Không phải tất cả những người đến với công việc can thiệp trẻ tự kỷ đều xuất phát từ lòng yêu nghề. Nhưng nếu đã chọn gắn bó với nghề, họ phải là những người thực sự yêu thương, thấu cảm với những trẻ đặc biệt này.
Không phải tất cả những người đến với công việc can thiệp trẻ tự kỷ đều xuất phát từ lòng yêu nghề. Nhưng nếu đã chọn gắn bó với nghề, họ phải là những người thực sự yêu thương, thấu cảm với những trẻ đặc biệt này.
Dù khởi đầu với nhiều khó khăn, anh Nguyễn Quyền vẫn quyết tâm gắn bó lâu dài với công việc làm chuyên viên can thiệp trẻ tự kỷ. Trong ảnh: Anh Nguyễn Quyền trong giờ can thiệp nhóm. Ảnh: Hải Yến |
Bằng tình yêu thương, họ khiến trẻ cảm thấy an toàn, tin tưởng để bộc lộ bản thân. Từ đó, cả thầy cô và trò cùng kiên trì, bền bỉ để tiến bộ từng bước một…
* Vượt lên chính mình
22 tuổi, tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục (Trường đại học Sư phạm Huế), anh Nguyễn Quyền quyết định vào Đồng Nai và làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (TP.Biên Hòa). Ý định ban đầu đến với nghề của anh thật đơn giản. Trong chương trình học ở năm cuối đại học, Quyền được nghe nói về trẻ tự kỷ và cảm thấy muốn tìm hiểu sâu hơn về đối tượng này. Vì thế, anh đã chọn làm chuyên viên giáo dục trẻ tự kỷ.
Bước chân vào nghề, Quyền nhận ra rằng đây là công việc rất vất vả. Trẻ hoàn toàn không như trong tưởng tượng của anh. “Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với trẻ là các con thường xuyên đánh bạn, cắn bạn, ăn vạ bằng cách nằm lăn ra khóc, thậm chí là đập đầu vào tường… Nhưng khó khăn nhất đối với tôi lại là cảm giác cô đơn ở nơi làm việc. Ở đây, tôi có rất ít đồng nghiệp nam nên khó tìm được người để nói chuyện, chia sẻ” - anh Quyền nhớ lại những ngày đầu đến với nghề.
Vì thế, anh dành gần như toàn bộ thời gian để làm việc, tương tác với trẻ. Chứng kiến sự tiến bộ của học trò, anh cảm thấy có động lực, tự tin hơn và hòa nhập được với đồng nghiệp. Vượt qua được giai đoạn khó khăn này, anh Quyền quyết định ở lại và đã gắn bó với công việc được 2 năm.
Chị Hoàng Thị Thu tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) và từng có thời gian làm giáo viên mầm non trước khi đến với nghề can thiệp trẻ tự kỷ. Khi mới đến với công việc này, chị bị bất ngờ, thậm chí là “sốc” với những hành vi của trẻ. Vì không nói ra được, không biết cách thể hiện cảm xúc nên trẻ rất dễ cáu giận và thể hiện bằng những hành vi như: đấm đá, la hét, cào cấu, gào khóc...
“Làm công việc này đã được 6 năm, bên cạnh những vất vả thì thật sự bản thân cũng có tình cảm với các bé. Chỉ cần bé đến ôm ấp và gọi “cô Thu ơi” thì bản thân cũng đã cảm thấy rất vui rồi” - chị Thu chia sẻ.
Phải biết về trẻ tự kỷ thì mới có thể hiểu được vì sao trẻ chỉ thốt lên 3 từ “cô Thu ơi” lại khiến chị Thu vui nhường ấy. Những trẻ tự kỷ có bất thường về ngôn ngữ thường chậm nói, phát âm vô nghĩa, dạy không nói theo… Nhiều trường hợp phải can thiệp tích cực trong một thời gian dài mới có thể phát âm được liên tiếp 2, 3 từ và có nghĩa. Vì thế, khi trẻ gọi được “cô Thu ơi” nghĩa là quá trình can thiệp của cô đối với trẻ có tiến bộ. Và còn hơn thế nữa, trẻ đã thể hiện được sự tin tưởng, yêu mến cô.
