Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, lực lượng lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ để đi làm rất đông. Trong đó, người có điều kiện việc làm tốt, thu nhập cao thì thuê nguyên căn nhà hoặc thuê những căn hộ cao cấp để ở. Riêng người thu nhập thấp, lao động giản đơn thì chọn những khu nhà trọ bình dân tá túc.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, lực lượng lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ để đi làm rất đông. Trong đó, người có điều kiện việc làm tốt, thu nhập cao thì thuê nguyên căn nhà hoặc thuê những căn hộ cao cấp để ở. Riêng người thu nhập thấp, lao động giản đơn thì chọn những khu nhà trọ bình dân tá túc.
Một số người ở trọ tại ấp Vàm, xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) vui mừng khi được Ban điều hành ấp Vàm tặng gạo. Ảnh: Đ.Phú |
Trên địa bàn tỉnh có hàng chục ngàn khu nhà trọ, riêng TP.Biên Hòa hiện có hàng ngàn khu nhà trọ bình dân. Người thuê trọ đến từ nhiều vùng, miền khác nhau trên cả nước, với nhiều số phận và hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là mong muốn trụ lại tại vùng “đất lành” Đồng Nai để mưu sinh.
* Ở trọ có... “thâm niên”
Khu nhà trọ của ông Hai Hồng (ấp Tân Phát, xã Đồi 61, H.Trảng Bom) hình thành được hơn 15 năm thì gia đình bà Nguyễn Thị Lựu (60 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang) thuê trọ cũng được từng ấy năm. Bà Lựu cho biết, trước khi về đây sinh sống, gia đình bà thay đổi chỗ trọ trên 10 lần. Do 4 người con của vợ chồng bà lần lượt lập gia đình, sinh con nên gia đình bà lại tìm chọn những khu nhà trọ phù hợp hơn để các gia đình có thể sống gần nhau.
Cùng khu nhà trọ với bà Lựu, có vợ chồng bà Hai Hẳn (63 tuổi, tỉnh Tây Ninh) có thời gian ở trọ trên 40 năm. Bà Hai Hẳn thủ thỉ, bệnh tật, tuổi già, sống bám vào con cái thì làm gì bà có điều kiện mua đất cất nhà riêng để ở. Do đó, 2 vợ chồng bà thuê nhà trọ nhỏ này để ở và đi làm thuê, làm mướn mưu sinh.
Trong thời gian qua, để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Liên đoàn Lao động tỉnh và các huyện, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động như: tặng quà, triển khai các máy ATM gạo nghĩa tình và Siêu thị 0 đồng tại các địa phương tập trung đông công nhân lao động như: Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu... Điều này góp phần chia sẻ khó khăn với người lao động, nhất là những người lao động ở nhà trọ, trong thời điểm thu nhập bị giảm do dịch bệnh. |
Tương tự, anh Tám Tài (quê tỉnh Bình Thuận, làm nghề thợ hồ), ở trọ tại KP.5, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) hơn 10 năm qua cho biết, 15 tuổi anh đã rời quê đến TP.Biên Hòa lập nghiệp. Sau khi lấy vợ được 3 năm tưởng thoát khỏi cảnh ở trọ (vì ở nhờ nhà vợ) thì lại phải quay lại gác trọ vì vợ chồng ly hôn. Từ đó đến nay, anh Tám Tài chuyển 6-7 chỗ trọ, cứ nhà trọ nào xây mới, giá rẻ là anh tìm đến thuê trọ để có chỗ ở tốt hơn, phù hợp với thu nhập của anh.
Trong căn phòng trọ 20m2 chẳng có đồ dùng sinh hoạt nhiều, anh Tám Tài tâm sự: “Những người có cả chục năm gắn bó với nhà trọ như tôi hiện nay không hiếm. Phần lớn đều làm những công việc giản đơn, lao động chân tay nên thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày. Tôi chỉ mong có sức khỏe để đi làm kiếm sống, đủ tiền trả nhà trọ, lo cho bản thân là vui rồi”.
Cũng theo anh Tám Tài, nơi anh trọ có 3 gia đình ở trọ trên 20 năm. Nghe nói họ tới đây khi khu đất này còn trống, chỉ lèo tèo mấy căn nhà, nhưng nay thì nhà cửa ken đặt. Những căn nhà trọ vốn nhỏ hẹp lại càng thêm chật chội vì không gian bên ngoài bị thu hẹp nhưng ở riết cũng quen.
Trong khi đó, ông Bảy Phú (quê tỉnh Bình Phước, ngụ tại khu nhà trọ KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) bộc bạch, nơi ông thuê trọ có những khách trọ gần như cả đời gắn với những khu nhà trọ. Thành phần thuê trọ có cả trí thức đến người lao động chân tay như: phụ hồ, hớt tóc, công nhân, giáo viên... Phần lớn người ở trọ đều làm ăn lương thiện để mưu sinh nhưng cũng có một vài trường hợp vì quá khó khăn, túng quẫn nên “bịa, chuyện” làm ăn lớn, quan hệ rộng để vay mượn tiền hoặc quỵt tiền thuê phòng của chủ nhà trọ.
* Ấm áp tình người
Theo chia sẻ của nhiều người đi ở trọ, sống ở nhà trọ diện tích chật chội; người thuê trọ đến nhiều tỉnh, thành khác nhau nhưng đa phần đều dễ đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn...
Những người ở trọ tại KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) thường qua lại thăm hỏi, động viên nhau khi có ai bệnh tật, gặp khó khăn |
Chị Phương Nga (ở trọ tại KP.2, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Cùng đi ở trọ dễ thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn nên những người sống trong khu nhà trọ của tôi rất tình cảm, sẵn lòng giúp đỡ nhau khi cần thiết. Có lúc trong túi tôi không có tiền nhưng hễ thấy người trong khu nhà trọ bệnh tật, không có người thân là tôi làm chuyện bao đồng, vận động bạn bè trong cơ quan ủng hộ ít tiền để đưa họ đi bệnh viện”.
Còn chị Thu Minh (khu nhà trọ đối diện với chị Phương Nga) thì kể, vừa rồi khu nhà trọ của chị xảy ra chuyện “vừa thương vừa giận”, thanh niên T. dẫn một cô gái bị tật nguyền do quen trên mạng về làm vợ. Được vài ngày thì cô này đòi về nhưng anh T. không có tiền lo cho cô gái về. Thấy cô gái than khóc, mọi người trong khu nhà trọ góp nhau được gần 2 triệu đồng để cô gái có tiền về quê.
Công nhân khu nhà trọ ở KP.3, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cùng nhau tìm hiểu các quy định mới của pháp luật liên quan đến lao động |
“Cũng là ở trọ nhưng thuê nhà riêng lẻ của dân địa phương thì thoải mái, tự do trong sinh hoạt. Còn ở phòng trọ thì chật hẹp, dễ xung đột với hàng xóm bởi những chuyện lặt vặt như: xả rác, để xe chắn lối đi, nói chuyện ồn ào, tổ chức nhậu nhẹt... Do đó phải luôn biết giữ ý tứ trong sinh hoạt, nếu không ứng xử khéo dễ phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến xô xát không đáng có” - chị Thu Lan (khu nhà trọ ở ấp Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) bộc bạch.
Thấu hiểu với hoàn cảnh khách thuê trọ, nhiều chủ nhà trọ cũng thường xuyên giúp đỡ, giảm tiền thuê trọ khi người ở trọ gặp khó khăn đột xuất. Điển hình như trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn tỉnh có nhiều chủ nhà trọ tự nguyện giảm giá hoặc miễn tiền thuê phòng cho người thuê trọ.
Cụ thể ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Tam An, H.Long Thành) hiện có 30 phòng với trên 70 công nhân cư trú, mỗi phòng anh cho thuê giá 900 ngàn đồng. Hằng năm, ông đều dành một khoản thu nhập để ủng hộ người nghèo, nhưng trong dịch bệnh Covid-19, ông Thanh quyết định làm từ thiện bằng cách giảm 50% giá thuê trọ cho tất cả công nhân bị ảnh hưởng công việc do công ty thiếu nguyên liệu sản xuất, cho tạm nghỉ việc. Việc làm ý nghĩa của ông Thanh đã giúp cho nhiều người lao động giảm bớt nỗi lo chi phí nhà trọ trong những ngày nghỉ việc, tạm nghỉ việc, giảm thu nhập do dịch bệnh.
Đoàn Phú