Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì mọi người, ở mọi nơi

10:11, 22/11/2021

75 năm hình thành và phát triển, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam luôn gắn hoạt động của mình với sứ mệnh nhân đạo vì cộng đồng. Tổ chức Hội CTĐ không ngừng phát triển để trở thành cầu nối nhân đạo trong thực hiện các giải pháp an sinh xã hội.

75 năm hình thành và phát triển, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam đã luôn gắn hoạt động của mình với sứ mệnh nhân đạo vì cộng đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác Hội tại buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ảnh: Sông Thao
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác Hội tại buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ảnh: Sông Thao

Tổ chức Hội CTĐ các cấp không ngừng phát triển để trở thành cầu nối nhân đạo trong thực hiện các giải pháp an sinh xã hội. Trong hành trình đó, Hội CTĐ tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chung của tổ chức hội.

* Xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết

Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội CTĐ Việt Nam ngày nay).

Vào một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động. Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác. Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.

7 nhiệm vụ trọng tâm do Hội CTĐ Việt Nam đề ra là: cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khỏe; sơ cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân bị thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa.

Đến ngày 23-11-1946, Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại đình làng Thanh Ấm, TT.Vân Đình, H.Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội). Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội; BS Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.

Trong giai đoạn kháng chiến chống xâm lược, Hội Hồng thập tự Việt Nam tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với những công tác cụ thể như: chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết; vệ sinh môi trường; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; trợ giúp nhân đạo; tiếp nhận hồi hương kiều bào; vận động, giúp nhân dân sơ tán, đào hầm hào để phòng tránh bom đạn; tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh…

Năm 1957, Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Năm 1961, Hội Hồng thập tự Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập. Đến năm 1965, Hội Hồng thập tự Việt Nam đổi tên thành Hội CTĐ Việt Nam.

Ngày 31-7-1976, tại TP.Hà Nội, Hội CTĐ Việt Nam và Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam hợp nhất thành Hội CTĐ Việt Nam. Trong giai đoạn này, Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước gắn với nhiệm vụ: phát triển tổ chức Hội, tham gia trợ giúp những người khó khăn vươn lên trong cuộc sống, chăm sóc các gia đình thương binh, vận động quyên góp gạo giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, triển khai phong trào hiến máu nhân đạo, tìm kiếm tin tức thân nhân mất liên lạc do chiến tranh…

Bà Đỗ Thị Phước Thiện cho hay, qua 75 năm hình thành và phát triển, Hội CTĐ Việt Nam - tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng đã trải qua 10 nhiệm kỳ đại hội đại biểu toàn quốc và tổ chức Hội được thành lập, thực hiện nhiệm vụ tại 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Hiện Hội CTĐ Việt Nam có 14 ngàn tổ chức Hội cấp cơ sở với hơn 7 triệu hội viên. Qua từng giai đoạn và thời kỳ khác nhau, tất cả cán bộ, hội viên, tình nguyện viên luôn thực hiện theo sứ mệnh: “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”.

* Chủ động thực hiện nhiệm vụ nhân đạo

Từ khi thành lập vào năm 1976 đến nay, Hội CTĐ tỉnh luôn chủ động thực hiện nhiệm vụ nhân đạo gắn với chỉ đạo Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, tình hình thực tế tại địa phương cũng như tham gia trợ giúp, cứu trợ đồng bào khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong nước.

Toàn tỉnh có 255 Hội CTĐ xã, phường, thị trấn, cơ quan, bệnh viện, nông trường, trường học với gần 80 ngàn hội viên.

Cụ thể, ngay sau khi Ban chấp hành Trung ương Hội CTĐ Việt Nam ra lời kêu gọi các cấp Hội trong cả nước vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ tham gia ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Hội CTĐ tỉnh cùng có văn bản kêu gọi các cấp Hội CTĐ trong tỉnh vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ và các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp, ủng hộ tiền, hàng, vật chất nhằm hỗ trợ các đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm Covid-19, người dân và công nhân lao động nghèo ở các khu cách ly y tế, khu vực phong tỏa, người về nước không có việc làm, ủng hộ kinh phí mua vaccine phòng bệnh Covid-19.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, hàng chục tình nguyện viên đã cùng với những người làm công tác CTĐ vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại cũng như nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng để cứu trợ người khó khăn.

