Nghề gò thiếc Kim Bích xuất hiện ở KP.2, P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) từ những năm 1970. Từ "xứ" gò thùng ban đầu ở khu vực giáo xứ Kim Bích với hơn chục hộ, giờ đã có cả trăm hộ đang sống với nghề...
Nghề gò thiếc Kim Bích xuất hiện ở KP.2, P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) từ những năm 1970. Từ “xứ” gò thùng ban đầu ở khu vực giáo xứ Kim Bích với hơn chục hộ, giờ đã có cả trăm hộ đang sống với nghề. Từng có thời làng nghề này gần như bị mai một, nhưng hiện nay sản phẩm thiếc gò “made in Kim Bich” không chỉ được đưa đi nhiều nơi mà còn xuất khẩu ra nước ngoài...
Ông Triệu Bá Đón (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) nhận sửa hàng cho khách. Ảnh: P.Liễu |
“Giữ lửa” nghề, nhiều thế hệ thợ gò cả đời lăn lộn, tìm tòi, học hỏi để đưa nghề gò hàn truyền thống ngày một phát triển, mặc cho những vết sẹo do bị thiếc cắt, cứa trên đôi tay họ mỗi ngày một dày hơn.
* Rộn rã “xứ”... gò thùng
Một ngày mới ở “xứ” gò thùng Kim Bích bắt đầu bằng những âm thanh ồn ã của tiếng máy cắt, máy cuốn, máy dập; tiếng búa gò trên đe và tiếng va chạm, khua lách cách của sản phẩm được chất lên xe giao hàng... Có thể với những người không ở đây, hoạt động của “xứ” gò thùng này thật ồn ào và phiền toái, nhưng với những hộ dân làng gò từ mặt tiền đường Nguyễn Ái Quốc đến trong các con hẻm chạy quanh Giáo xứ Kim Bích thì không, sự ồn ã ấy chính là những âm thanh vui nhộn, đánh thức nhịp sống mỗi ngày.
Cụ Nguyễn Văn Đàn, 86 tuổi, một người có thâm niên hơn 40 năm làm nghề gò thiếc ở đây giải thích vì sao làng nghề lại có tên “xứ” gò thùng Kim Bích. Đó là những năm đầu thập niên 70 của thế hệ trước, các gia đình giáo dân theo đạo Công giáo ở đây đều sinh sống tập trung và làm nghề gò thùng ở quanh khu vực Giáo xứ Kim Bích, nên từ đó cái tên “xứ” gò thùng Kim Bích được xem như một thương hiệu giúp làng nghề này không lẫn với những làng nghề gò thùng nơi khác.
Ông Vũ Văn Chiêu, Chủ tịch UBND P.Hố Nai cho biết, làng nghề gò hàn Kim Bích có mặt trên địa bàn từ rất sớm. Đây cũng là làng nghề nổi tiếng với hàng trăm hộ dân theo nghề. Hiện tại số lượng hộ làm nghề cũng có giảm đi một nửa so với thời hoàng kim chục năm trước đây. Lý do, đây là nghề vất vả và phần lớn con em của những hộ làm nghề sau này được học hành đến nơi đến chốn, ra trường đi làm các ngành nghề khác nên không theo nghề gia đình. Do đó, chỉ còn những người trung tuổi giữ nghề là chính. Trong xu hướng phát triển cơ cấu kinh tế địa phương, P.Hố Nai cũng lưu ý bảo tồn và phát triển nghề gò hàn truyền thống, nhưng có giữ được hay không còn phụ thuộc vào thị trường. |
Cụ Đàn kể, ngày ấy sản phẩm của làng không đa dạng chủng loại, mẫu mã cũng như tinh xảo như bây giờ, mà rất thô sơ, kiểu dáng giản đơn, chủ yếu là máng xối nước, máng đựng cám heo, thùng xô chậu, vò đựng gạo, nồi nấu rượu, ki hốt rác... Trải qua nhiều thăng trầm, từ những sản phẩm đơn giản, thô sơ, chủ yếu bán lẻ của hàng chục năm trước, giờ đây nghề gò hàn Kim Bích đã rất phát triển với hàng chục, hàng trăm sản phẩm khác nhau, sự tinh xảo và chất lượng cũng được nâng lên.
Hiện nay, nhiều hộ trong làng nghề đã không còn gia công hàng chợ mà đã chuyển sang lập công ty, nhận gia công số lượng lớn thiết bị, dụng cụ theo đơn đặt hàng của các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, những năm 2010, nghề gò hàn ngày càng trở nên thịnh vượng khi có các hợp đồng làm khay, chậu hoa trị giá hàng trăm triệu đồng... Những năm tháng ấy, nghề gò hàn ở “xứ” gò thùng Kim Bích ăn nên làm ra.
Tâm sự về nghề, anh Hoàng Long, một người có thâm niên hơn 25 năm làm nghề ở tiệm gò hàn Thái Lan của gia đình cho hay, để có được sản phẩm tốt, đẹp, chi tiết sắc sảo, những người thợ gò phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Tuy nhiên, quy trình chính vẫn là cắt, gò và ghép. Trước đây nguyên liệu chính để làm hàng chủ yếu là thiếc và tôn, bây giờ còn có thêm nhôm lá và tấm i-nox nữa. Dù được hỗ trợ bởi máy móc trong khâu cắt, dập hoa văn nhưng vẫn có những công đoạn đòi hỏi tính thủ công, tỉ mỉ cao như: định hình chi tiết, cuốn mép, bo miệng sản phẩm... đều phải được gia công bằng tay.
