Trong số trên 28,3 ngàn thí sinh tại Đồng Nai đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ hơn 17,5 ngàn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (chiếm 62%).
Trong số trên 28,3 ngàn thí sinh tại Đồng Nai đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ hơn 17,5 ngàn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (chiếm 62%). Gần 10,7 ngàn thí sinh còn lại (chiếm 38%) không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, thay vào đó, nhiều em dự định sẽ đăng ký vào học các trường nghề phù hợp với sở thích, năng lực học tập và điều kiện kinh tế của gia đình mình.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) tham quan tại doanh nghiệp để định hướng nghề nghiệp cho tương lai của mình. Ảnh: C.Nghĩa |
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết: “Đây được xem là tín hiệu tốt khi nhiều em đã mạnh dạn chọn lối đi cho riêng mình mà không nhất thiết phải bằng con đường vào đại học”.
* Chín chắn hơn khi chọn nghề
Bước sang học kỳ 2 năm học 2019-2020, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song Sở GD-ĐT vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Từ sự nỗ lực đó đã góp phần định hướng cho các em những phương pháp chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực học tập và năng lực tài chính của gia đình mỗi em. Thay vì chọn ngành nghề theo tâm lý số đông, nhiều em đã tự chủ được lựa chọn nhờ có đủ thông tin, hiểu rõ sở trường và năng lực của chính mình.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh: Tín hiệu vui cho hệ thống trường nghề Xu hướng học sinh chọn học nghề ngày càng nhiều hơn sau khi học hết lớp 12 là tín hiệu vui, cho thấy việc định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh đã phần nào phát huy hiệu quả. Đây cũng là tín hiệu vui cho chương trình đào tạo nguồn nhân lực nghề kỹ thuật cao của tỉnh vốn đang gặp khó khăn về nguồn tuyển sinh và cho hệ thống trường nghề trên địa bàn. Để giành được cơ hội thu hút học sinh, các trường nghề phải chủ động nhiều hơn nữa trong cung cấp thông tin cho học sinh và phụ huynh về ngành nghề đào tạo, khả năng kết nối doanh nghiệp, cơ hội việc làm và thu nhập thực tế. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo và đầu ra cho học sinh. |
Xu hướng chọn ngành nghề của học sinh khối 12 năm nay tiếp tục đi theo hướng thực tế hơn, tập trung vào những ngành thị trường đang cần. Các khối ngành: kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, tin học được lựa chọn nhiều, bám sát tình hình phát triển của kinh tế đất nước. Trong khi đó, ngành ngôn ngữ, du lịch cũng được nhiều thí sinh chú ý và đưa vào nguyện vọng đăng ký của mình. Không ít học sinh khối 12 mạnh dạn chọn những ngành nghề “kém sang” nhưng tương lai có thể xán lạn nếu thực sự yêu nghề và học hành nghiêm túc như bác sĩ thú y, đầu bếp…
Em Phạm Văn Bắc, học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Em đã đăng ký xét tuyển vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của Trường đại học Lạc Hồng vì ngành kỹ thuật nói chung ngày càng được trọng dụng. Hơn nữa, hiện nay phương tiện xe hơi ngày càng phổ biến hơn đối với mỗi gia đình, chính vì vậy nhu cầu dịch vụ bảo hành sửa chữa sẽ ngày một phát triển. Thay vì chọn học ngành công nghệ kỹ thuật ở một trường đại học tại TP.HCM, em quyết định chọn một trường ở ngay TP.Biên Hòa cho gần nhà, thuận tiện cho học tập và tiết kiệm chi phí cho cha mẹ”.
Trong khi đó, Dương Quốc Bảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) cho hay, em đã chọn đăng ký xét tuyển vào đại học với ngành công nghệ thực phẩm. “Em tìm hiểu nhiều thông tin và thấy Việt Nam là nước có dân số đông, nhu cầu các loại thực phẩm rất lớn. Minh chứng rõ nét nhất là có rất nhiều “ông lớn” của ngành công nghệ thực phẩm thế giới đã có mặt sớm ở Việt Nam để sản xuất và cung cấp các loại thực phẩm. Hơn nữa, nhu cầu thực phẩm ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại ngày càng tăng do đất nước phát triển, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp ngày một tăng” - Bảo nói.
* Tự tin với lối đi riêng
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi Lưu Phước Dũng cho biết: “Nếu có năng lực và điều kiện kinh tế thì học lên đại học là một lựa chọn tốt, nhưng thực tế nếu có đủ thông tin và đủ tự tin thì học cao đẳng nghề cũng có không ít cơ hội tươi sáng, rộng mở”.
Ông Lưu Phước Dũng dẫn chứng cụ thể: “Hiện nay, học viên những ngành công nghệ như may thời trang, da giày được đào tạo ở trình độ cao đẳng tại Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi có việc làm và thu nhập rất sớm. Những doanh nghiệp trong ngành công nghệ may và da giày nếu “chậm chân” thì không chắc có cơ hội tuyển dụng được sinh viên ở những ngành này vì nhiều em được doanh nghiệp “giữ chân” từ khi mới vào thực tập. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng lao động ngay chứ không cần đợi đến ngày có bằng tốt nghiệp”.
Phạm Văn Thành, học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (H.Trảng Bom) là một trong 17,5 ngàn học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nhưng không đăng ký xét tuyển vào đại học. Thành cho hay: “Em đã suy nghĩ nhiều về con đường vào đại học nhưng em thấy phía trước còn nhiều con đường khác ngắn và phù hợp hơn. Em đã chọn học ngành cơ khí chế tạo tại Trường cao đẳng Cơ giới thủy lợi (H.Trảng Bom) sau khi đến trường tìm hiểu. Điều may mắn hơn là cả cha mẹ cũng ủng hộ lựa chọn này của em. Nếu học hành chăm chỉ thì chỉ cần 3 năm là em đã có bằng cao đẳng cơ khí chế tạo trình độ quốc tế, mặt khác chi phí học tập chắc chắn sẽ thấp hơn đại học trong khi cơ hội việc làm luôn rộng mở”.
Sau khi tham khảo nhiều kênh thông tin, cân nhắc kỹ sở thích và năng lực của bản thân, Lê Nguyễn Mai Phương, học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (thuộc Sở GD-ĐT) đã quyết định đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào ngành du lịch của Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn (tại Q.10, TP.HCM). Phương cho hay: “Với năng lực học tập và nhất là khả năng kinh tế của cha mẹ có hạn nên nếu em cố gắng vào đại học sẽ là một áp lực cho chính em và gánh nặng kinh tế cho gia đình. Em quyết định học cao đẳng du lịch còn vì thấy phù hợp với sở thích, nhất là sau khi được tư vấn triển vọng ngày càng tốt hơn của ngành du lịch Việt Nam”.
Công Nghĩa