Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

10:07, 13/07/2020

Còn hơn nửa tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chính, Sở GD-ĐT đang tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết cho kỳ thi...

Còn hơn nửa tháng nữa, trên 28,3 ngàn thí sinh của Đồng Nai sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Với vai trò là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chính, Sở GD-ĐT đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan và trung thực.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.Biên Hòa) tranh thủ ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: C.nghĩa
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.Biên Hòa) tranh thủ ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: C.nghĩa

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2020 chia sẻ: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có nhiều thay đổi trong công tác tổ chức, Bộ GD-ĐT gần như giao quyền chủ động hoàn toàn cho địa phương tổ chức kỳ thi này, trừ việc ra đề thi. Chính vì trách nhiệm được giao rất nặng nề nên Sở GD-ĐT đã chủ động chuẩn bị từ khá sớm và chu đáo cho kỳ thi. Các khâu cần thiết đang được Sở GD-ĐT rà soát bổ sung, giao nhiệm vụ cụ thể”.

* Rốt ráo chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm nay Bộ GD-ĐT đã phải điều chỉnh khá nhiều nội dung, hình thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho học sinh lớp 12. Thời gian của kỳ thi diễn ra trễ so với các kỳ thi năm trước hơn 2 tháng. Kỳ thi có tên gọi mới là kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm. Nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 đã được Bộ GD-ĐT giảm tải. Mục đích chính của kỳ thi năm nay là để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 nên mức độ căng thẳng của kỳ thi sẽ giảm.

Điểm mới quan trọng của kỳ thi năm nay là kỳ thi được Bộ GD-ĐT giao cho địa phương chủ động hoàn toàn trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi. Các tỉnh sẽ tự huy động lực lượng cán bộ tổ chức coi thi tại chỗ, Bộ GD-ĐT sẽ không huy động lực lượng coi thi của các trường đại học cùng tham gia với địa phương tổ chức thi như mọi năm. Đây cũng là năm đầu tiên UBND tỉnh sẽ huy động lực lượng Thanh tra tỉnh làm công tác thanh tra tại kỳ thi. Bộ GD-ĐT chỉ cử các đoàn thanh tra đột xuất các điểm thi tại địa phương nhằm đảm bảo kỳ thi thực sự diễn ra nghiêm túc và công bằng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2020: Không được chủ quan, để xảy ra sơ suất

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có rất nhiều khâu do tỉnh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, do đó phải lựa chọn đội ngũ coi thi, chấm thi, phục vụ kỳ thi đảm bảo đủ năng lực, trách nhiệm và đạo đức. Nhiệm vụ đã giao cụ thể cho sở, ngành, địa phương nào thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm cho đến cùng. Những năm trước, tỉnh đều tổ chức thành công kỳ thi quan trọng này thì năm nay phải tiếp tục làm tốt hơn, tuyệt đối không được chủ quan, sơ suất.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 này Đồng Nai có 28.380 thí sinh đăng ký dự thi, gần bằng với số lượng thí sinh dự thi của năm 2019. Trong số đó có 23.796 thí sinh hệ THPT, 4.584 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do. Mục đích dự thi của thí sinh cũng chia thành từng nhóm khác nhau, trong đó có 9.985 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT (chiếm 35%). Số còn lại dự thi với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Có thí sinh năm trước đã đậu tốt nghiệp THPT nhưng năm nay vẫn đăng ký dự thi để lấy điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tương đương với năm trước, do đó Sở GD-ĐT đã có kế hoạch bố trí 58 điểm thi với số lượng 1.205 phòng thi tại 9 huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. TP.Biên Hòa là địa bàn có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất tỉnh với 9.246 thí sinh (chiếm 32% thí sinh toàn tỉnh), các huyện: Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom và Long Thành mỗi huyện có trên 2 ngàn thí sinh. H.Vĩnh Cửu là địa phương có ít thí sinh nhất với 1.300 thí sinh, các huyện còn lại có từ trên 1.500 thí sinh trở lên.

