Báo Đồng Nai điện tử
En

Những việc cần làm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

11:03, 12/03/2020

Để ứng phó với tình huống có ca bệnh xảy ra, ngành y tế đã xây dựng 2 kịch bản ở 2 cấp độ của dịch bệnh nhằm giúp các sở, ngành và địa phương nắm rõ nhiệm vụ để phối hợp thực hiện nhịp nhàng.

ADVERTISEMENT

Để ứng phó với tình huống có ca bệnh xảy ra trên địa bàn Đồng Nai, ngành Y tế đã chủ động xây dựng 2 kịch bản ở 2 cấp độ của dịch bệnh.

Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai diễn tập chụp X-quang phổi cho bệnh nhi nghi ngờ nhiễm Covid-19. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai diễn tập chụp X-quang phổi cho bệnh nhi nghi ngờ nhiễm Covid-19. Ảnh: H.Dung

Mục đích để các sở, ngành, địa phương liên quan nắm rõ nhiệm vụ của đơn vị mình, phối hợp thực hiện nhịp nhàng, tránh bị động, lúng túng khi có ca bệnh.

ADVERTISEMENT

* Lập tức phong tỏa nơi có ca bệnh

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, những ngày gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp và rất khó lường trong cả nước. Hai địa phương gần với Đồng Nai là TP.HCM và Bình Thuận đã xuất hiện nhiều ca bệnh nên các cấp, các ngành trong tỉnh đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch.

ADVERTISEMENT

Sở Y tế đã lên kịch bản cụ thể cho 2 cấp độ của dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với trường hợp cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có người mắc bệnh nhưng chưa lây lan tại chỗ, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phong tỏa tạm thời khu phố, thôn, ấp (gọi chung là ấp), nơi có ca bệnh để kiểm dịch y tế. Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã có ca bệnh được nghỉ học trong thời gian có dịch. Học sinh, sinh viên, giáo viên sinh sống trên địa bàn xã đang học tập, làm việc bên ngoài xã cũng được cho nghỉ.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho biết, tổng số lao động người nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh là hơn 8,3 ngàn người. Trong đó gồm hơn 2,4 ngàn người Hàn Quốc, hơn 2,1 ngàn người Đài Loan, hơn 1,5 ngàn người Trung Quốc, 913 người Nhật Bản, 253 người Thái Lan, 254 người Ấn Độ và 750 người các quốc tịch khác.

Trong thời gian ấp có ca bệnh phong tỏa, Sở Công thương sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong ấp bị cách ly. Sở Tài nguyên - môi trường sẽ đảm bảo xử lý chất thải lây nhiễm tại ấp bị cách ly, các khu cách ly tập trung của tỉnh và địa phương.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các sở, ngành khác có trách nhiệm điều tra nắm bắt đối tượng, tổ chức cách ly y tế phòng chống dịch, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn phong tỏa và các khu cách ly tập trung.

Nhiệm vụ của ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã nơi có ca bệnh là nhanh chóng thiết lập các chốt kiểm soát tất cả lối ra vào của ấp. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ người ra, vào ấp, không cho người lạ vào ấp, hạn chế tối đa người trong ấp đi ra bên ngoài, trừ những trường hợp thực sự cần thiết phải có sự đồng ý của UBND xã. Tại chốt kiểm soát, xã phải bố trí lực lượng gồm: chính quyền, bộ đội, công an, y tế trực 24/24 giờ và có sổ sách ghi chép cụ thể các trường hợp, phương tiện được ra/vào trong ấp. Các phương tiện phải được phun, khử trùng khi ra, vào ấp.

Để hạn chế tối đa việc lây nhiễm, cơ quan chức năng sẽ chuyển những người sống cùng nhà với người mắc bệnh hoặc những người nghi ngờ mắc bệnh đến các cơ sở cách ly, điều trị của tỉnh và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm càng sớm càng tốt.

Những người tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, người sống cùng nhà với người mắc bệnh cần cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở tập trung và theo dõi chặt chẽ.

Cơ quan chức năng sẽ tiến hành khử khuẩn, xử lý môi trường đối với các hộ gia đình trong ấp có người mắc bệnh; thiết lập điểm khám chữa bệnh tại ấp với đầy đủ bác sĩ, nhân viên y tế, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trong khu vực phong tỏa. Những trường hợp có biểu hiện của bệnh sẽ ngay lập tức được chuyển đến trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa khu vực để cách ly điều trị và lấy mẫu xét nghiệm. Những đối tượng không tuân thủ việc cách ly tại nhà sẽ được cưỡng chế cách ly, đưa vào khu cách ly tập trung.

Đối với trường hợp xã có người mắc bệnh và có lây lan tại chỗ, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp trên ở mức độ cao hơn. Công tác kiểm soát, giám sát những trường hợp nghi ngờ được thực hiện chặt chẽ hơn.

* Siết quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Đồng Nai

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, “cuộc chiến” phòng chống Covid-19 đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu khi dịch bệnh chỉ bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Số lượng các quốc gia, vùng lãnh thổ có ca bệnh, số người nhiễm và tử vong tăng từng giờ buộc cả nước phải siết chặt vấn đề nhập cảnh của người nước ngoài, tránh bỏ lọt bệnh nhân.

Về vấn đề này, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đề nghị Sở VH-TTDL yêu cầu các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh quản lý tốt khách lưu trú, nhất là những người nước ngoài đến từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch. Các đơn vị khác hạn chế tiếp các đoàn công tác nước ngoài trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Sở LĐ-TBXH quản lý chặt việc cấp phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Vì sức khỏe cộng đồng, chúng ta cần đề cao cảnh giác, giám sát chặt vấn đề nhập cảnh đối với người nước ngoài trong thời điểm này” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh, ngoài các giải pháp mà các đơn vị đã thực hiện từ trước đến nay, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế phải tiến hành sàng lọc, đo thân nhiệt cho tất cả các bệnh nhân khi đến khám bệnh. Những bệnh nhân nào có dấu hiệu sốt cần phải tư vấn, hướng dẫn cách ly ngay để nắm bắt thông tin cần thiết.     

Hạnh Dung

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT