Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào

09:01, 29/01/2020

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh khối 12 sẽ bước vào học kỳ 2 và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng . Năm 2020, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ giữ nguyên hình thức xét tuyển như năm 2019, nhưng sẽ siết chặt ở một số ngành...

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: C.Nghĩa
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: C.Nghĩa

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh khối 12 sẽ bước vào học kỳ 2 và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2020. Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ giữ nguyên hình thức xét tuyển như năm 2019, tuy nhiên với một số ngành, Bộ sẽ siết chặt để đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo thuận lợi cho quá trình đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết:

- Cơ chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngày càng “mở”, tạo thuận lợi cho các trường tuyển sinh lẫn thí sinh có nguyện vọng xét tuyển. Dù cơ chế mở nhưng các trường muốn khẳng định được uy tín thì phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, còn thí sinh phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đặt bút ghi nguyện vọng xét tuyển sao cho hợp với sở trường, sở thích để tương lai không bị “chệch hướng”.

* Thưa bà, Bộ GD-ĐT đã cam kết giữ ổn định công tác thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng trong nhiều năm. Vậy Bộ sẽ thực hiện cam kết này như thế nào trong năm 2020 này?

- Bộ GD-ĐT đã cam kết từ năm 2017-2020 sẽ giữ ổn định trong công tác thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Do đó năm 2020 này, các trường THPT và thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm, chỉ cần nghiên cứu kỹ quy chế thi và tuyển sinh trong 3 năm trở lại đây là có đầy đủ thông tin cần thiết. Bộ sẽ có thay đổi nhỏ trong khâu tuyển sinh nhưng không đáng lo, chủ yếu là để đảm bảo việc xét tuyển chặt chẽ hơn, chất lượng hơn chứ không ảnh hưởng đến khâu chuẩn bị ôn tập, thi cử.

* Học sinh lớp 12 năm nay đang chờ bộ đề thi minh họa để hình dung cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ như thế nào. Vậy khi nào Bộ sẽ giới thiệu bộ đề thi minh họa, thưa bà?

- Năm 2020, quy chế thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục được giữ ổn định, do đó không nhất thiết Bộ phải ra thêm bộ đề thi minh họa. Học sinh muốn biết cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2020 như thế nào có thể tham khảo đề thi minh họa và đề thi chính thức năm 2017-2019 để hình dung và định hướng ôn tập cho mình. Cấu trúc đề thi năm 2020 cũng sẽ không thay đổi, kiến thức ra đề thi vẫn nằm chủ yếu ở sách giáo khoa lớp 12.

* Bà có thể cho biết những lưu ý đối với thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020?

- Việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 sẽ có nhiều thuận lợi cho thí sinh vì Bộ GD-ĐT chủ trương duy trì quy chế ổn định, không có thay đổi nào lớn. Thí sinh chỉ cần nghiên cứu kỹ quy chế cũ, nghiên cứu các ngành nghề dự kiến đăng ký xét tuyển, xem xét những ngành đó có thực sự phù hợp, điều kiện kinh tế của gia đình có thể theo đuổi ngành đó hay không, cơ hội trúng tuyển ra sao…

Học sinh tìm hiểu các ngành đào tạo trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh tìm hiểu các ngành đào tạo trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ảnh: C.Nghĩa

* Thưa bà, hiện nay rất nhiều trường áp dụng tuyển sinh bằng học bạ THPT thay vì xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Liệu hình thức tuyển sinh này có đảm bảo chất lượng đầu vào lẫn đầu ra của các trường đại học, cao đẳng?

- Hiện nay, cơ chế tuyển sinh là cơ chế mở, Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Có trường xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, có trường xét tuyển bằng học bạ THPT, có trường lại xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực và có trường áp dụng cả 3 hình thức trên.

Đặt câu hỏi liệu tuyển sinh bằng học bạ có đảm bảo chất lượng đầu vào hay không thì tôi cho rằng, điểm ghi trong học bạ đã được các thầy cô đánh giá phân loại, nếu các trường đại học, cao đẳng cảm thấy tin cậy thì dùng xét tuyển. Điểm ghi trong học bạ khác với điểm thi THPT ở chỗ điểm học bạ chỉ đánh giá mặt bằng chung ở một trường, việc so sánh mặt bằng chung ở một trường sẽ khác với mặt bằng chung của các trường. Chính vì điều này mà các trường khi xét tuyển bằng học bạ phải rất lưu ý để đảm bảo công bằng giữa thí sinh dùng học bạ và thí sinh dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, các trường muốn chứng minh uy tín của mình với xã hội thì phải coi trọng toàn diện từ khâu tuyển sinh đến đào tạo; chất lượng tuyển sinh tốt sẽ tác động đến quá trình đào tạo. Nếu chạy theo số lượng tuyển sinh mà không chú ý đến chất lượng tuyển sinh thì có thể để lại nhiều hệ quả cho uy tín của trường và tương lai của thí sinh.

* Để thí sinh có nhiều lựa chọn các ngành nghề, Bộ vẫn sẽ giữ nguyên quy định thí sinh không bị hạn chế số nguyện vọng. Tuy nhiên, theo bà, thí sinh nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là hợp lý?

- Đúng là Bộ không hạn chế số lượng nguyện vọng khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nghĩa là thí sinh muốn đăng ký bao nhiêu nguyện vọng đều được, tuy nhiên theo tôi, để tránh bị phân tán tư tưởng, thí sinh chỉ nên đăng ký từ 4-5 nguyện vọng là đủ. Những nguyện vọng đã đặt bút đăng ký thì phải cân nhắc rất kỹ, trong đó có những nguyện vọng trọng tâm nhưng nhìn chung phải phù hợp với sở trường, học lực, điều kiện kinh tế của gia đình.

* Năm nay, Bộ dự kiến sẽ tiếp tục siết chặt tuyển sinh với ngành sư phạm, vì sao thưa bà?

- Ba năm trước, Bộ GD-ĐT đã quy định, chỉ những học sinh có kết quả học bạ THPT loại khá trở lên mới được xét tuyển vào ngành sư phạm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên tốt hơn. Việc siết chặt quy chế tuyển sinh với ngành sư phạm được xã hội đồng thuận. Năm 2020, Bộ tiếp tục có thêm động thái trong tuyển sinh ngành sư phạm khi yêu cầu các trường sư phạm dừng tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm, đối với hệ cao đẳng sư phạm thì chỉ được tuyển hệ cao đẳng mầm non, các ngành cao đẳng sư phạm khác tạm dừng tuyển sinh. Nếu như chỉ học sinh khá, giỏi mới được xét tuyển vào ngành sư phạm là để đảm bảo chất lượng đào tạo thì việc hạn chế tuyển sinh ở một số bậc sư phạm chính là để điều tiết lại nhu cầu tuyển dụng giáo viên của xã hội trong tình hình mới, tránh bị dư thừa, gây lãng phí trong quá trình đào tạo.

* Xin cảm ơn bà!

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: “Vào đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai, rớt tốt nghiệp THPT vẫn còn nhiều lựa chọn khác, chỉ cần mình thực sự có quyết tâm là được. Rớt tốt nghiệp thì có thể thi lại vào năm sau, trong thời gian chờ thi lại, thí sinh có thể dùng giấy xác nhận hoàn thành chương trình THPT để đăng ký đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực tế cơ hội học nghề là rất rộng mở, học nghề xong vẫn có thể tự tạo việc làm, lập nghiệp ngay tại quê hương mình”.

Công Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều
Xét tuyển điểm thi thpt