Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh giáo dục STEM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

10:08, 27/08/2020

Đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học là hai nội dung sẽ được ngành GD-ĐT Đồng Nai thực hiện trong năm học 2020-2021.

Đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM (viết tắt của science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật), maths (toán học) và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học là hai nội dung sẽ được ngành GD-ĐT Đồng Nai thực hiện trong năm học 2020-2021. Trong đó, bậc học tiểu học sẽ được ưu tiên đầu tư nhiều hơn nhằm đáp ứng các điều kiện của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) tham gia tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ảnh: H.Yến
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) tham gia tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ảnh: H.Yến

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã giới thiệu dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Nếu dự thảo này được thông qua, dạy học trực tuyến sẽ trở thành một hình thức dạy học bắt buộc, song song với hình thức dạy học truyền thống.

* Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, dạy học trực tuyến lại càng được các trường học quan tâm. Không ít trường học xác định đây là phương án dự phòng trong hoạt động dạy và học trong năm học 2020-2021. Từ đó, nhà trường có sự chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, bồi dưỡng cho giáo viên để có thể triển khai dạy học trực tuyến trong trường hợp phải cách ly xã hội như đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm nay.

Đối với học sinh tiểu học, các em thích tương tác trực tiếp với giáo viên hơn, đồng thời hình thức vừa học vừa chơi thường sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Do đó, lựa chọn công cụ phù hợp cho đối tượng này sẽ có nhiều khác biệt so với những đối tượng học sinh lớn hơn. Những công cụ có thể tăng tính tương tác đối với học trò là những công cụ mà giáo viên nên sử dụng.

Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai dạy học trực tuyến

Theo dự thảo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT nêu rõ, các trường học cần chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai dạy học trực tuyến đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kỹ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh và theo các quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh.

Chẳng hạn, với công cụ thinglink, giáo viên có thể chèn các chú thích vào trong hình ảnh minh họa, học sinh có thể click chuột vào các biểu tượng trên hình ảnh để đọc hoặc xem thông tin. Hay với công cụ Powtoon, giáo viên có thể tự mình tạo được một video clip hoạt hình ngắn. Thông qua đó, truyền tải nội dung bài học đến học sinh.

Đối với các video bài giảng, nhà trường nên ghi hình 2 giáo viên đang tương tác với nhau sẽ dễ thu hút học sinh hơn, bài giảng nhờ đó cũng sinh động, bớt nhàm chán. 

Theo TS Lê Phương Trường, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường đại học Lạc Hồng - người có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực dạy học trực tuyến, các video bài giảng không nên vượt quá 10 phút. Vì nếu vượt quá 10 phút thì học trò không muốn xem nữa. Hoặc các em sẽ tìm cách để không xem video clip đó. “Trong các video bài giảng, giáo viên nên lồng vào đó những phương pháp đánh giá để kích thích học sinh tham gia hơn. Chẳng hạn, với 1 video bài giảng 10 phút, giáo viên sẽ chèn từ 1-2 câu hỏi. Với mỗi câu hỏi, học sinh bắt buộc phải trả lời đúng mới được xem tiếp. Nếu trả lời sai, học sinh sẽ phải xem lại bài giảng để có thể trả lời đúng. Nếu giáo viên chỉ đưa 1 nội dung bài học mà không lồng ghép phương pháp đánh giá hoặc không lồng phương pháp để giao tiếp với học trò thì việc dạy học trực tuyến sẽ không đạt hiệu quả cao” - TS Trường chia sẻ.

Cô Hồ Thị Như Lan, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) cho rằng, trong đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm, học sinh đã được làm quen với việc học trực tuyến. Do vậy, nếu phải cách ly xã hội như trước đây, nhà trường hoàn toàn có thể tổ chức dạy học trực tuyến được. Tuy nhiên, giáo viên phải được tập huấn thêm để biết được các công cụ sử dụng trong buổi học trực tuyến; cách sử dụng công cụ để soạn giảng nhằm giúp học sinh tham gia học một cách thích thú hơn, linh động hơn.

* Đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang, trong năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giáo dục theo định hướng dạy học STEM. Đây là định hướng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về hoạt động giáo dục STEM trong trường học.

Theo đó, tùy thuộc vào đặc thù môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM như: dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Bộ GD-ĐT sẽ cung cấp tài liệu tập huấn triển khai giáo dục STEM trên mạng để các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục chủ động tập huấn cho giáo viên nhằm triển khai thực hiện. Đây là tin vui đối với các trường trong triển khai giáo dục STEM.

Huyện Tân Phú là một trong số ít địa phương chú trọng phát triển hoạt động giáo dục STEM trong những năm qua. Năm học 2019-2020, địa phương này dự định tổ chức Ngày hội STEM cấp huyện nhưng do dịch Covid-19 nên phải hủy bỏ (chỉ tổ chức cấp cụm trường). Tuy vậy, tận dụng quãng thời gian học sinh được nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, Phòng GD-ĐT đã tổ chức tập huấn về xây dựng chủ đề giáo dục STEM cho đội ngũ giáo viên của huyện.

“Giáo viên tham gia tập huấn rất tích cực và đã xây dựng nhiều chủ đề hơn dự kiến. Ban đầu, chúng tôi chỉ yêu cầu mỗi trường xây dựng 1 chủ đề dạy học STEM. Tuy nhiên, với tinh thần hăng hái, nhiệt tình, 17 trường THCS của huyện đã xây dựng được 25 chủ đề dạy học STEM” - cô Lê Nguyễn Yến Nhung, chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Tân Phú cho biết.

Trong năm học 2020-2021 này, các trường THCS trên địa bàn H.Tân Phú đều đã có chủ đề dạy học STEM để triển khai. Trong thời gian tới, Phòng GD-ĐT huyện vùng xa này sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục STEM.

Hiện nay UBND tỉnh đã chấp thuận về mặt chủ trương để ngành GD-ĐT được đầu tư xây dựng giáo dục STEM theo hướng STEM robotic tại các đơn vị trường học, trong đó bậc tiểu học sẽ được ưu tiên đầu tư trước. “Cấp được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất để giúp cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là cấp tiểu học vì đây là khóa đầu tiên tiếp cận sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó cũng là nền tảng đầu tiên mà các em sẽ làm quen với thiết bị. Khi đã quen với việc sử dụng thiết bị để đáp ứng chương trình mới thì lên những bậc học sau, sẽ thuận tiện hơn cho bản thân các em và cho cả nhà trường” - bà Huỳnh Lệ Giang cho hay.              

                Hải Yến

Tin xem nhiều