Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thành công và đang nhân rộng các mô hình câu lạc bộ (CLB) gia đình. Những mô hình này ngày càng phát huy tốt hiệu quả, tạo sức hút đối với các gia đình và sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thành công và đang nhân rộng các mô hình câu lạc bộ (CLB) gia đình. Những mô hình này ngày càng phát huy tốt hiệu quả, tạo sức hút đối với các gia đình và sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Hội viên nòng cốt của các câu lạc bộ, tổ nhóm gia đình KP.10 (phường An Bình, TP.Biên Hòa) gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: L.Na |
Có dịp tham gia một buổi sinh hoạt tại cùng CLB gia đình của phụ nữ KP.10, phường An Bình (TP.Biên Hòa), chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của các thành viên. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.10 Đặng Thị Tám cho biết, khu phố có 735 hộ gia đình với hơn 4 ngàn nhân khẩu, trong đó có 732 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Nhiều năm nay, khu phố không xảy ra vụ bạo lực gia đình nào dẫn đến việc phải đi hòa giải.
* Hiệu quả từ mô hình CLB
Mô hình CLB gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững và nhóm phòng chống bạo lực của KP.10 được chia theo từng tổ phụ nữ với hơn 200 hội viên (trong đó có 30 hội viên nòng cốt) hoạt động đem lại hiệu quả tích cực, góp phần gắn kết, dung hòa mối quan hệ gia đình, đẩy lùi những xung đột, bạo lực.
Toàn tỉnh hiện có 771 CLB gia đình phát triển bền vững; 986 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 1.091 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 59 CLB nam giới nói không với bạo lực gia đình. Số vụ bạo lực gia đình, nạn nhân bị bạo lực giảm theo từng năm. |
“Để có được kết quả trên, ban chủ nhiệm các CLB gia đình, tổ phụ nữ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa đến các hộ gia đình, tổ chức thường xuyên, liên tục hoạt động văn hóa, văn nghệ làm phong phú đời sống của khu dân cư. Ngoài ra, mỗi tháng 2 lần, các hội viên tổ chức nấu 600 suất ăn từ thiện trao cho những người có hoàn cảnh khó khăn, xe ôm, bán vé số… trong khu phố” - bà Đặng Thị Tám chia sẻ.
Được thành lập từ năm 2011 với hơn 10 gia đình tham gia, đến nay CLB gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững khu Văn Hải, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) thu hút gần 50 gia đình. Hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần, nhiều gia đình có cả vợ chồng, mẹ chồng - nàng dâu tham gia.
Bà Lê Thị Thu Trang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Văn Hải cho biết, từ khi CLB đi vào hoạt động, các thành viên được nâng cao kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực… Ngoài ra, các thành viên CLB cũng thường xuyên tham gia công tác xã hội như giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, giúp các hội viên vay vốn phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm cho phụ nữ để ổn định cuộc sống gia đình.
Bản thân gia đình chị Thu Trang trước đây cuộc sống rất khó khăn. Từ khi tham gia CLB, được học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các gia đình trong khu phố, chị cùng chồng chăm lo làm ăn. Hiện gia đình chị đã ổn định, các con được học hành thành đạt nên chị có điều kiện tham gia các hoạt động trong CLB khu phố. Nhiều năm liền chị được tuyên dương là một trong những phụ nữ phát triển kinh tế giỏi của huyện, hỗ trợ chị em khu phố có việc làm, tăng thu nhập từ sản xuất giỏ, túi xách.
Hiện nay, tùy theo từng địa phương, các mô hình gia đình có những tên gọi khác nhau như CLB gia đình hạnh phúc; gia đình phát triển bền vững, CLB nam giới nói không với bạo lực gia đình; tổ phụ nữ xây dựng hạnh phúc và giúp nhau phát triển kinh tế… Hầu hết các gia đình và thành viên tham gia mô hình CLB đều tự nguyện đóng góp kinh phí sinh hoạt.
Tại nhiều xã, phường, thị trấn, hội viên các CLB dùng nguồn đóng góp hằng tháng từ hội viên cho các hội viên nghèo vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Nguồn tiền đóng góp tuy không nhiều nhưng “tích tiểu thành đại”, vừa giúp được hộ nghèo có vốn làm ăn, vừa có lãi đủ để chi trả tiền điện, nước sinh hoạt mỗi tháng của CLB.
* Góp phần xây dựng đời sống văn hóa
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Nhơn Trạch Nguyễn Phúc Thiện cho biết, Nhơn Trạch đang duy trì 53 CLB gia đình phát triển bền vững; 54 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 52 nhóm phòng chống bạo lực; 3 CLB nam giới nói không với bạo lực gia đình tại các xã Phú Hội, Long Thọ và Đại Phước. Các CLB gia đình hoạt động tốt đã góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa phương.
Trảng Bom Là huyện có đông đồng bào công giáo sinh sống, mật độ dân cư đông nên rất dễ xảy ra các vấn đề xã hội phức tạp. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Trảng Bom Nguyễn Xuân Thành, công tác gia đình ở Trảng Bom thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 71/71 ấp, khu phố có nhóm phòng chống bạo lực và 80 CLB gia đình phát triển bền vững có 109 địa chỉ tin cậy…
Nhiều mô hình CLB ở các xã Sông Trầu, Sông Thao, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) đã thực sự trở thành hạt nhân tích cực trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Hiện huyện có 63.485/63.485 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 100%.
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình, những chuyển biến tích cực và hiệu quả của mô hình các CLB ở nhiều địa phương là rất rõ. Tuy nhiên, để duy trì tính bền vững của các CLB, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến để đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình của các địa phương.
“Thời gian tới ngành sẽ chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả, tập huấn và hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung hoạt động của các mô hình gia đình, đồng thời huy động thêm nguồn lực để duy trì và phát triển mô hình cả về chất và lượng, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa khu dân cư” - bà Mộng Bình nhấn mạnh.
Ly Na