Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trang cho sinh viên năm cuối

10:07, 15/07/2020

Không cần đợi ra trường, nhiều sinh viên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng khi đang học năm cuối. Có được kết quả này ngoài sự chủ động của sinh viên còn là nỗ lực của các trường đại học, cao đẳng trong việc kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên kỹ năng tìm việc làm.

Không cần đợi ra trường, nhiều sinh viên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng khi đang học năm cuối. Có được kết quả này ngoài sự chủ động của sinh viên còn là nỗ lực của các trường đại học, cao đẳng trong việc kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên kỹ năng tìm việc làm.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng trong cuộc phỏng vấn truyển dụng lao động của doanh nghiệp tại Ngày hội đào tạo kỹ năng và tuyển dụng ngành dược do nhà trường tổ chức. Ảnh: Hải Yến
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng trong cuộc phỏng vấn truyển dụng lao động của doanh nghiệp tại Ngày hội đào tạo kỹ năng và tuyển dụng ngành dược do nhà trường tổ chức. Ảnh: Hải Yến

* Những lỗi nhỏ mà không nhỏ

Ông Sugioka Yoshihisa, Tổng giám đốc công ty TNHH Amethyst Medical Việt Nam (trụ sở tại TP.HCM) là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng nhân sự. Từng trực tiếp xét hồ sơ, phỏng vấn các sinh viên mới ra trường nên ông hiểu rõ những điểm yếu của đối tượng ứng viên này.

Không bàn đến kiến thức, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng và thái độ chính là yếu tố quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên. “Nhiều bạn “quên” cả những điều căn bản nhất khi gặp nhà tuyển dụng. Họ không biết cách chào hỏi, không giới thiệu về bản thân. Tôi biết là truyền thống văn hóa của người Việt Nam rất xem trọng lời chào hỏi. Vì thế khi gặp những ứng viên “quên” chào, tôi rất ngạc nhiên và không hài lòng” - ông Yoshihisa cho biết.

Cũng theo ông Yoshihisa, nhiều người không chịu tìm hiểu về doanh nghiệp trước khi tham gia phỏng vấn. Vì vậy, khi nhà tuyển dụng hỏi về những mong muốn, mục tiêu của ứng viên trong công vệc thì họ không biết trả lời như thế nào.

Đi tìm việc làm mà không tìm hiểu về doanh nghiệp thì khi phỏng vấn ứng viên sẽ không biết nói gì. Kết quả là doanh nghiệp và ứng viên không hiểu nhau. Tất nhiên, kéo theo đó là kết quả tuyển dụng không như mong muốn.

 “Chúng tôi cũng biết là sinh viên mới ra trường thì không có kinh nghiệm làm việc. Vì thế, chỉ cần các bạn đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, thái độ, khi được tuyển dụng, công ty sẽ đào tạo để các bạn làm việc được” - ông Yoshihisa chia sẻ thêm.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngày nay, các ứng viên không chỉ viết và nộp hồ sơ trực tiếp mà còn thực hiện các “hồ sơ số”. Với kiểu hồ sơ này, ứng viên sẽ nộp qua địa chỉ email đến nhà tuyển dụng. Với cách thức này, các tân cử nhân cũng gặp không ít lỗi.

Bà Phạm Thanh Lan, Giám đốc nhân sự Công ty CP Tập đoàn Merap (trụ sở TP.HCM) kể: “Nhiều bạn viết email cho nhà tuyển dụng mà không có tiêu đề, không biết kính gửi ai, không biết viết lời chào như thế nào… Bản thân chúng tôi làm tuyển dụng, điều đầu tiên đòi hỏi là các bạn phải viết đầy đủ thông tin, không được sai lỗi chính tả và lỗi câu chữ. Vì nếu vướng phải những lỗi này thì các bạn bị mất thiện cảm ngay”.

