Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Dấn thân vào "cuộc chiến" chống dịch Covid-19

10:11, 22/11/2021

Thực hiện phương châm "Chống dịch như chống giặc. Tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết…", trong những ngày dịch bệnh "nóng bỏng", từ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đến cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều tình nguyện tham gia "cuộc chiến" chống dịch Covid-19.

[links()]Thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc. Tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết…”, trong những ngày dịch bệnh “nóng bỏng”, từ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đến cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều tình nguyện tham gia “cuộc chiến” chống dịch Covid-19.

Thiếu tá Phan Văn Hùng (giữa), Phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 8 luôn quan tâm, động viên, nhắn nhở cán bộ, chiến sĩ thận trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ảnh: N.Sơn
Thiếu tá Phan Văn Hùng (giữa), Phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 8 luôn quan tâm, động viên, nhắn nhở cán bộ, chiến sĩ thận trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: N.Sơn

Mỗi người một nhiệm vụ, một lĩnh vực công tác nhưng điểm chung của họ là tinh thần xung phong, tình nguyện dấn thân vì cộng đồng; cùng hướng đến mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

* Xung phong vào tâm dịch

Là Trưởng khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, TS Nguyễn Sĩ Tuấn đã sát cánh với công tác phòng, chống dịch từ những ngày đầu dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam (tháng 4-2020) cho đến nay.

TS Tuấn cho biết, so với 3 đợt dịch đầu tiên, đợt dịch thứ 4, nhiệm vụ mà anh cùng đồng nghiệp đảm nhận nặng nề và nguy hiểm hơn. Khoa Vi sinh được phân công nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm. Đây là thời điểm số lượng ca nhiễm mới SARS-CoV-2 (F0) tăng nhanh, hàng loạt các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh được lập ra nên số lượng mẫu xét nghiệm hằng ngày rất lớn.

Để đảm bảo việc trả kết quả xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, góp phần vào công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, TS Tuấn đã cùng với đồng nghiệp làm việc ngày đêm tới quên ăn, quên ngủ. Anh đã tham mưu bệnh viện tuyển thêm 18 tình nguyện viên là sinh viên sắp tốt nghiệp, đang học cao học tại các trường tại TP.HCM hỗ trợ công tác xét nghiệm. Đồng thời, TS Tuấn đề xuất triển khai phần mềm quản lý mẫu xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế và đặc biệt là giảm thời gian trả kết quả từ 24 giờ xuống còn 12 giờ, góp phần đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

Anh PHAN KHÁNH LINH, bệnh nhân Covid-19 ở H.Long Thành từng điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 8 chia sẻ: “Tôi có bệnh nền nên khi nhiễm bệnh Covid-19 và phải đi cách ly, tôi và gia đình đã rất lo lắng. Nhưng tôi may mắn khi được đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ tại bệnh viện tận tình chăm sóc nên có cơ hội được trở về với gia đình. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ đã hết lòng vì bệnh nhân”.

Được phân công làm Phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 8 (tại Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2, H.Long Thành), ngày 28-7, thiếu tá Phan Văn Hùng, Trợ lý tuyên huấn Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã có mặt tại bệnh viện. Anh cùng với lực lượng dân quân thường trực, tình nguyện viên H.Long Thành “thần tốc” sửa chữa lại toàn bộ hệ thống điện, nước, vệ sinh các khu nhà ở dành cho bệnh nhân, nhân viên và khu vực xung quanh. Ngày 30-7, Bệnh viện Dã chiến số 8 bắt đầu tiếp nhận trên 100 F0 chuyển vào và những ngày sau đó luôn duy trì ở mức 600-800 bệnh nhân.

Với nhiệm vụ được giao, thiếu tá Hùng đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài bệnh viện; tận tình, chu đáo phục vụ người bệnh. Bản thân anh thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc bệnh nhân để tuyên truyền, động viên giúp người bệnh an tâm tư tưởng và chấp hành nghiêm quy định của bệnh viện. Đặc biệt, anh đã vận động các bệnh nhân không có triệu chứng duy trì chế độ tập thể dục buổi sáng để nâng cao sức khỏe, sớm khỏi bệnh về với gia đình. Thiếu tá Hùng cũng đã trực tiếp vận động mạnh thường quân hỗ trợ, tổ chức nấu cháo vào buổi sáng để cung cấp cho người già, trẻ nhỏ; hỗ trợ sữa, gạo cho bệnh nhi và các trường hợp khó khăn sau khi xuất viện.

