Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dịp Tết năm nay đặc biệt hơn những năm trước bởi cả nước đang cùng nhau chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dịp Tết năm nay đặc biệt hơn những năm trước bởi cả nước đang cùng nhau chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa được nội soi tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung |
Do đó, bên cạnh việc phòng ngừa những bệnh thường gặp mùa Tết, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho bản thân, người thân trong gia đình và cộng đồng.
* Đề phòng ngộ độc thực phẩm
BS Đinh Cao Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, những ngày Tết Nguyên đán, chế độ ăn uống, sinh hoạt của người dân có nhiều thay đổi. Ngoài ra, người dân có thói quen trữ nhiều thức ăn trong tủ lạnh, để lâu ngày dẫn đến mất chất hoặc khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Vì thế, số bệnh nhân nhập viện để điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng cao.
Ngoài ra, những ngày này, người dân thường tổ chức ăn uống liên tục, đi chúc Tết ở nhiều nhà dẫn đến tình trạng trong một ngày, một người uống nhiều loại rượu, bia khác nhau. Nếu chẳng may trong số đó có những loại rượu, bia không đảm bảo sẽ dễ gây ra ngộ độc rượu, bia. Ngộ độc rượu nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Ở thể nhẹ, người bị ngộ độc rượu có những biểu hiện như: rối loạn hành vi, nôn ói, rối loạn thị giác, kích thích.
Một bệnh cũng thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán là viêm loét dạ dày. Đối tượng thường gặp là nam giới. Nguyên nhân là do nam giới thường uống nhiều rượu, bia, chất kích thích mà không ăn thức ăn hoặc ăn rất ít. Người bệnh sẽ có các dấu hiệu như đau vùng thượng vị, ói, đầy bụng, ợ hơi. Qua nội soi, bác sĩ sẽ phát hiện được dạ dày bệnh nhân bị viêm sung huyết, loét, nặng nhất là biến chứng xuất huyết tiêu hóa như ói ra máu, đi tiêu phân đen. Những trường hợp này phải điều trị tích cực, có khi phải truyền máu, chích cầm máu.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe ngày Tết, các bác sĩ khuyến cáo người dân cố gắng duy trì chế độ ăn uống hợp lý, đúng bữa, không nên ăn quá nhiều thịt, đồ nếp mà nên ăn đủ rau xanh và chất xơ. Thức ăn phải đảm bảo chín, tươi mới. Không nên để lẫn lộn thức ăn chín và thức ăn sống vào chung một ngăn trong tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn. Không nên ăn quá nhiều đồ chế biến sẵn, đồ khô…
* Không lơ là với dịch bệnh Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều người dân ngoại tỉnh đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã quyết định hủy vé tàu, xe, máy bay, không về quê ăn Tết trong dịp này để phòng bệnh Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã và đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, trang thiết bị, vật tư để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh bùng phát. Đồng thời rà soát, bổ sung kế hoạch, kịch bản chi tiết ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất với phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát số lượng, dự trù kinh phí nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Y tế gửi Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Đối với nhân viên y tế ngoài công lập, Sở đang xin ý kiến Bộ Y tế để được hướng dẫn thực hiện đúng quy định.
Đến thời điểm này, một số địa phương đã khởi động khu cách ly tập trung tại đơn vị mình để sẵn sàng tiếp nhận người thuộc diện cách ly tập trung. Sở Y tế sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện việc điều phối, sắp xếp người tại các cơ sở cách ly cho phù hợp, hiệu quả, không để lãng phí về nhân lực, vật lực. Ngoài ra, Sở cũng sẽ có văn bản tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là ở các khu cách ly tập trung trong dịp Tết Nguyên đán 2021 để động viên lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ. Các Tổ Covid cộng đồng cũng sẽ được khẩn trương thành lập để phối hợp thực hiện tốt công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra.
Trong khi đó, theo bà Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Công thương, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các siêu thị, trung tâm thương mại có phương án, kế hoạch dự trữ những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn kịp thời phục vụ các trường hợp tại các khu cách ly phòng, chống dịch; phối hợp với các địa phương để việc cung cấp nhu yếu phẩm, suất ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, dịp Tết Nguyên đán, thời tiết chuyển mùa sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm; là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Đây cũng là dịp mà người dân đi lại, giao lưu nhiều. Do đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như: cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Đảm bảo vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế. |
Hạnh Dung