ ngoài công lập

10:09, 11/09/2016

Những năm qua, sự ra đời của các nhóm lớp mầm non, mẫu giáo ngoài công lập dù là tự phát nhưng đã góp phần cùng với ngành giáo dục tỉnh nhà đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh...

Những năm qua, sự ra đời của các nhóm lớp mầm non, mẫu giáo ngoài công lập dù là tự phát nhưng đã góp phần cùng với ngành giáo dục tỉnh nhà đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con dưới 36 tháng tuổi.

Một nhóm trẻ ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa được chủ nhà trang bị khá nhiều đồ chơi. Ảnh: H.DUNG
Một nhóm trẻ ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa được chủ nhà trang bị khá nhiều đồ chơi. Ảnh: H.Dung

Để đảm bảo an toàn cũng như giúp trẻ phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn thể lực, vào đầu năm học mới một số phòng GD-ĐT đã chủ động đến tận các xã, phường, thị trấn để khảo sát, nắm tình hình và chấn chỉnh hoạt động của các nhóm trẻ tự phát này.

* Nhiều nhóm trẻ không đáp ứng yêu cầu

Đến nay, toàn tỉnh có 286 trường mầm non (62 trường mầm non ngoài công lập) và 867 nhóm lớp ngoài công lập. Những nhóm lớp này có sĩ số không ổn định. Có nhóm có 5, 7, 10 trẻ; có nhóm có tới 300- 400 trẻ. Những địa phương tập trung nhiều nhóm trẻ là: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành và Nhơn Trạch. Đây là những địa phương có số lượng dân nhập cư đông, chủ yếu là công nhân làm việc tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Thời gian qua, các địa phương phối hợp với các phòng GD-ĐT đã cấp phép thành lập, cấp phép hoạt động cho hơn 90% các cơ sở, nhóm lớp mầm non ngoài công lập trong toàn tỉnh. TP.Biên Hòa, các huyện Tân Phú, Nhơn Trạch, Định Quán và TX.Long Khánh có 100% cơ sở, nhóm lớp được cấp phép hoạt động. Các địa phương còn lại có tổng cộng 100 nhóm chưa được cấp phép hoạt động.

Bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT), cho biết: “Nguyên nhân khiến 100 nhóm trẻ ngoài công lập còn lại chưa được cấp phép hoạt động là do đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo chuẩn. Theo quy định, giáo viên phải có trình độ trung cấp sư phạm mầm non trở lên, còn các nhóm này chỉ có bảo mẫu, không có trình độ chuyên môn theo yêu cầu. Ngoài ra còn do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo (diện tích phòng, ánh sáng, đồ chơi cho trẻ…)”.

Đầu năm học này, Phòng
GD-ĐT TP.Biên Hòa đã tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của các nhóm trẻ trên địa bàn. Bà Ngô Diệu Thanh, Phó phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cho hay: “Mặc dù đã được cấp phép hoạt động trước đó nhưng vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở không đáp ứng yêu cầu về điều kiện ăn, ở cho trẻ. Có những cơ sở gần 50 trẻ nhưng chỉ có vài cái khăn mặt, cốc uống nước. Nhiều cơ sở thuê mướn phòng trọ để giữ trẻ có diện tích chật hẹp, không có sân chơi, đồ chơi cho trẻ. Phòng đã chấn chỉnh, nhắc nhở các nhóm lớp này khắc phục. Nếu tái kiểm tra mà vẫn còn tình trạng này, phòng sẽ rút giấy phép hoạt động”.

* Khó phát triển thành trường

Năm 2015, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, ngành giáo dục đã tiến hành rà soát các nhóm trẻ từ 50 trẻ trở lên để phát triển thành trường mầm non tư thục theo đúng quy định, trong đó ưu tiên những nhóm trẻ có từ 100 trẻ trở lên. Đến nay, toàn tỉnh có 341 cơ sở, nhóm trẻ có quy mô trên 50 trẻ định hướng phát triển thành trường.

Theo lộ trình, giai đoạn 2016-2022, trừ huyện Định Quán không có nhóm lớp nào, còn lại các địa phương đều có từ 1-228 nhóm trẻ phát triển thành trường. Riêng trong năm 2016, sẽ phát triển 34 nhóm trẻ từ 50 trẻ trở lên thành trường, trong đó Biên Hòa có số lượng lớn nhất (20 nhóm), các địa phương khác có từ 1-3 nhóm phát triển thành trường.

Định hướng là vậy, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có nhóm lớp nào từ 50 trẻ trở lên có thể lên trường. Hai nguyên nhân chính là do không có đủ nguồn đất để đầu tư xây dựng và phát triển theo đúng quy định của một trường mầm non; trình độ chuyên môn của các trưởng nhóm, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhóm trẻ Tuổi Thần Tiên (ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) là nhóm trẻ duy nhất được định hướng phát triển thành trường trong năm 2016 của huyện Trảng Bom. Nhóm này hiện đang nuôi giữ hơn 400 trẻ từ 2-5 tuổi với 31 giáo viên, bảo mẫu, nhân viên. Tổng diện tích đất của nhóm hiện có 3 ngàn m2. Chủ nhóm trẻ Tuổi Thần Tiên Nguyễn Thị Thương cho biết: “Hiện nhóm đã làm hồ sơ gửi lên huyện theo yêu cầu và chờ  huyện phản hồi. Xét về các tiêu chí để lên trường, nhóm đang gặp khó về đất đai và trình độ của đội ngũ giáo viên. Hiện nhóm mới chỉ có 70% giáo viên đạt chuẩn theo quy định”.

Trong khi đó, nhiều chủ nhóm trẻ có số lượng trẻ lớn trên địa bàn TP.Biên Hòa thì lo ngại về vấn đề đất đai để thành lập trường, bởi lẽ thành phố còn tới 2 phường là Long Bình và Thống Nhất vẫn chưa thể xây dựng trường mầm non công lập vì không có quỹ đất sạch. Do đó, mục tiêu phát triển 20 nhóm trẻ có từ 50 trẻ trở lên thành trường trong năm 2016 của TP.Biên Hòa là rất khó khả thi.

Về định hướng phát triển trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022, ngày 19-5-2016, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện phát triển mạng lưới trường mầm non trong tỉnh; rà soát trình độ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non tư thục để có kế hoạch nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn. Sở Tài nguyên - môi trường hỗ trợ các địa phương trong việc đảm bảo quỹ đất cho các trường mầm non tư thục phát triển. Những trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền, Sở phối hợp với các địa phương tham mưu UBND tỉnh những giải pháp để tháo gỡ. Sở Kế hoạch - đầu tư tham mưu UBND tỉnh việc thỏa thuận địa điểm đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư theo phân cấp hiện hành. Sở Tài chính bố trí ngân sách để đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Các phòng, ban cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các nhà, nhóm trẻ tư thục nhằm đảm bảo các đơn vị hoạt động theo đúng quy định.

Hạnh Dung



 

 

Tin xem nhiều