“Thực ra, khoán hết cho máy móc làm cũng được, nhưng như vậy thì phải đầu tư nhiều loại máy móc, tốn kém lớn và chỉ phù hợp với những tiệm thường xuyên có hợp đồng lớn. Còn gia đình tôi, chỉ mua những loại máy cơ bản, còn khâu nào làm thủ công được thì vẫn làm” - anh Long nói.
“Muốn biết đâu là người làm nghề lâu năm, lăn lộn, tâm huyết thì cứ nhìn đôi tay của người ấy, vết sẹo càng nhiều, càng dày kinh nghiệm” - cụ Đàn nói vui. Quả thực như vậy, theo những người làm nghề gò hàn lâu năm ở đây chia sẻ, làm nghề này nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn lao động, nhẹ thì trầy xước, nặng thì đứt gân, đứt mạch máu bởi những tấm thiếc mỏng mà sắc như dao. Nếu khi làm việc sơ suất, chểnh mảng cũng có thể bị “con cóc” của máy dập “gặm” mất ngón tay...
Để phòng ngừa tai nạn lao động, ngoài làm việc phải tập trung, những người thợ ở đây còn phải trang bị đồ bảo hộ, trong đó găng tay là vật bất ly thân của người thợ gò hàn. Tất cả những khó khăn, nguy hiểm này vẫn không làm nản lòng những người dân “xứ” gò thùng Kim Bích với nghề cha ông truyền lại.
* “Giữ lửa” cho làng nghề
Hơn 60 tuổi đời, 35 năm tuổi nghề, đôi tay đầy vết xước, sẹo đã liền da, ông Phạm Văn Tuấn - chủ của 2 cửa hàng đồ thiếc gò khá lớn ở P.Hố Nai chia sẻ: “Nhiều năm lăn lộn, tôi rút ra được 3 điều cốt cõi giúp trụ vững và phát triển được nghề gia truyền từ đời cha tôi để lại. Thứ nhất là phải sống được với nghề, nghĩa là sản phẩm mình làm ra phải bán được, điều này liên quan đến chất lượng cũng như nét thẩm mỹ của sản phẩm. Thứ hai là yêu nghề, đó là tâm huyết của người làm nghề. Thứ ba là hiểu nghề - xem nghề như một đứa con của mình, phải hiểu nó, nuôi dưỡng nó và phát triển nó”.
Anh Hoàng Long (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) gia công một nồi nấu phở do khách hàng đặt. Ảnh: P.Liễu |
Gắn bó lâu năm và khá thành công với nghề, đời gò hàn của những thế hệ trong gia đình cụ Triệu Bá Tụ đã minh chứng cho sức sống không thể mai một của làng nghề. Ông Triệu Bá Đón, con trai cụ Tụ, chủ một tiệm gò hàn không bảng hiệu nhưng vô cùng đắt hàng ở “xứ” gò hàn Kim Bích kể, cha ông là một trong những lớp thợ đầu tiên gầy dựng nghề gò hàn ở xứ này. Làm nghề từ những năm 1970, khi cha ông già yếu, anh trai của ông là Triệu Bá Vì đã tiếp bước nghề của cha và nhanh chóng phát triển nghề gò truyền thống của gia đình.
Hiện ông Vì có 4 cửa hàng bán các loại hàng gò hàn ở P.Tân Biên. Làm không kịp giao hàng, ông Vì còn đặt hàng các tiệm gò hàn khác gia công cho kịp tiến độ giao hàng. Sản phẩm của hộ ông Vì đã “bao sân” các tỉnh miền Đông, miền Tây và cả khu vực Tây nguyên.
Thấy anh trai phất lên nhờ nghề truyền thống của cha để lại, 20 năm trước ông Triệu Bá Đón quay lại học nghề từ anh trai mình và tiếp nhận cửa hàng hiện tại. Chăm chỉ, khéo léo và mát tay kinh doanh, cửa tiệm gò hàn của ông Đón nhận được khá nhiều hợp đồng với các nhà máy trong và ngoài tỉnh đặt gia công những dụng cụ, thiết bị cho máy sấy, lò hơi...
“Giữ lửa” cho nghề, ông Đón cho biết ông đang hướng con trai sau này nối nghiệp ông trên những điều kiện thuận lợi sẵn có như: nghề truyền thống của gia đình; có sẵn mặt bằng và lợi thế về kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ làm ăn của ông...
Trải qua những thăng trầm, “xứ” gò hàn Kim Bích ở P.Hố Nai dù đã qua thời hoàng kim, cũng như đang phải cạnh tranh gay gắt với thị trường hàng hóa đồ dùng bằng các loại vật liệu khác như: nhựa, gốm... nhưng nhiều gia đình làng nghề ở đây tự tin cho biết, mặt hàng gò hàn vẫn sẽ có chỗ đứng nhất định trong cuộc sống hôm nay. Những người thợ gò hàn sẽ không phụ nghề đã từng đồng hành với họ trong suốt nửa thế kỷ qua...
Phương Liễu