Thừa cân, béo phì là một bệnh mạn tính không lây, tuy nhiên lại có nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Thừa cân, béo phì là một bệnh mạn tính không lây, tuy nhiên lại có nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Bác sĩ khám sức khỏe, tư vấn chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: An Yên |
* Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây thừa cân, béo phì
Theo báo cáo của Khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2019 thống kê trên địa bàn tỉnh có hơn 1.400 trẻ dưới 5 tuổi phát hiện thừa cân, béo phì.
BS Nguyễn Thị Ngần, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng cho biết, trẻ thừa cân, béo phì chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Khẩu phần ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể, do đó năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy. Những trẻ có chế độ ăn giàu chất béo, năng lượng cao có liên quan chặt chẽ với gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Cùng với yếu tố ăn uống thì lười vận động cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên căn bệnh thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, một số nguy cơ tạo nên thừa cân như: Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi... Trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, thức ăn nhanh, ăn nhiều vào buổi tối, đặc biệt trước khi đi ngủ.
Ngủ ít cũng được xem như là một yếu tố nguy cơ cao đối với thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi.
* Hậu quả của thừa cân, béo phì đối với cơ thể
Thừa cân, béo phì làm tăng các yếu tố nguy cơ bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Về lâu dài, béo phì ở trẻ em sẽ trở thành béo phì ở tuổi trưởng thành và liên quan tới tất cả các bệnh mạn tính không lây nhiễm, thường dai dẳng và rất khó xử trí.
Cụ thể như bệnh rối loạn tiêu hóa: dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt High fructose corn syrup (HFCS) có trong nước có ga và các loại thực phẩm đóng hộp. Đường fructose và chất tạo ngọt HFCS đến gan sẽ chuyển hóa một phần thành acid béo gây tình trạng gan nhiễm mỡ.
Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và kháng insulin thường thấy ở trẻ em béo phì và rối loạn lipid máu xuất hiện liên quan đến tăng tích lũy mỡ ở bụng.
Những thay đổi về nồng độ lipoprotein và lipid huyết thanh, huyết áp và insulin huyết tương ở trẻ em béo phì kéo dài đến tuổi thiếu niên. Tình trạng béo phì ở trẻ em tại thời điểm ban đầu có liên quan đến sức khỏe trẻ khi trưởng thành.
Thoái hóa khớp, đau thắt lưng: khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Hệ nội tiết, chuyển hóa: tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút.
Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: khi trẻ bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.
Hệ tim mạch: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.
Hệ hô hấp: giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm.
Mắc bệnh mạn tính khi tuổi trưởng thành: Trẻ thừa cân, béo phì có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...
* Cách xử trí thừa cân, béo phì ở trẻ em:
Chế độ ăn:
Đối với trẻ sơ sinh cần nuôi con bằng sữa mẹ ngay sau sinh và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng. Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, chế độ ăn cân đối, hợp lý, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi. Cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa.
Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem sữa đặc có đường. Không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: bơ, phô mai, bánh, kẹo, sô cô la, kem, nước ngọt trong nhà. Không nên cho trẻ ăn nhiều vào lúc tối trước khi đi ngủ. Tăng cường hoạt động thể lực ở trẻ.
So với điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động. Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao. Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như: đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, bơi lội... Hướng dẫn trẻ sống năng động, tham gia làm các công việc ở nhà: lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc...
Hạn chế ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử... Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa, chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.
Thanh Tú (ghi)