Báo Đồng Nai điện tử
En

Virus RSV có nguy hiểm?

11:12, 30/12/2019

Gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ thông tin về virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial virus - RSV) nguy hiểm với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ thông tin về virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial virus - RSV) nguy hiểm với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, virus RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Khi thời tiết giao mùa, trẻ dễ mắc bệnh hơn bình thường.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy thăm khám cho bé N. khi đang điều trị viêm phổi tại Khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: K.Ngọc
Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy thăm khám cho bé N. khi đang điều trị viêm phổi tại Khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: K.Ngọc

* Phụ huynh lo lắng

Ngay khi thấy con mình có triệu trứng ho và tiêu chảy, gia đình bé T.T.N. (quê tỉnh Bạc Liêu, tạm trú tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) đã đưa con đi khám và uống thuốc tại phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, các triệu chứng trên không cải thiện, bệnh còn diễn tiến nặng hơn.

Do đó, 2 ngày sau, gia đình bé N. đã cấp tốc đưa con vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Các bác sĩ chẩn đoán, bé bị viêm phổi nặng. Sau 4 ngày nhập viện, bé N. phải thở máy, điều trị tích cực do bệnh ngày càng nặng hơn. “Sau 2 tuần điều trị, con tôi đã ăn uống bình thường nhưng vẫn còn thở mệt và chưa biết khi nào sẽ xuất viện. Tôi nghe nói năm nay có loại virus hợp bào hô hấp khiến nhiều bé mắc bệnh như con tôi nên rất lo lắng” - mẹ bé N. bày tỏ băn khoăn.

“Cả 2 vợ chồng làm công nhân, thuê phòng trọ ở nên khá chật chội, kéo theo con nhỏ hay bị bệnh, nhất là viêm phổi, tiểu phế quản. Mỗi lần như vậy, cả hai vợ chồng lại thay nhau vào bệnh viện chăm sóc con” - chị N.T.T.L. (ngụ tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), đang chăm con tại khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tâm sự.

Bé Q.T.Q.C, con gái chị L. được 4 tháng tuổi đã phải nhập viện sau 3 ngày sốt, tiêu chảy, thở khò khè. Các bác sĩ chẩn đoán bé C. bị viêm phổi nặng. Cũng như nhiều người khác, chị L. khi nghe nói đến virus RSV trên các phương tiện thông tin đại chúng đã rất lo lắng cho tình trạng bệnh của con mình.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy trấn an: “Có nhiều bệnh nhân lo lắng và hỏi tôi về loại virus RSV vì họ nghĩ đó là virus mới, nguy hiểm. Tuy nhiên, virus RSV đã được phát hiện và tồn tại từ vài chục năm nay, không khó để phòng tránh và kiểm soát”.

* Cần phòng bệnh đúng cách

Tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, gần đây khi thời tiết sáng sớm lạnh, trưa nóng khiến trẻ em dễ bị các bệnh về đường hô hấp như: viêm tiểu phế quản, hen, đặc biệt là viêm phổi bội nhiễm. Dù không làm xét nghiệm định danh loại virus gây bệnh hô hấp ở trẻ là RSV, nhưng theo bác sĩ Thủy, trên triệu chứng lâm sàng, nguyên nhân gây bệnh hô hấp nhiều ở trẻ thời gian gần đây có thể là loại virus này.

Tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh hô hấp ở trẻ tăng cao hơn khoảng 30% với số ca nhập viện mới hơn 30 ca/ngày.

Virus RSV gây ra các triệu chứng nhẹ như: cảm lạnh, sổ mũi, chán ăn, ho, hắt hơi, sốt và thở khò khè. Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng có thể chỉ là khó chịu, khó thở và giảm hoạt động. Đối với hầu hết các trường hợp, tình trạng này sẽ hết sau 1-2 tuần.

Tuy nhiên, virus RSV sẽ phát triển mạnh hơn vào thời điểm cuối thu, đầu đông. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, virus RSV có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, dễ gây ra bội nhiễm, có thể dẫn tới tử vong. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở nhóm tuổi này.

Cũng như các loại dịch bệnh khác, virus RSV sẽ tăng giảm theo chu kỳ và năm nay, có thể loại virus này là nguyên nhân gây bệnh hô hấp ở trẻ nhiều hơn các virus khác. Để giảm bớt tình trạng lây nhiễm, bác sĩ Thủy khuyến cáo bản thân trẻ phải có sức đề kháng tốt, do đó các bậc phụ huynh phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con để chống lại các loại bệnh nói chung và bệnh về hô hấp nói riêng. Hiện không có vaccine phòng, chống virus RSV nhưng các bậc phụ huynh cần phải chích ngừa đầy đủ các loại vaccine khác như: cúm, ho gà, sởi… Nhờ có các loại vaccine này mà bé sẽ được bảo vệ, gián tiếp giảm tình trạng mắc bệnh do virus RSV.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần đảm bảo môi trường trong lành cho bé, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi. Người thân của trẻ khi ho phải che miệng, rửa tay mới được tiếp xúc với trẻ; hoặc sau khi đi đường, về nhà phải rửa tay mới được chăm sóc, ẵm, chơi đùa với trẻ, tránh hôn vào môi, mặt của trẻ. “Hành động ôm hôn trẻ rất phản cảm, rất dễ lây bệnh cho trẻ. Trong gia đình hoặc hàng xóm có người bị bệnh cảm cần phải cách ly vì bệnh lây qua các giọt bắn dưới 2m” - bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, để giảm bớt tình trạng khó thở của trẻ, cha mẹ nên cho uống nước, sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng và rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý 0,9%. Trong trường hợp bệnh nặng hơn, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện.

Khánh Ngọc

Tin xem nhiều