Để phục vụ cho kỳ thi năm nay, Sở GD-ĐT sẽ huy động 3.385 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, 290 người làm nhiệm vụ lãnh đạo các điểm thi, 250 người làm nhiệm vụ chấm thi. Ngoài ra, còn có khoảng gần 500 người làm công tác phục vụ, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm in sao đề thi, bên trong và ngoài khu vực thi và tại điểm chấm thi. Để đảm bảo an toàn và công bằng cho kỳ thi, Sở GD-ĐT sẽ bố trí cán bộ coi thi theo hướng, cán bộ địa bàn huyện này sẽ được phân công điều động sang coi thi ở địa bàn huyện khác, đồng thời tăng cường thêm lực lượng thanh tra của tỉnh về làm nhiệm vụ tại các địa điểm thi.

* Không được phép sai sót

Theo lịch của Bộ GD-ĐT công bố, thời gian của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được rút ngắn, thay vì 3 ngày như trước sẽ chỉ còn 2 ngày. Những năm trước, ngoài 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh còn được quyền chọn và thi cả 2 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tuy nhiên, năm nay thí sinh chỉ được chọn 1 bài, do cả 2 bài thi tự chọn này cùng diễn ra trong 1 buổi thi sáng 10-8. Do có sự thay đổi này nên ban giám hiệu các trường phải nhắc nhở thật kỹ thí sinh tham gia kỳ thi thực hiện nghiêm túc về thời gian các buổi thi.

Lưu ý quyền lợi của thí sinh

Kể từ kỳ thi năm nay trở đi, mỗi học sinh hoàn thành chương trình THPT hay giáo dục thường xuyên đều được cấp một giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học. Việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông này sẽ do các trường tự thực hiện xác nhận và cấp cho học sinh. Những thí sinh học hết lớp 12 nhưng chưa đậu tốt nghiệp THPT có thể dùng giấy chứng nhận này để đăng ký học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.

Thí sinh cũng cần lưu ý, năm nay để được xét tốt nghiệp THPT thí sinh phải đăng ký và dự thi đủ các bài theo quy định, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên. Tất cả các bài thi và các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp tự chọn lấy điểm xét tốt nghiệp đạt từ 1 điểm trở lên trong thang điểm 10 và phải có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên. Điểm thành phần xét tốt nghiệp THPT sẽ theo tỷ lệ 30% từ kết quả học tập lớp 12 và 70% từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, năm nay có thể mức độ căng thẳng của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm do mục đích chính chỉ là xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, nhưng áp lực với địa phương trong tổ chức kỳ thi này vẫn không hề giảm. Bà Huệ dẫn chứng, kỳ thi có rất nhiều khâu, do địa phương chủ động tổ chức nhưng nếu có sai sót sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi trên cả nước, chẳng hạn như khâu in sao đề thi, vận chuyển bảo quản đề thi, coi thi..., những khâu này phải tuyệt đối an toàn. Chính vì tầm quan trọng như vậy nên Sở GD-ĐT đang rà soát rất kỹ, phối hợp thật chặt chẽ trong việc chọn nơi tổ chức in sao đề thi, địa điểm thi, những người dự kiến sẽ tham gia những khâu đặc biệt quan trọng này. Hiện nay, Sở GD-ĐT đã cơ bản chuẩn bị đủ lực lượng cán bộ lãnh đạo các điểm thi, cán bộ coi thi, đồng thời tập huấn cho cán bộ chủ chốt các trường tham gia tổ chức thi.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đến nay Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2020 đã được thành lập với trên 35 thành viên, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp làm Trưởng ban và Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang làm Phó trưởng ban thường trực. Các sở, ngành như: Tài chính, Công an tỉnh, Y tế, GT-VT, Điện lực, VH-TTDL và 11 chủ tịch UBND các huyện, TP.Biên Hòa đều tham gia với vai trò là thành viên. 

Công Nghĩa

Tin xem nhiều