Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi dơi rừng, thu bạc tỷ

10:07, 16/07/2020

Từ ý tưởng 'nuôi dơi diệt muỗi' của một bác sĩ, một số hộ dân ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) đã nuôi thành công hàng trăm ngàn con dơi rừng. Mô hình nuôi dơi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, mùa màng và quan trọng hơn là phòng, chống nhiều loại dịch bệnh có nguồn gốc từ muỗi và côn trùng.

Từ ý tưởng “nuôi dơi diệt muỗi” của một bác sĩ, một số hộ dân ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) đã nuôi thành công hàng trăm ngàn con dơi rừng. Mô hình nuôi dơi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, mùa màng và quan trọng hơn là phòng, chống nhiều loại dịch bệnh có nguồn gốc từ muỗi và côn trùng.


 

Chòi nuôi dơi nhà ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Phương Liễu
Chòi nuôi dơi nhà ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Phương Liễu

 

* Công phu việc “dụ” dơi rừng

Phú Lý là một xã vùng sâu, vùng xa của H.Vĩnh Cửu với bốn bề là rừng nguyên sinh. Với sự đa dạng sinh học, nơi đây đã trở thành khu tụ hợp, sinh sống của nhiều loài động vật, trong đó có loài dơi chuột hoang dã.  Điều đáng nói, tập tính của loài dơi chuột sống theo bầy đàn với số lượng lớn và chỉ ăn các loài côn trùng, đặc biệt là muỗi...

Do xung quanh là rừng nên xã Phú Lý nhiều năm trước đây là xã nguy cơ cao về  dịch bệnh liên quan đến muỗi như: sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng da, phù chân voi… Thực tế này khiến BS Hồ Văn Hoài, từ năm 2015 khi còn là Trưởng trạm Y tế xã đã có ý tưởng “dụ” dơi rừng về diệt muỗi, phòng chống dịch bệnh.

Hơn 30 năm sinh sống ở vùng rừng nguyên sinh này, BS Hoài biết nơi đây có một loài dơi chuột sống hoang dã có tên khoa học Vespertilio. Âm thầm tìm hiểu, BS Hoài phát hiện loài dơi này đặc biệt chỉ thích ăn các loại côn trùng, nhất là muỗi mà không phá hoại mùa màng như những loại dơi chó, dơi quạ... Đặc biệt, phân của loài dơi này có giá trị cao cho nhiều loại cây trồng và đang rất "được" giá trên thị trường. Ý tưởng “lạ lùng” này của BS Hoài đã được một số chủ vườn hưởng ứng cùng đi thực tế về An Giang, Trà Vinh, Tiền Giang... để học cách dẫn dụ và nuôi dơi rừng.

 

Ông Nguyễn Đình Biên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý cho biết, mô hình nuôi dơi do BS Hồ Văn Hoài khởi xướng rất có lợi cho sức khỏe con người và môi trường. Do đây là vùng rừng nguyên sinh nên các loài muỗi và côn trùng rất nhiều. Từ khi trên địa bàn xã có những chòi dơi nuôi, côn trùng, dịch bệnh cũng giảm nhiều.

 

Sau vài chuyến đi học tập kinh nghiệm, ông Phan Văn Minh, một chủ nhà vườn ở ấp Lý Lịch 4, xã Phú Lý là người đầu tiên mạnh dạn đầu tư cho “công nghệ” nuôi dơi rừng. Để dẫn dụ dơi hoang dã về, thoạt đầu ông Minh bắt khoảng chục con dơi cho vào lồng rồi treo ở cành cây cao để đàn dơi nghe tiếng kêu của đồng loại mà kéo về. Cứ thế, khi làm xong chòi thì cũng là lúc chúng đã quen đường tỏ lối mà kéo đến sinh sống.

