Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Đưa Đồng Nai vào tốp 10 chuyển đổi số

08:06, 09/06/2022

Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ vào tốp 10 trong chuyển đổi số (CĐS) của cả nước. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân phải cùng quyết tâm hành động.

[links()]Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ vào tốp 10 trong chuyển đổi số (CĐS) của cả nước. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân phải cùng quyết tâm hành động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (hàng trước, thứ hai từ trái sang) tham quan gian hàng công nghệ tại hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: H.Yến
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (hàng trước, thứ hai từ trái sang) tham quan gian hàng công nghệ tại hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: H.Yến

Báo Đồng Nai có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG về vấn đề này.

* Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

* Xin ông chia sẻ một vài đánh giá về những thành quả và hạn chế của Đồng Nai trong thực hiện CĐS thời gian qua?

- Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, DN để từng bước hướng đến CĐS trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.

Bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh vẫn ở mức trung bình so với cả nước (xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố); hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ (xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, tụt 6 bậc so với năm 2018); cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp (xếp thứ 48/63), hoạt động CĐS trên các lĩnh vực còn hạn chế (chỉ số CĐS DTI năm 2020 xếp thứ 20/63)...

Năm 2023, Đồng Nai xây dựng cơ bản chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn; thực hiện CĐS trong các lĩnh vực ưu tiên: an ninh trật tự, giao thông, y tế và giáo dục.

Đồng Nai kỳ vọng nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về CĐS trong cả nước; ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến trình CĐS ở một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, GT-VT, TN-MT, logistics, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, năng lượng, sản xuất công nghiệp…

Đến năm 2030, Đồng Nai trở thành đô thị thông minh với những chuyển đổi mới căn bản, toàn diện với hoạt động quản lý điều hành của bộ máy chính quyền; các ngành, các lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng sống của người dân.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân như: việc đầu tư hạ tầng CĐS gặp nhiều khó khăn, nhận thức về CĐS còn chưa đầy đủ, tư duy trong CĐS chưa theo kịp sự phát triển, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự chặt chẽ…

Lãnh đạo tỉnh đã nhìn thấy rõ những hạn chế này và quyết tâm trong việc đẩy nhanh CĐS trên địa bàn tỉnh. Chúng ta đặt mục tiêu sẽ nâng chỉ số CĐS DTI năm 2022 lên hạng 10/63, tương xứng với tiềm năng, vị thế của tỉnh. Mục tiêu này đồng thời cũng là một thử thách rất lớn. Vì việc vươn hạng đòi hỏi rất nhiều yếu tố (ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số): chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng và nền tảng số, thông tin và dữ liệu, hoạt động CĐS, an toàn - an ninh mạng, đào tạo và phát triển nhân lực. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các DN, người dân…

* Với rất nhiều mục tiêu, kế hoạch đặt ra cho CĐS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt đến các sở, ngành, đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức chưa thực sự hiểu về CĐS, dẫn đến lúng túng trong xây dựng kế hoạch hành động. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Để góp phần đẩy nhanh CĐS, Tỉnh ủy đang xây dựng để ban hành nghị quyết về CĐS tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, UBND tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch hành động. Trong đó, đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả thực hiện tại đơn vị phụ trách.

Chuyển đổi nhận thức là một phần vô cùng quan trọng trong CĐS. Có nhận thức tốt thì mới hành động tốt được. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền về CĐS. Việc tập huấn phải được tổ chức rộng khắp từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường. Trong đó, nội dung tập huấn, báo cáo viên phải được lựa chọn phù hợp với đối tượng tham gia tập huấn, sao cho người làm lãnh đạo phải hiểu rõ tổng thể để có chỉ đạo đúng, nhân viên trực tiếp làm việc phải nắm chắc kỹ thuật, thao tác… để phục vụ công việc; đồng thời, hướng dẫn được cho người dân biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng, phần mềm để tương tác với chính quyền, tham gia kinh tế số, xã hội số…

* Trang bị kỹ năng số cho người dân

* Để CĐS đòi hỏi phải có những công dân số với nhiều kỹ năng số. Thực tế tỷ lệ người dân giao tiếp, làm việc trên môi trường số ngày càng nhiều nhưng chưa thực sự đáp ứng được tiêu chí “công dân số”. Giải pháp đặt ra cho vấn đề này là gì, thưa ông?

- Công dân số phải là những người hiểu biết về công nghệ và có kiến thức cũng như kỹ năng sử dụng công nghệ và internet để phục vụ cho đời sống. Những người trẻ có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, tương tác trên môi trường internet. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng số có thể được thực hiện thông qua các nội dung, chương trình GD-ĐT ở nhà trường, tại nơi làm việc…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập các tổ công nghệ cộng đồng ở ấp, khu phố để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân tham gia CĐS. Tổ công nghệ cộng đồng sẽ có sự tham gia của nhiều lực lượng, đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học…) để tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến cho bà con.

Tương tác trên môi trường internet sẽ đem đến nhiều tiện ích cho người dân. Cùng với đó, việc tiếp cận lượng thông tin khổng lồ trên “thế giới phẳng” có thể khiến cho người dùng bị “ngộ độc” thông tin, gây nên nhiều hệ lụy. Vì vậy, người dân cần phải được trang bị “bộ lọc” thông tin.

Bộ lọc này đến từ nhiều phía. Trước hết, người dân cần chủ động học tập suốt đời, nâng cao dân trí để có khả năng nghi ngờ hợp lý, tư duy phản biện nhằm loại bỏ thông tin độc hại, chắt lọc thông tin có ích. Người dân cũng cần cân nhắc, cẩn trọng khi công khai các thông tin cá nhân trên môi trường mạng; cảnh giác với các loại tội phạm công nghệ.

Về phía chính quyền và ngành chức năng, cần chủ động cung cấp thông tin đến người dân thông qua các kênh truyền thông chính thống như: báo chí, truyền thanh, truyền hình. Đồng thời, chủ động cung cấp và đa dạng hóa hình thức thông tin trên các “kênh” riêng của cơ quan, đơn vị như: website, trang Facebook (fanpage), YouTube, Zalo. Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã có website riêng. Tuy nhiên, việc cung cấp, đăng tải thông tin trên website của một số đơn vị không thường xuyên, hình thức chưa hấp dẫn nên lượng tương tác chưa như mong đợi. Điều này cần phải được khắc phục để phục vụ người dân tốt hơn.

* CĐS đặt ra thách thức về việc bảo mật thông tin. Đây cũng là vấn đề người dân lo ngại và quan tâm. Vậy tỉnh sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này?

- Luật An toàn thông tin mạng kết hợp cùng Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác như: Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử… sẽ tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ cho công tác bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng, góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, điều trước tiên là các tổ chức, cá nhân, đơn vị và người dân cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Người dân cần hiểu rõ trách nhiệm của chính mình trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, đó là tự bảo vệ thông tin cá nhân và tự chịu trách nhiệm khi cung cấp những thông tin đó trên mạng.

Về phía cơ quan quản lý, cần thực hiện tốt trách nhiệm đó là: thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng. Định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân; tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất trong trường hợp cần thiết. Các tổ công nghệ cộng đồng sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số.

* Xin cảm ơn ông!

Hải Yến (thực hiện)

Tin xem nhiều