Bà Đỗ Thị Phước Thiện (thứ 3 từ phải sang) Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai trao tặng quà và vật tư y tế cho bệnh nhân, lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV
Bà Đỗ Thị Phước Thiện (thứ 3 từ phải sang) Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai trao tặng quà và vật tư y tế cho bệnh nhân, lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Ông Vũ Phi Khanh (ngụ TP.Biên Hòa) cho hay: “Đáp lời kêu gọi của Hội CTĐ tỉnh, tôi tham gia làm tình nguyện viên thực hiện công tác trợ giúp nhân đạo trong thời điểm dịch bệnh. Hằng ngày, tôi sử dụng xe ô tô cá nhân cùng cán bộ, nhân viên CTĐ, các tình nguyện viên khác đưa những chuyến xe chở đầy ắp quà là nhu yếu phẩm chuyển đến với nơi cần”.

Còn bà Đặng Thị Phương, Phó chủ tịch Hội CTĐ TP.Biên Hòa chia sẻ, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, thành phố có nhiều phường, khu phố, ấp bị phong tỏa. Để quà hỗ trợ đến tay người dân đều phụ thuộc vào các tình nguyện viên CTĐ tại cơ sở mà cụ thể là những người đang sống trong khu vực phong tỏa. “Chính sự hưởng ứng của người dân thông qua lời kêu gọi của tổ chức hội đã đưa hoạt động của Hội CTĐ trở thành nghĩa cử mà ai cũng có thể tham gia được. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng” - bà Phương nhấn mạnh.

Cũng thông qua lời kêu gọi này, đã có khoảng 13 tỷ đồng được các cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức đóng góp vào quỹ hỗ trợ các đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm Covid-19, người dân và công nhân lao động nghèo ở các khu cách ly, khu vực phong tỏa, người về nước không có việc làm, ủng hộ kinh phí mua vaccine phòng bệnh Covid-19. Hội CTĐ trong tỉnh đã mua khoảng 120 tấn lương thực, thực phẩm trao trên 40 ngàn phần quà cho người dân khó khăn do dịch bệnh...

Cùng với thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp nhân đạo, các nhiệm vụ an sinh xã hội khác cũng được Hội CTĐ trong tỉnh thực hiện có hiệu quả. Hiện các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hơn 50 mô hình hoạt động nhân đạo giúp dân, như: xây - sửa nhà CTĐ, xây dựng cầu dân sinh, sửa chữa phòng học, hoạt động dịch vụ CTĐ có thu…

Ngoài ra, mỗi năm tỉnh tiếp nhận từ 32 ngàn đơn vị máu trở lên. Hiện Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có số lượng đơn vị máu hiến tình nguyện cao của cả nước và là một trong 6 tỉnh, thành khu vực phía Nam được triển khai tiếp nhận 350ml máu/người/lần hiến thay vì chỉ 250ml/người hiến máu/lần hiến.

Bên cạnh đó, thông qua cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo do Hội CTĐ Việt Nam phát động, đến nay các cấp Hội CTĐ của tỉnh đã vận động giúp đỡ thường xuyên hằng tháng cho hơn 3,2 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn. Riêng với dự án Ngân hàng bò, đã có khoảng 500 con bò trao tặng cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để chăn nuôi, tạo sinh kế…

Trao quà cho 45 trẻ em mồ côi do Covid-19

Hội CTĐ tỉnh vừa tổ chức trao tặng quà cho trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, 45 trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha và mẹ trong tỉnh đã được Hội CTĐ tỉnh tặng 45 phần quà. Mỗi phần trị giá 1 triệu đồng do Hội CTĐ tỉnh vận động mạnh thường quân đóng góp.

Văn Truyên

Tin xem nhiều