* Cơ hội rộng mở cho sinh viên

Trần Thị Huỳnh Như hiện là sinh viên năm cuối Khoa dược Trường đại học Lạc Hồng. Chị dự định sau khi tốt nghiệp sẽ về quê Bình Phước tìm việc làm. Khi chưa tìm được “bến đỗ” thì nhà trường tổ chức Ngày hội đào tạo kỹ năng và tuyển dụng ngành dược với sự tham gia của 3 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dược, dụng cụ y khoa. Sau khi được nghe đại diện của 3 doanh nghiệp chia sẻ về những kỹ năng, thái độ cần có khi ứng tuyển, Như quyết định điền thông tin ứng tuyển vào hệ thống nhà thuốc Long Châu. Chị kỳ vọng sẽ được tuyển dụng và điều chuyển về làm việc tại quê nhà.

Cao Văn Toàn cũng là sinh viên năm cuối Khoa Dược nhưng học chuyên ngành chính là dược bệnh viện. Vì thế, Toàn đã quyết định sẽ tìm việc làm ở bệnh viện.  Tuy vậy, Toàn vẫn tham gia ngày hội này vì muốn được giới thiệu những kỹ năng viết hồ sơ xin việc gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Toàn tham gia sự kiện này. Toàn cho biết, anh đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu để sẵn sàng cho các buổi phỏng vấn tuyển dụng sắp tới.

Ông Nguyễn Tấn Vỹ, Giám đốc nhân sự Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu (TP.HCM) cho rằng, đa phần các sinh viên mới ra trường đều năng động. Đây cũng là ưu thế của tuổi trẻ. Tuy nhiên, điểm yếu của họ lại là thiếu kiên trì, sự lăn xả trong công việc. Những người có suy nghĩ cống hiến, học hỏi kinh nghiệm trước rồi mới đòi hỏi sau thường là những người sẽ thành công hơn trong công việc.

Các chương trình hướng dẫn kỹ năng kết hợp với tuyển dụng trực tiếp tại trường đại học là cơ hội tốt để doanh nghiệp và sinh viên hiểu nhau. Từ đó, sinh viên có cơ hội việc làm, nhà tuyển dụng cũng có thể tuyển dụng được nhân sự như ý. Đáng mừng là những ngày hội như vậy đang được các trường đại học, cao đẳng chú ý và tổ chức ngày càng nhiều.

“Trong 3 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy sự chủ động cùa các trường ngày càng tốt hơn. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều có phòng quan hệ doanh nghiệp. Đây là đơn vị phụ trách việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường. Sự kết nối này là rất cần thiết. Đơn vị đào tạo nào có sự chủ động liên kết với doanh nghiệp để sinh viên được cọ xát với thực tế thì khả năng thích ứng và sự phát triển của sinh viên mới cao” - ông Vỹ cho hay.

Ông Trương Anh Minh, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên (Trường đại học Lạc Hồng) chia sẻ, hằng năm, nhà trường đều tổ chức ngày hội việc làm dành cho sinh viên toàn trường. Tuy nhiên, ngày hội việc làm này không đi vào trọng tâm của từng ngành nghề cụ thể. Vì vậy, trường tổ chức thêm các ngày hội việc làm riêng dành cho từng ngành học. Thời gian tổ chức phù hợp với thời điểm tốt nghiệp của sinh viên hoặc nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bằng cách làm này, doanh nghiệp và sinh viên hiểu nhau hơn. Sinh viên cũng trở nên tự tin hơn khi tiếp xúc với doanh nghiệp.

“Mục tiêu đặt ra của nhà trường là sinh viên không cần đợi đến khi tốt nghiệp mới đi tìm việc làm mà sẽ được nhận việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường” - ông Minh cho biết.

Thực tế, mục tiêu như ông Minh chia sẻ hoàn toàn khả thi, bởi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là nhu cầu có thực. Doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp cận, tuyển dụng sinh viên trước khi tốt nghiệp. Điều quan trọng là sự chủ động của sinh viên. Cơ hội việc làm sẽ đến với những sinh viên chịu khó học hỏi và có ý thức nghiêm túc, cầu tiến trong công việc.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích