Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà trường - doanh nghiệp: Đồng hành trong đào tạo nghề

08:11, 27/11/2019

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần phải có sự đồng hành của các doanh nghiệp (DN). Ý thức được điều này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ hơn với các DN...

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần phải có sự đồng hành của các doanh nghiệp (DN). Ý thức được điều này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ hơn với các DN. Các DN cũng đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trong quá trình đào tạo. 

Sinh viên Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến
Sinh viên Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến

Chiều 21-11, Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi (VCMI, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đã được đại diện của Phòng Thủ công nghiệp Aachen (Đức) trao thư xác nhận về tính tương đương tiêu chuẩn Đức của hai bộ chương trình đào tạo nghề công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà; công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí. Với thư xác nhận này, kể từ năm học sau (2020-2021), VCMI sẽ tuyển sinh và đào tạo theo tiêu chuẩn Đức đối với 2 nghề trên.

* Hành trình xây dựng chương trình đào tạo phối hợp

Việc công nhận tính tương đương dành cho chương trình đào tạo nghề phối hợp nói trên ngoài sự hỗ trợ của các chuyên gia người Đức có sự góp sức không nhỏ của các DN đồng hành. Theo đó, để xây dựng được các chương trình đào tạo phối hợp, việc đầu tiên mà nhà trường và các chuyên gia phải làm là tiến hành khảo sát DN và các hiệp hội có liên quan đến ngành nghề đào tạo ở TP.Hồ Chí Minh, và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai. Việc khảo sát này nhằm tìm hiểu tổng quan về nhu cầu đào tạo, khả năng đào tạo và sự sẵn sàng tham gia của DN.

Từ thực tế đó, nhà trường soạn dự thảo chương trình đào tạo tổng quan (gồm thời gian đào tạo, cấu trúc, địa điểm học, tên các môn học, mô đun và nội dung chính). Đây là cơ sở để trường tiếp tục khảo sát các DN và hiệp hội lần thứ 2. Lần khảo sát này nhằm cụ thể hóa nhu cầu đào tạo, khả năng đào tạo và sự sẵn sàng tham gia của DN. Đến đây, nhà trường và các chuyên gia mới cùng ngồi lại để xây dựng chương trình đào tạo phối hợp.

“Trong chương trình đào tạo này, DN đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ tham gia xây dựng chương trình, DN còn tham gia vào quá trình đào tạo. Theo đó, phần lý thuyết sẽ tổ chức tại trường, phần lớn thời gian thực hành sẽ diễn ra ở DN” - ông Raff Hill, cố vấn kỹ thuật của GIZ (Tổ chức hợp tác phát triển Đức) cho biết.

TS.Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng VCMI chia sẻ: “Sinh viên học hai nghề này sẽ có 30% thời gian học tại trường, 70% thời gian học trực tiếp tại DN. Chúng tôi kỳ vọng, sau 3 năm đào tạo, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại DN ngay mà không cần đào tạo lại. Hai nghề được công nhận tương đương tiêu chuẩn Đức đợt này cũng chính là 2 nghề trong chương trình đào tạo xanh. Việc đào tạo nghề này góp phần xây dựng môi trường xanh cho nền kinh tế xanh và bền vững của đất nước”.

* “5 đồng hành” trong đào tạo nghề

Trước VCMI, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (xã Long Phước, huyện Long Thành) cũng đã được phía Đức công nhận chương trình đào tạo tương đương. Ngay từ năm 2014, trường đã kết hợp với DN trong các khâu của quá trình đào tạo. Đại diện Công ty TNHH Martech Boiler (Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 3) cho hay, quá trình đồng hành cùng nhà trường trong đào tạo, DN nhận ra rằng đào tạo phối hợp là xu hướng rất cần thiết cho cả DN, học viên và người lao động. Hình thức đào tạo này cần phải duy trì một cách nghiêm túc. 

Nhận thấy lợi ích và trách nhiệm xã hội trong việc tham gia đào tạo nghề, những năm gần đây, các DN đã chủ động và gắn kết ngày càng chặt chẽ với các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Chẳng hạn, Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) đã ký kết chương trình phối hợp đào tạo nhân lực vận hành điện, cơ khí (trong đó hỗ trợ thiết bị phục vụ đào tạo thực hành) với Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa).

Năm 2018, Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) hợp tác với cán bộ kỹ thuật của 114 DN thuộc các KCN trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung xây dựng chương trình đào tạo cho 10 nghề trình độ trung cấp, 11 nghề trình độ cao đẳng.

Một số DN không chỉ tham gia tư vấn khung chương trình đào tạo cho các trường mà còn trực tiếp mở lớp đào tạo tại DN để người lao động thuận tiện học tập, nâng cao tay nghề. Chẳng hạn Công ty Asia Garment Manufacturer Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) đã phối hợp với Trường cao đẳng Vinatex (TP.Hồ Chí Minh) mở được 2 khóa đào tạo trung cấp công nghệ may và có khả năng mở thêm hệ đào tạo cao đẳng.

Chị Phạm Hồng Hạnh, công nhân Công ty Asia Garment Manufacturer Việt Nam cho hay: “Tôi học hết lớp 9 rồi đi làm công nhân, chưa từng nghĩ đến việc tiếp tục học cho đến khi công ty mở lớp trung cấp này. Tôi đã cố gắng theo đuổi khóa học đến cùng. Có bằng nghề trong tay, tôi sẽ có thêm cơ hội thăng tiến trong công việc”.

Hiện nay, các DN được khuyến khích tham gia đồng hành cùng các cơ sở giáo dục nghề nhiệp trong 5 khâu: tham gia đầu tư, mở trường; đặt hàng đào tạo; tham gia giảng dạy, đào tạo; thẩm định đầu ra và tuyển dụng. Với những sự gắn kết chặt chẽ đó, DN đang ngày càng có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề.

Đề cao vai trò của DN trong đào tạo nghề

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề: DN đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Diễn đàn đưa ra thông điệp về vai trò, trách nhiệm của DN trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với DN, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động.

Hải Yến

Tin xem nhiều