Xuất phát từ suy nghĩ bản thân còn trẻ, có sức khỏe thì không thể ngồi yên, ngay từ những ngày đầu trên địa bàn xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) xuất hiện ca nhiễm Covid-19, anh Trần Đức Lộc đã cùng với những người bạn của mình thành lập đội khử khuẩn tình nguyện. Anh Lộc cho biết, anh đã bỏ tiền túi (gần 100 triệu đồng) để mua sắm máy móc, thuốc khử khuẩn và sử dụng xe bán tải, xe 3 bánh của gia đình len lỏi vào các con hẻm làm nhiệm vụ phun khử khuẩn tại các ổ dịch, khu phong tỏa, khu cách ly y tế, các chốt kiểm soát phòng dịch trong và ngoài xã.

Không quản khó khăn, hiểm nguy, lực lượng giáo viên trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia cùng với các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có thể kể đến tấm gương cô Trần Thị Thao, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học An Phước (xã An Phước, H.Long Thành).

Theo cô Thao, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cô đã tự nguyện cùng tuyến đầu phòng, chống dịch, tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng cho người dân trên địa bàn xã An Phước… “Nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng từng ngày trôi qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tầm kiểm soát tốt hơn, tôi thấy rất vui vì thành quả ấy có một phần công sức của tôi và đồng đội” - cô Thao bộc bạch.

* Tiếp sức tuyến đầu chống dịch

Bên cạnh lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ căng mình làm nhiệm vụ ở các bệnh viện, khu cách ly, chốt kiểm soát phòng dịch còn có lực lượng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tình nguyện tiếp sức.

Với tinh thần “Ở đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên”, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hàng ngàn thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tình nguyện, xông pha hỗ trợ cộng đồng vượt qua đại dịch. Trong giai đoạn dịch bệnh “nóng bỏng”, từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập hàng trăm đội hình Phòng tuyến áo xanh, chung tay phòng, chống dịch bệnh thu hút hàng ngàn đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ như: tuyên truyền, phát khẩu trang, nước sát khuẩn, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa Covid-19, trực chốt kiểm soát phòng dịch… Thông qua các hoạt động đã xuất hiện nhiều gương cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, trong suốt khoảng thời gian tình nguyện tham gia chống dịch, chị Nguyễn Võ Ngọc Hòa, Phó bí thư Đoàn xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) luôn tình nguyện đảm nhận những việc khó khăn, nguy hiểm. Trong đó, chị Hòa đã cùng với lực lượng tình nguyện viên đi vào các khu phong tỏa, khu nhà trọ có ca nhiễm trên địa bàn xã để trao lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân; trực tiếp vào các khu cách ly F0 để phun xịt, khử khuẩn; tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng…

Trong số những tình nguyện viên tham gia chống dịch, có những tình nguyện viên đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Hải, ở ấp 1, xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch). Từ cuối tháng 6, anh Hải đã cùng với các tình nguyện viên tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tham gia trực chốt kiểm soát phòng dịch; hỗ trợ truy vết, xét nghiệm cộng đồng, vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân… Đầu tháng 10 vừa qua, trong khi làm nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm trên địa bàn xã, anh Hải gặp tai nạn giao thông và qua đời. Sự ra đi của anh ở tuổi 24 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người than và bạn bè, nhưng đó mãi là hình ảnh đẹp về tinh thần tình nguyện dấn thân vì cộng đồng.

Tinh thần xung phong, tình nguyện hiện diện ở mỗi người dân. Khi Tổ quốc cần, tinh thần ấy lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ.

Mặc dù là trường hợp tiếp xúc gần với ca F0 và ở trong khu phong tỏa nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, hội viên phụ nữ P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) vẫn tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch. Ở trong khu phong tỏa, bà Hiệp nắm bắt tình hình, nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ dân để thông qua Hội LHPN phường báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường để có phương án hỗ trợ kịp thời. Bà còn vận chuyển nhu yếu phẩm đến phát cho người dân; vận động mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hằng ngày nấu các suất ăn hỗ trợ cho 20 công nhân lao động làm việc trong các công trình xây dựng trong khu vực phong tỏa…

Hay như ông Huỳnh Văn Minh, tiểu thương ở ấp Xóm Hố (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch), ngoài vận động người thân hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn trong các khu phong tỏa, khu cách ly y tế trên địa bàn xã, còn sử dụng xe ô tô tải của gia đình để chở miễn phí những mặt hàng thiết yếu cho xã trong mùa dịch, thậm chí là chở người mắc bệnh Covid-19 trên địa bàn xã đến khu vực cách ly.

Đặc biệt, tham gia vào “cuộc chiến” này còn có các em nhỏ cùng góp sức. Có thể kể đến là trường hợp của em Lê Thị Tâm Trang, học sinh lớp 5/2, Trường tiểu học Hùng Vương (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm nuôi heo đất của mình (5 triệu đồng) để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong suy nghĩ của Trang cũng như các tập thể, cá nhân góp sức cho “cuộc chiến” chống dịch, thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ cần mỗi người một việc làm có ích đều góp phần đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Nguyễn Tuyết

Bài 3:  Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị 

Tin xem nhiều