Ông Minh cho biết, tìm hiểu kỹ tập tính cùng thói quen của loài dơi này được biết, dơi chuột rất dễ bị những loại cú mèo, rắn... “xơi thịt” nên chúng thường ẩn trú trên những loại cây có sóng lá cứng, tán rộng. Và trong quá trình làm những chòi dơi, ông Minh chia sẻ, dơi là loài hoang dã và cũng thích ở chỗ tốt nên ông phải chọn chỗ xa khu dân cư, môi trường yên tĩnh để làm chòi cho dơi ở. Những chòi dơi được dựng cao từ 9-12m, bên trên là nhà của chúng, bên dưới được giăng lưới để thu hoạch phân dơi.

Để có “ngôi nhà”  lý tưởng cho những chú dơi sinh sống, lá thốt nốt là vật liệu tốt nhất để làm chỗ cho dơi đậu nên ông Minh phải về tận miền Tây Nam bộ, có khi phải ra tận chợ biên giới Tịnh Biên (tỉnh An Giang) để mua lá thốt nốt khô. Mỗi chòi cần khoảng 3 ngàn lá xâu thành 3 chuỗi giăng thành hàng cách nhau từ 30-50cm để dơi có chỗ bay ra, bay vào. Hiện nhà ông Minh có 3 chòi với tổng đàn dơi lên đến hơn 60 ngàn con. Số tiền ông đầu tư 4 chòi nuôi dơi cũng gần 400 triệu đồng.

Cũng là chủ một nhà vườn lớn ở ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, ông Nguyễn Văn Sáu nhiều năm từng về miền Tây Nam bộ mua phân dơi đem lên bón cho cây ăn trái, nay thấy ông bạn thành công trong việc nuôi dơi lấy phân tại chỗ, ông Sáu hồ hởi học hỏi, làm theo. Đến nay, hộ ông Sáu cũng đã có 3 chòi nuôi dơi.

Kể về việc chăm sóc dơi, ông Sáu cho hay, ngoài kỹ thuật được ông Minh và BS Hoài hướng dẫn, do dơi là động vật hoang dã nên gia đình ông còn mua thuốc về phun trừ các loại bọ chét, rận rệp, dịch bệnh thường có trong môi trường tự nhiên để đàn dơi được khỏe mạnh. Do làm sau, rút kinh nghiệm từ những hộ khác, ông Sáu có một số cải tiến hơn nên đã thu hút được khoảng 90 ngàn con về 3 chòi dơi trong vườn nhà mình.

Hiện nay, xã Phú Lý có 4 hộ nuôi dơi gồm 9 chòi với gần 150 ngàn con. Theo anh Nguyễn Thanh Long, một hộ nuôi dơi cũng ở ấp Lý Lịch 1, “công nghệ” nuôi dơi cũng công phu. Bởi dơi là loài hoang dã và người nuôi không thể nhân giống nên chỉ có cách “dụ” dơi về bằng việc làm những “ngôi nhà” tốt nhất để chúng về ở. Và bầy dơi cũng rất biết cách chọn “nhà” tốt nhất, "tiện nghi" nhất để tập hợp bầy đàn về sống.

“Nuôi dơi không cần phải cho ăn, chỉ cần chăm chút cho "ngôi nhà” của chúng được sạch như thay lá mỗi tháng, xịt thuốc để ngăn ngừa các dịch bệnh có trong môi trường hoang dã để đàn dơi khỏe, ăn nhiều, thải phân nhiều là mình có  thu nhập” - anh Long vui vẻ cho biết.

* Nuôi dơi: mũi tên trúng 3 đích

BS Hoài, người khởi xướng ý tưởng nuôi dơi cho biết: “Do đây là vùng sát rừng rậm nên ban đầu tôi chỉ nghĩ nuôi dơi nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh do muỗi, nhưng càng đi sâu tìm hiểu, tôi lại càng thấy nhiều ích lợi từ việc nuôi loài dơi chuột này, chẳng khác nào một mũi tên trúng nhiều đích: không chỉ hạn chế được dịch bệnh do muỗi, dơi còn diệt cả nhiều loại côn trùng khác giúp bảo vệ mùa màng, cây cối và phân dơi đang là nhu cầu lớn của nhiều nhà vườn”.

Thu hoạch phân dơi ở chòi nuôi dơi nhà ông Phan Văn Minh (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu)
Thu hoạch phân dơi ở chòi nuôi dơi nhà ông Phan Văn Minh (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu)

Theo BS Hoài, trời  nhá nhem tối thì đàn dơi đi ăn và khoảng 5 giờ sáng trở lại chuồng. Một đêm mỗi con dơi có thể bắt được hàng ngàn con muỗi, côn trùng trung gian truyền bệnh mà không cần phải xử lý bằng việc phun xịt hóa chất trừ muỗi và lăng quăng như trước đây, độc hại cho con người lẫn môi trường. Hơn nữa, đây là loài dơi chuột, chúng sống thân thiện với môi trường chứ không tàn phá cây trồng như những loài dơi khác nên có thể nuôi số lượng lớn. Tất nhiên, các chòi cũng phải đặt cách xa nhau để có đủ thức ăn cho các đàn dơi mà chúng không bị chia đàn do “tranh giành” địa bàn sống.

Trong khi BS Hoài đang thấy phấn chấn vì mục đích nuôi dơi diệt trừ dịch bệnh của mình đã thành hiện thực khi số ca sốt xuất huyết ở Phú Lý và cả một số địa bàn lân cận khác cũng giảm dần nhờ các đàn dơi nuôi, thì những hộ dân như ông Minh, ông Sáu, anh Long lại thêm hồ hởi vì hiệu quả kinh tế từ đàn dơi vượt ngoài dự kiến.

Ông Sáu cho biết, hiện phân dơi có giá từ 60-80 ngàn đồng/kg. Với 3 chòi và 90 ngàn con dơi, mỗi ngày cho khoảng từ 20-30kg phân dơi, một năm gia đình ông Sáu đã thu được hơn 500 triệu đồng từ bán phân dơi. Trong khi đó, do lượng côn trùng, sâu bọ đục phá cây cối giảm đáng kể do bị đàn dơi “xơi tái” nên gián tiếp đem lại môi trường trong lành cho cây cối phát triển. Giá trị thu hoạch trái cây các loại như: xoài, cam, quýt, bưởi... vườn nhà ông đã tăng thêm 30%, tính ra mỗi năm hộ ông Sáu thu về ít nhất 1-2 tỷ đồng gia tăng từ đàn dơi nuôi.

Còn hộ ông Minh thì cũng thành công đáng kể từ mô hình này. Với đàn dơi khoảng 60 ngàn con, mỗi ngày cho từ 10-20kg phân, không những đủ bón cho vườn cây ăn trái 6ha nhà mình mà mỗi năm ông còn bán số phân dơi thừa được khoảng 200 triệu đồng. Riêng giá trị gia tăng từ cây trái được mùa do cây trồng không bị sâu bệnh, côn trùng tàn phá mỗi năm cũng thu về tiền tỷ.

Dù không trực tiếp nuôi dơi, nhưng nhiều hộ làm vườn ở ấp Lý Lịch 1 cũng được hưởng “ké” thành quả. Hộ bà Trần Thị Luông ở gần nhà ông Sáu cho biết: “Trước đây khi nhà ông Sáu chưa nuôi dơi, 2ha vườn xoài, cam, quýt nhà tôi khi ra hoa tôi phải xịt thuốc trừ sâu, rầy, côn trùng 3-4 lần/mùa. Giờ nhờ đàn dơi nhà ông Sáu mà tôi chỉ còn phun 1 lần thuốc, có thể do côn trùng đã bị đàn dơi diệt hết".

Hiện nay, mô hình nuôi dơi phòng, chống các bệnh truyền nhiễm do muỗi đang được Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu giám sát, thu thập dữ liệu để làm một đề tài khoa học nuôi dơi và công tác phòng, chống dịch bệnh. Dù chưa có kết luận khoa học, song hiệu quả về giảm nguy cơ dịch bệnh, gia tăng lợi ích kinh tế thì đã thấy rõ. Hiện nhiều hộ dân ở các xã lân cận như: Mã Đà, Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) cũng đang bắt đầu học theo nông dân xã Phú Lý nuôi dơi rừng.   


                Phương Liễu

 

Tin xem nhiều