* Cần sự đồng hành của phụ huynh
Ngoài áp lực từ sự tiếp xúc trực tiếp với trẻ, các chuyên viên can thiệp trẻ tự kỷ còn phải chịu áp lực về mặt tâm lý đến từ phía phụ huynh. Hầu hết cha mẹ khi gửi con đến trung tâm đều mong muốn con có tiến bộ nhanh, rõ rệt. Nhưng số trẻ đáp ứng được mong mỏi này lại rất ít. Thông thường, trẻ tiến bộ chậm, phải theo dõi cả một quá trình dài mới thấy được.
Chị Hoàng Thị Thu cùng chơi với trẻ tự kỷ trong tiết can thiệp cá nhân. Ảnh: Hải Yến |
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, người có 5 năm kinh nghiệm can thiệp trẻ tự kỷ cho biết: “Đôi khi, chính bản thân giáo viên cũng tự tạo áp lực cho mình: Tại sao mình đã tích cực can thiệp cho trẻ như vậy mà trẻ vẫn không tiến bộ? Tại sao trẻ lại tiến bộ chậm như vậy… Có rất nhiều câu hỏi mà tôi đã tự đặt ra. Có thời điểm tôi rơi vào khủng hoảng đến mức nghĩ rằng “hay là mình nghỉ việc rồi đi làm công nhân cũng được”. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chọn ở lại với các con”.
Điều khiến chị Thúy quyết tâm bám trụ với nghề không chỉ là lòng yêu trẻ mà còn là sự cảm thông dành cho các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ. Chị kể: “Tôi đã được dự nhiều hội thảo, được tiếp xúc với nhiều cha mẹ có con tự kỷ nên hiểu rõ mong mỏi của họ. Đó là làm sao để con tiến bộ, có thể hòa nhập và giao tiếp được với mọi người xung quanh. Nếu ai đến với nghề rồi cũng ra đi thì ai sẽ giúp cho những mong muốn đó thành hiện thực?”.
Theo chị Thúy, để trẻ có thể tiến bộ thì cần phải có sự phối hợp giữa chuyên viên và phụ huynh. Ngoài việc can thiệp trên lớp, các chuyên viên sẽ lên các mục tiêu, xây dựng hoạt động để phụ huynh cùng chơi với con khi về nhà. Tuy thế, không phải cha mẹ nào cũng có đủ thời gian, sự kiên nhẫn để “ngồi chơi” với con.
“Những trường hợp phụ huynh chịu hợp tác với thầy cô thì trẻ tiến bộ nhanh hơn. Nhưng nhiều phụ huynh lại “giao phó” hoàn toàn việc can thiệp trẻ cho các thầy cô. Có thể vì họ quá bận với công việc, có thể vì họ không biết cách chơi với con, hay đơn giản chỉ vì họ không có đủ kiên trì” - chị Thúy cho biết thêm.
Cùng chơi với trẻ thực chất là hoạt động can thiệp trẻ tự kỷ. Thông qua hoạt động này, thầy cô, cha mẹ sẽ giúp cho trẻ phát triển các kỹ năng như: giải quyết vấn đề, sắp xếp thứ tự và bắt chước. Hoạt động này cũng hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, kỹ năng vận động, tương tác xã hội… Cùng chơi với trẻ chính là hoạt động can thiệp cá nhân trong tiến trình hỗ trợ trẻ tự kỷ. Mỗi tiết can thiệp cá nhân thường chỉ kéo dài trong 30 phút, phù hợp với sự tập trung, tiếp nhận của trẻ.
Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức, mỗi ngày, mỗi học sinh đều có ít nhất 30 phút can thiệp cá nhân như vậy. Đối với các giáo viên, đây là khoảng thời gian thực sự riêng tư dành cho trẻ. Họ không chỉ tận dụng quãng thời gian này để giúp trẻ tiến bộ mà còn gắn chặt hơn sợi dây tình cảm giữa cô và trò. Chính “sợi dây” này đã níu kéo, giúp họ vượt qua mọi trở ngại để góp phần giúp cho những trẻ đặc biệt này có cơ hội được hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Hải Yến