Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặc sản Huế ở Trị An

08:12, 16/12/2021

Những ngày này, dọc tỉnh lộ 768 (đoạn qua ấp 1 và ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) xuất hiện nhiều chòi tạm bợ bày bán các nông sản như: khoai từ, khoai mỡ, chuối, mít… do người dân gốc Huế di cư về đây từ những năm 1980 trồng.

Những ngày này, dọc tỉnh lộ 768 (đoạn qua ấp 1 và ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) xuất hiện nhiều chòi tạm bợ bày bán các nông sản như: khoai từ, khoai mỡ, chuối, mít… do người dân gốc Huế di cư về đây từ những năm 1980 trồng.

Ông Trần Xuân Tản, cư dân đầu tiên của xóm Huế (thuộc ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) sum vầy cùng con cháu. Ảnh: Đoàn Phú
Ông Trần Xuân Tản, cư dân đầu tiên của xóm Huế (thuộc ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) sum vầy cùng con cháu. Ảnh: Đoàn Phú

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 2, xã Trị An Trần Thị Kim Lan cho biết, người dân Huế ở đây hễ trong nhà nuôi, trồng được thứ gì là đem ra trước nhà bày bán. Do nông sản sạch, giá rẻ nên nhiều khách vãng lai có dịp đi qua đoạn đường này thường dừng xe lại mua ủng hộ.

* Mùa khoai

Luống khoai từ trong vườn vừa rủ lá vàng cũng là lúc ông Trịnh Xuân Minh (ngụ ấp 1, xã Trị An) dựng lại cái chòi hàng trước nhà để bắt đầu mùa bán khoai từ tháng 12 năm này đến tháng 2 năm sau. Với 1 sào khoai từ, năm nay ông Minh ước chừng thu hoạch hơn 1 tấn củ đẹp. Nếu thu hoạch một lần thì ông chỉ bán được giá 20 triệu đồng/1 sào, còn gia đình chịu khó đào đem bán lẻ thì có khi thu nhập từ 35-40 triệu đồng/1 sào.

Không chỉ bán khoai từ, sạp hàng của ông Minh có hôm bày bán thêm khoai lang, chuối, bắp, bí… Ông Minh cho biết, nhờ cái sạp nhỏ này mà vợ chồng ông nuôi được 3 cô con gái học đại học, cao đẳng ở TP.Biên Hòa và TP.HCM.

Dọc tuyến đường 76, đoạn qua ấp 1 và 2, xã Trị An có trên 20 sạp bán khoai, chuối, mít, trứng, bầu, bí… của người dân gốc Huế di cư. Nhà nào ở mặt tiền đường thì bày hàng bán ngay trước nhà, người ở trong hẻm thì tập trung hàng hóa ở khu đất trống đầu đường vào xóm Huế để bán. Thứ họ bán hôm thì buồng chuối, buồng dừa, trái mít, đu đủ, chục trứng gà, vịt, ngỗng. Mùa khoai lang, khoai từ, nghệ thì đổ khúm (đống nhỏ) bên đường để bán.

Người dân xóm Huế (thuộc ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) siêng năng lao động. Trong ảnh: Ông Trần Xuân Minh (59 tuổi) thu hoạch khoai vườn nhà. Ảnh: Đoàn Phú
Người dân xóm Huế (thuộc ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) siêng năng lao động. Trong ảnh: Ông Trần Xuân Minh (59 tuổi) thu hoạch khoai vườn nhà. Ảnh: Đoàn Phú

Mỗi khi có khách ghé lại, người bán cất giọng Huế nhỏ nhẹ mời chào, báo giá. Thích nhất là họ giới thiệu hàng họ bán là từ chính tay họ trồng, do nhà ăn không hết nên chịu khó bày bán để kiếm chút tiền, khỏi uổng phí công trồng trọt vất vả.

“Dân Huế ở đây vậy đó. Họ rất chịu khó, tiết kiệm và uy tín. Khi bày bán thì họ chọn bán những loại rau, củ tươi ngon để khách vãng lai thưởng thức còn nhớ đến vùng đất này” - bà Trần Thị Kim Lan bộc bạch.

Khệ nệ nách thúng khoai từ mới đào ở vườn nhà với củ còn bám đầy đất, bà Ngô Thị Hồng Thắm (ngụ ấp 1, xã Trị An) nói: “Bao nhiêu ni chứ nó nặng lắm”. Rồi bà lựa chọn những củ ngon, đẹp cân bán cho khách đi đường dừng lại mua khoai. “Năm ni thời tiết thuận lợi nên khoai củ đẹp, ít bị sượng. Khoai từ nơi ni khác với vùng đất khác là phần đầu củ thì bùi, phần sau củ thì dẻo. Nếu không đúng như rứa thì không phải khoai từ của dân xóm Huế trồng” - bà Thắm vui vẻ nói.

Đất Trị An vốn nhiều sỏi đỏ, làm cho củ khoai lang, khoai từ, khoai mỡ nhiều tinh bột hơn vùng đất khác. Nhờ củ khoai giàu tinh bột này, dân Huế ở đây có thể cất nó hàng tháng trời trong nhà vào những tháng mùa nắng để ăn dần mà không sợ bị hư, mọc mầm. “Ngày xưa đói kém, tụi ni ăn khoai nhiều hơn cơm trắng. Nay khoai trở thành đặc sản, 1kg khoai bằng 2kg gạo nên tụi ni càng chịu khó đào hố, sàng sỏi, vun đất trồng khoai để bán, chứ không chịu ngồi yên” - bà Phan Thị Ngâu (76 tuổi, ngụ ấp 1, xã Trị An) nói một hơi tiếng Huế đặc sệt.

* Chuyện lập nghiệp của người dân xóm Huế

Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề, người Huế định cư ở xã Trị An càng da diết nhớ quê cha đất tổ, cho dù họ di cư về đây lập nghiệp từ những năm 1976-1980.

Người dân xóm Huế (thuộc ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) tự bán nông sản do mình trồng được. Ảnh: Đoàn Phú
Người dân xóm Huế (thuộc ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) tự bán nông sản do mình trồng được. Ảnh: Đoàn Phú

Ông Ngô Văn Truyền (68 tuổi, ngụ ấp 2, xã Trị An) cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 120 hộ người Huế, sống tập trung ở ấp 1 và 2. Ông Trần Xuân Tản (82 tuổi, làng An Lai, xã Hương Phong, H.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là người Huế đầu tiên về đây khai khẩn đất. Sau đó, ông gọi thêm anh em, đồng hương thân quen từ các làng: An Lai, Vân Quật Đông, Vân Quật Thượng (xã Hương Phong)… phiêu bạt khắp nơi quy tụ về đây lập xóm.

Ông Tản kể, năm 1976, khi về đây lập nghiệp, ông chọn vùng đất ven dòng suối Bà Giá để khai hoang. Sau đó, ông rủ thêm 10 hộ người Huế là họ hàng, đồng hương đang sinh sống ở quê và đang di cư tự do tại các tỉnh miền Tây Nam bộ về đây lập nghiệp. Mới đầu chỉ có 3 hộ gia đình ông: Trần Kháng, Nguyễn Bưu và Trần Đình Vân (đã mất) về sinh sống. Đến năm 1978, ông Tản và 3 hộ gia đình này tiếp tục gọi thêm được 6 gia đình người đồng hương làng An Lai nữa và cứ vậy lập nên xóm Huế với trên 60 hộ vào năm 1990.

Đất Trị An sau vài mùa rẫy tỉa lúa, bắp, mì, đậu thì bắt đầu trơ lớp đất sét, nổi sỏi cơm. Dân Huế vốn yêu lao động, cần cù, chịu khó nên ngày đêm cải tạo đất trồng đủ các loại khoai như: mì, lang, từ, mỡ để ăn thay cơm khi mùa nắng đến, những tháng giáp hạt (chờ thu hoạch lúa). Khoai của họ trồng tuy củ không to nhưng để lâu trong nhà, ngoài rẫy vài tháng vẫn không hư. “Nhờ trồng khoai mà người dân nơi đây không bị đói khi cây lúa, cây bắp, đậu bị mất mùa, thú rừng phá hoại” - ông Tản thổ lộ.

Người dân xóm Huế (thuộc ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) tự bán nông sản do mình trồng được. Ảnh: Đoàn Phú
Người dân xóm Huế (thuộc ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) tự bán nông sản do mình trồng được. Ảnh: Đoàn Phú

Bà Trần Thị Kim Lan bày tỏ, xóm Huế ở Trị An tuy chỉ có 120 hộ nhưng có trên 200 con em đang theo học và tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Dân xóm Huế chỉ có vài hộ mức sống trung bình, còn lại là khá giả. Đặc biệt, dân Huế bao lâu nay vẫn giữ được truyền thống đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ nhau trong cuộc sống và chung sức cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới. “Người dân Huế định cư ở đây sống rất tiết kiệm, chịu thương, chịu khó. Cho nên nhà nào cũng tự túc lương thực, thực phẩm bằng việc nuôi gà, vịt và trồng đủ các loại cây như: khoai, đậu, bắp, chuối, đu đủ, mít, bầu, bí... Nhà ăn không hết thì đem ra dọc đường tỉnh 768 bán cho khách vãng lai. Tuy chỉ được vài chục đến vài trăm ngàn đồng/ngày nhưng họ vẫn vui vì có chi phí lo sinh hoạt hằng ngày và tích góp cho con em trọ học xa nhà” - bà Lan nói.

Tiết trời những ngày cuối năm se lạnh, một vài người Huế lớn tuổi vẫn có thói quen luộc nồi khoai buổi sáng để ăn lót dạ trước khi ra vườn, ra đường bán hàng. Theo lời bà Phan Thị Ngâu (76 tuổi, vợ ông Tản), bữa sáng bà ăn khoai không phải vì nghèo mà vì thói quen khó bỏ. Hơn nữa, nay khoai chỉ có để ăn, bán trong vài tháng. Những tháng còn lại, dù thèm khoai vườn cũng không có mà ăn.

Thêm một mùa xuân nữa sắp về, dọc hai bên đường tỉnh 768 và đường liên ấp 1-2 xã Trị An, những ngôi nhà của người dân gốc Huế tiện nghi và sung túc hơn. Những đứa trẻ xóm Huế không phải ăn khoai luộc trừ cơm như cha ông chúng mấy chục năm về trước nữa, nhưng vẫn thích ngồi bên cha mẹ bán nông sản cho khách đi đường. Vui nhất khi được khách đi đường khen: “Nhỏ mà ngoan, biết phụ giúp cha mẹ bán hàng.

Bà NGÔ THỊ CÚC (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 2, xã Trị An) bày tỏ, nhờ gian hàng nhỏ bên đường tỉnh 768 bán đủ các thứ rau củ quả trong vườn nhà mà bà nuôi được 2 cô con gái khôn lớn, trưởng thành. Nay ít người Huế dọn hàng ra đường bán so với trước. Tuy vậy, mọi người vẫn không bỏ được thói quen “trồng ăn không ngạ (hết) thì bán”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích