Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viện lại lo thiếu nhân lực

10:03, 08/03/2022

Đến thời điểm hiện tại, khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng cao, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân lớn, các bệnh viện lại lo thiếu nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đến thời điểm hiện tại, khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng cao, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân lớn, các bệnh viện lại lo thiếu nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Hạnh Dung
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Hạnh Dung

Nguyên nhân ngoài các y, bác sĩ nghỉ việc nhiều còn phải kể đến nhiều cán bộ, nhân viên bị nhiễm, tái nhiễm Covid-19; khó tuyển dụng bác sĩ, điều dưỡng, đặc biệt là những người có tay nghề cao.

* Nhiều nhân viên y tế nhiễm, tái nhiễm Covid-19

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, thời điểm tháng 1-2022, toàn bệnh viện ghi nhận khoảng 300 nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19. Đến tháng 2, tình hình nhân lực cơ bản đảm bảo nhưng đến nay, nhân viên y tế bị nhiễm, tái nhiễm Covid-19 nhiều gây khó khăn cho hoạt động của bệnh viện. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện ghi nhận 5-7 nhân viên y tế nhiễm bệnh.

Theo BS Dũng, nguyên nhân là do vài tuần qua, học sinh các trường học đi học trực tiếp trở lại. Việc học sinh tiếp xúc với nhiều bạn bè, thầy cô trong trường bị lây nhiễm khi về gia đình cũng sẽ lây cho cha mẹ, các thành viên trong gia đình. Những nhân viên y tế có con trong độ tuổi đi học đều trong diện nguy cơ cao và có nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh. Khi đã là F0 thì nhân viên y tế phải cách ly tại nhà, không thể đến bệnh viện làm việc.

Bên cạnh đó, từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, toàn bệnh viện có 160 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 40 bác sĩ, khiến nhân lực toàn bệnh viện đã thiếu lại càng thiếu hơn. Hiện tại, bệnh viện còn 1.234 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 269 bác sĩ.

BS CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, toàn khoa hiện có 7/14 nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19. Do thiếu nhân lực nên những nhân viên không bị nhiễm phải choàng gánh công việc gấp 2, gấp 3 so với trước.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, theo báo cáo của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, thực trạng nhân viên y tế nhiễm và tái nhiễm Covid-19 đang diễn ra. Hiện nay, biến chủng Omicron đang lưu hành trong cộng đồng dẫn đến mức độ lây lan nhanh. Do vậy, có nhiều nhân viên y tế trước kia đã nhiễm Covid-19 biến chủng Delta nay tiếp tục bị nhiễm biến chủng Omicron. Mặt khác, làn sóng y, bác sĩ nghỉ việc do quá nhiều áp lực và thu nhập thấp vẫn đang tiếp tục diễn ra tại hầu hết các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh. Nhiều bệnh viện công lập hiện rất khó tuyển được bác sĩ, điều dưỡng; nếu tuyển được cũng đa phần là các bác sĩ, điều dưỡng trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, phải đào tạo lại.

* Đề xuất F0 không có triệu chứng, F1 đi làm…

Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 tăng cao tại các địa phương trong cả nước, mới đây Bộ Y tế đã có đề xuất với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho phép F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị cho người bệnh Covid-19 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Những trường hợp này phải thực hiện nghiêm 5K.

Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm Covid-19. Cùng với đó, không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao như người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi.

Trong quá trình di chuyển từ nơi cách ly đến khu vực làm việc, các trường hợp F0 không được tiếp xúc với người xung quanh, thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Được biết, thời điểm khoảng tháng 8, 9-2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, có nhiều nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã xin ý kiến lãnh đạo Sở Y tế về việc cho các nhân viên y tế là F0, F1 không triệu chứng tình nguyện được tiếp tục làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Đề xuất này được lãnh đạo Sở Y tế chấp thuận. Qua đó, đã giúp bệnh viện tháo gỡ được khó khăn về nhân lực. Do đó, trong tình hình số ca nhiễm Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng như hiện nay, đề xuất của Bộ Y tế được xem là hợp lý. Bởi trong một cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nếu cách ly toàn bộ F0, F1 thì nhiều nơi sẽ không có người làm việc. Dĩ nhiên, cần phải có các phương án để kiểm soát được rủi ro khi thực hiện vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Y tế TRẦN VĂN THUẤN nhấn mạnh: “Hiện nay, số ca mắc Covid-19 trong cả nước vẫn ở mức cao. Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Số ca tử vong vẫn cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới. Do đó, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là bệnh đặc hữu và cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi Covid-19 là bệnh đặc hữu khi thời điểm thích hợp”.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều